Nhận gần 7.000 USD mỗi tháng nhưng thực tập sinh tại Apple bị cấm tiết lộ với bạn bè về công việc của họ

    Chíp,  

    Còn gì tệ hơn chuyện bạn kiếm được một công việc như ý nhưng không thể kể với bạn bè, không được đăng lên Facebook hay liệt kê những gì đã làm được trong CV?

    Nghe có vẻ khó tin nhưng đó là những gì bạn sẽ phải thực hiện nếu muốn thực tập tại Apple.

    "Họ muốn trình làng một sản phẩm khiến mọi người hạnh phúc nhưng chẳng ai biết trước về nó", một sinh viên có tên Brad từng thực tập tại Apple chia sẻ. "Bạn không được nói bất kỳ điều gì với bất cứ ai về công việc của bạn. Bạn không được nói với ai ngoài gia đình bạn về những gì bạn đang làm".

    Chính sự bí mật và sự trung thành bất thường của nhân viên khiến Apple có văn hóa doanh nghiệp khác hẳn với hầu hết công ty tại Silicon Valley. Dưới đây, mời các bạn hãy cùng tìm hiểu thêm những trải nghiệm của Brad khi thực tập tại Apple.

    Nhận việc

    Quá trình phỏng vấn tại Apple rất khác so với những gì bạn phải trải qua tại Google và Facebook, Brad nói. Apple phỏng vấn các ứng viên thực tập cho các vai trò cụ thể và quản lý của các team cụ thể ấy sẽ tiến hành những cuộc phỏng vấn.

    Nhận gần 7.000 USD mỗi tháng nhưng thực tập sinh tại Apple bị cấm tiết lộ với bạn bè về công việc của họ - Ảnh 1.

    Theo Brad, người đã từng phỏng vấn cho một vị trí thực tập tại Facebook và từng nghe bạn bè kể về buổi phỏng vấn thực tập tại Google, những công ty này phỏng vấn hơi khác một chút. Thay vì phỏng vấn một ứng viên cho một công việc cụ thể, Facebook và Google tiến hành các cuộc phỏng vấn tổng quát, chung chung hơn và sau khi quyết định thuê mới sắp xếp họ vào các nhóm cụ thể.

    Brad không đề cập tới bất kỳ câu hỏi phỏng vấn nào mà anh phải trả lời tại Apple. Thay vào đó, anh chia sẻ rằng mình và người phụ trách phỏng vấn đã dành một hoặc hai tiếng chỉ để nói về công việc trước đây anh từng làm.

    "Cuộc phỏng vấn thực sự khá đơn giản", Brad nói.

    Và khi biết rằng mình được nhận thực tập tại Apple, anh đã ngay lập tức chấp nhận.

    "Tôi đã rất hạnh phúc", anh nói. "Tôi muốn nói ngay với họ rằng tôi đồng ý ngay cả khi chưa biết gì về tiền lương và những điều khoản khác".

    Mức lương tuyệt vời

    Mức lương Apple dành cho thực tập sinh thực sự rất tốt.

    Theo Brad, thực tập sinh kiếm được khoảng 38 USD mỗi giờ, trùng khớp với những gì mà ai đó đăng tải trên trang công việc Glassdoor. Như vậy, trung bình mỗi tháng thực tập sinh nhận được khoảng 6.700 USD, Brad nói.

    Nhận gần 7.000 USD mỗi tháng nhưng thực tập sinh tại Apple bị cấm tiết lộ với bạn bè về công việc của họ - Ảnh 2.

    Apple trả lương rất cao cho các sinh viên thực tập

    Thực tập sinh cũng được trả lương làm thêm giờ nếu họ làm việc hơn 40 giờ mỗi tuần, Brad kể. Lương làm thêm giờ dành cho thực tập sinh tại Apple trong khoảng từ 40 tới 60 giờ được tính gấp rưỡi trong khi số giờ làm thêm vượt quá 60 giờ mỗi tuần sẽ được tính gấp đôi.

