Dinh dưỡng lành mạnh, uống đủ nước, thường xuyên vận động... Công thức để duy trì cân nặng và có một cơ thể khỏe mạnh nghe có vẻ đơn giản. Thế nhưng, rất nhiều người trong số chúng ta dù làm đủ những điều trên nhưng vẫn tăng cân "đều đặn".
Sẽ ra sao nếu bạn có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tập luyện đều đặn mỗi ngày mà vẫn béo lên trông thấy? Rất có thể đó là kết quả của những nguyên nhân sâu xa, ngoài sức tưởng tượng của bạn.
Cơ chế tăng cân của con người và động vật nói chung
Đa số chúng ta cho rằng, tăng cân (theo chiều hướng xấu) là hậu quả của việc thay đổi thói quen: ăn quá nhiều tinh bột, đường... điều đó không sai nhưng chưa đủ.
Tiến sĩ Eduardo Grunvald, Giám đốc chương trình quản lý cân nặng tại Đại học San Diego, Mỹ cho biết: "Nguyên nhân chính dẫn đến tăng cân là do lượng calo mà cơ thể thiêu thụ thấp hơn lượng calo nạp vào. Nếu bạn cho rằng lượng calo mình nạp vào hàng ngày không thay đổi mà vẫn tăng cân, điều đó có nghĩa cơ thể đang tiêu thụ ít năng lượng hơn bình thường".
Rõ ràng, nếu nạp nhiều calo thì bạn sẽ tăng cân. Tuy nhiên, cách cơ thể xử lý chúng cũng là một yếu tố quan trọng.
Càng nhiều tuổi, càng dễ tăng cân
Sự trao đổi chất là quá trình mà cơ thể bạn chuyển đổi những gì bạn ăn uống thành năng lượng. Ngay cả khi bạn đang nghỉ ngơi, cơ thể bạn vẫn cần năng lượng để thở, tuần hoàn máu và phục hồi các tế bào bị hư hại. Số lượng calo mà cơ thể bạn đang sử dụng cho các chức năng này được gọi là tỉ lệ trao đổi chất cơ bản của bạn
Tiến sĩ Grunvald cho biết: "Tỷ lệ trao đổi chất giảm khi bạn già đi, cơ thể con người có tỷ lệ trao đổi chất cao nhất lúc 20 cho tới 30 tuổi, sau đó sẽ giảm dần".
Trao đổi chất chậm lại hoặc giảm dần đồng nghĩa với việc calo không được tiêu hóa hết, tích tụ lại thành mỡ thừa và tăng cân.
Tỷ lệ cơ bắp thấp cũng dễ dẫn đến tăng cân
Những người có lượng cơ nhiều hơn mỡ thì sẽ đốt cháy nhiều calo hơn, vì vậy họ có tỉ lệ trao đổi chất trong cơ thể nhanh hơn những người khác.
Tiến sĩ Caroline Apovian, người quản lý chương trình dinh dưỡng và quản lý cân nặng tại Trung tâm Y tế Boston cho biết: "Khi chúng ta già đi, cơ thể sẽ mất khối lượng cơ nạc với tỷ lệ 1% mỗi năm bắt đầu từ khoảng 30 tuổi trở đi".
Bạn béo vì... bố mẹ bạn cũng béo!
Nếu bố hoặc mẹ bạn có tiền sử tăng cân không ngừng từ 25 tuổi trở đi, trường hợp tương tự có thể xảy ra với bạn trong tương lai.
Một số người may mắn có một sự trao đổi chất diễn ra nhanh trong cơ thể nhưng sự trao đổi chất trong cơ những người khác lại diễn ra chậm chạp mà không thể cải thiện được nhiều. Điều này là do yếu tố di truyền gây ra.
Về lý thuyết, nếu bạn chăm chỉ tập thể dục thường xuyên bao gồm cả hoạt động thể chất, tập các bài tập nặng để để xây dựng khối lượng cơ bắp trong cơ thể thì bạn sẽ đốt cháy được nhiều chất béo, thúc đẩy sự trao đổi chất trong cơ thể để gầy đi. Nhưng nếu bạn vốn dĩ đã có gen trao đổi chất chậm thì cho dù bạn có cố gắng tập luyện khắc nghiệt thì tốc độ trao đổi chất cũng không được tăng cường là bao. Những người có tốc độ trao đổi chất trong cơ thể chậm thường khó giảm cân hơn.
Suy tuyến giáp
Suy tuyến giáp (tuyến giáp kém) là một tình trạng trong đó tuyến giáp không sản xuất đủ của một số hormone quan trọng cho cơ thể. Ở những người mắc bệnh này, tuyến giáp có thể phình to (gây bướu cổ) hoặc không. Suy giáp làm tăng nguy cơ tai biến tim mạch, có thể gây hôn mê, ngừng thở...
Sự thiếu hụt hormone này cũng ảnh hưởng đến sự cân bằng hormone chung trong cơ thể và ảnh hưởng đến tốc độ trao đổi chất làm cho quá trình này bị chậm lại. Sự trao đổi chất bị chậm lại đồng nghĩa với việc lượng chất béo không được đốt cháy hết và gây tăng cân.
Phương pháp điều trị suy giáp cần được dựa theo nguyên nhân gây bệnh và phải theo chỉ định của bác sĩ. Nếu suy giáp tạm thời do dùng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp quá liều, chỉ cần giảm thuốc là đủ. Nếu suy giáp do thiếu hụt iốt, cần bổ sung chất này.
Không ngủ đủ
Khi bạn kiệt sức, sự trao đổi chất trong cơ thể sẽ chậm lại. Cứ mỗi 30 phút mà bạn cố tình "cú đêm", tỉ lệ tăng cân béo phì sẽ tăng lên.
Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu đã phân tích thói quen sinh hoạt hàng ngày của 500 người và phát hiện ra rằng, thiếu ngủ 30 phút làm tăng nguy cơ béo phì lên 17%. Thậm chí, thiếu ngủ nhẹ cũng khiến bạn đói hơn và giảm hormone leptin - hormone làm ức chế sự thèm ăn. Đổi lại, thiếu ngủ khiến bạn đói ngay cả khi đã no, dẫn đến ăn quá nhiều và tăng cân.
Theo Thrillist
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"