    Điều này mang tới cơ hội tiết kiệm cho các thực tập sinh, đặc biệt là khi họ không phải trả tiền nhà. Theo Brad, Apple cung cấp nhà ở miễn phí cho bạn trong khu vực nếu bạn không ngại ở cùng những thực tập sinh khác.

    Thực tế, được ở cùng những thực tập sinh khác lại là trải nghiệm tuyệt vời nhất của Maxime Britto, người từng thực tập tại Apple vào năm 2008. Britto làm việc tại nhóm phát triển trình duyệt Safari.

    "Điều tuyệt vời nhất không phải là được ở miễn phí mà là không hề cô độc", Britto viết trên Quora. "Bạn chia sẻ ngôi nhà với ba thực tập sinh khác từ khắp nơi trên thế giới. Đó là cách tuyệt vời để học hỏi và hòa đồng với những nền văn hóa khác".

    "Nếu bạn không muốn ở với những thực tập sinh khác, Apple sẽ trả cho bạn 1.000 USD để trang trải tiền thuê nhà hàng tháng. Nếu bạn phải di chuyển tới khu vực khác để làm việc cho Apple, họ sẽ trả 3.300 USD cho bạn để có thể ổn định chỗ ở tại địa điểm mới, mua vé máy bay, chuyển đồ đạc...", Brad nói.

    "Họ tuyển dụng nhân tài trên khắp thế giới và có nhiều văn phòng tại những quốc gia khác nhau vì thế họ không muốn nhân viên của mình phải mệt mỏi khi thay đổi nơi làm việc", Brad kể.

    Apple cố gắng để mọi người trên toàn cầu có thể làm việc cho họ một cách dễ dàng nhất có thể. Britto kể rằng Apple đã hỗ trợ anh làm các thủ tục cần thiết khi anh chuyển từ Pháp sang Mỹ để làm việc cho họ.

    Britto cũng đặc biệt ấn tượng khi các nhân viên của Apple thấu hiểu rằng tiếng Anh không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của anh.

    "Kể cả khi làm việc và khi ở bên ngoài với những thực tập sinh khác, mọi người luôn rất kiên nhẫn và tốt bụng với tôi", Britto viết.

    Văn hóa bí mật

    Mục tiêu của Apple là gây nhạc nhiên và thích thú cho mọi người, Brad nói, vì thế, giữ bí mật tối đa cho các dự án là điều quan trọng nhất. Apple cũng đảm bảo rằng nhân viên của bộ phận khác này không biết những bộ phận khác đang làm gì và ngược lại bằng cách hạn chế di chuyển vào một số tòa nhà nhất định trong khuôn viên văn phòng.

    "Tất cả mọi thứ đều được khóa chặt", Brad nói. "Không được chụp ảnh trong khuôn viên văn phòng, một điều cực kỳ điên rồ".

    Văn hóa giữ bí mật được Apple truyền tải tới thực tập sinh và nhân viên trong "buổi đào tạo bí mật" ngay ngày đầu làm việc, theo Brad. Tuy vậy, nó không chỉ được dùng để giữ bí mật mà còn là một kỹ thuật quản lý.

    Nhận gần 7.000 USD mỗi tháng nhưng thực tập sinh tại Apple bị cấm tiết lộ với bạn bè về công việc của họ - Ảnh 3.

    Steve Jobs trình làng ipad đời đầu

    Đôi khi, nhân viên Apple làm việc trên một sản phẩm mà không hề biết nó là gì. Brad từng nói chuyện với một nhân viên của Apple, người từng làm việc với iPad đời đầu vào năm 2010. Người này kể rằng anh ta đã làm việc với những thiết bị màn hình 9.7 inch trong một hoặc hai năm mà không biết chính xác chúng là gì.

    "Họ không biết nó là một chiếc điện thoại cỡ lớn hay một chiếc laptop nhỏ nhắn", Brad nói. "Họ chẳng biết gì. Chỉ tới khi Steve Jobs lên sân khấu và trình làng chiếc iPad họ mới nhận ra đó là những gì họ phát triển trong hai năm qua".

    Nate Sharpe, một kỹ sư từng thực tập tại Apple trong nhóm iPod Product Design, chia sẻ rằng bí mật là một trong những đặc quyền lớn nhất khi làm việc tại Apple.

    "Thật tuyệt vời khi chúng tôi được tham gia tích cực vào việc phát triển những sản phẩm trước khi chúng được ra mắt và được thấy chi tiết về các sản phẩm trong quá khứ, thậm chí một vài trong số chúng chẳng bao giờ được tung ra thị trường", Sharpe nói.

    Gặp gỡ những giám đốc cấp cao

    Nhận gần 7.000 USD mỗi tháng nhưng thực tập sinh tại Apple bị cấm tiết lộ với bạn bè về công việc của họ - Ảnh 4.

    Giám đốc thiết kế của Apple, ông Jony Ive

    Apple mang tới cho thực tập sinh cơ hội gặp gỡ các giám đốc cao cấp thông qua những chương trình hội thảo hàng tuần. Danh sách diễn giả bao gồm tất cả mọi giám đốc cao cấp từ CEO Tim Cook tới giám đốc thiết kế Jony Ive và những nhân vật điều hành chuỗi cung ứng của Apple.

    Trong thời gian thực tập tại Apple, Brad được tham dự một hội thảo với diễn giả là phó chủ tịch phụ trách mảng công nghệ camera của Apple. Brad không nói rõ tên nhưng theo thông tin trên LinkedIn John Kerr là người phụ trách công nghệ camera cho iPhone, iPad và Mac của Apple.

    Những hội thảo này thường tập trung vào việc giải thích nhiệm vụ của từng mảng doanh nghiệp tại Apple, các diễn giả sẽ kể về những gì họ làm để leo lên được vị trí phó chủ tịch và sau đó cho phép thực tập sinh và nhân viên đặt câu hỏi.

    Họ cũng tiết lộ một số thông tin thú vị về các sản phẩm của Apple và quá trình phát triển chúng. Ví dụ, khi Brad nghe phó chủ tịch phụ trách mảng công nghệ camera của Apple nói, anh đã biết những khó khăn trong việc sản xuất camera của iPhone 6.

    Một trong những người tham gia đã hỏi về việc Apple đã quyết định thế nào khi sản xuất camera của iPhone 6 vì nó lồi ra so với mặt lưng của thiết bị. Và câu trả lời, Brad kể, là có một số xung đột nảy ra giữa nhóm phát triển camera và nhóm thiết kế của Jony Ive.

    "Đó là một cuộc xung đột kéo dài", Brad kể lại những gì mình được nghe. "Nhưng cuối cùng họ quyết định đặt camera lồi lên một chút".

    Nhận gần 7.000 USD mỗi tháng nhưng thực tập sinh tại Apple bị cấm tiết lộ với bạn bè về công việc của họ - Ảnh 5.

    Cận cảnh camera của iPhone 6

    Ive không muốn camera lồi ra bởi ông nghĩ rằng nó trông không đẹp, Brad nói.

    "Họ chỉ có hai lựa chọn, một là tạo ra một thiết bị dày hơn hoặc camera sẽ phải giảm chất lượng", Brad kể. "Và cuối cùng, giải pháp camera lồi khiến thiết bị vẫn mỏng mà chất lượng camera lại được đảm bảo".

    Brad cũng nghe vị phó chủ tịch chia sẻ về những khó khăn trong việc quản lý dây chuyền sản xuất iPhone khổng lồ của Apple.

    "Khá nhiều iPhone sau khi lắp ráp không đạt tiêu chuẩn và không thể bán ra thị trường", Brad nói. "Thật thú vị khi được nghe kể về những thách thức mà Apple đã gặp".

    "Chẳng ai muốn tìm công việc khác"

    Ngoài nhấn mạnh vào sự bí mật, Apple còn có vài điểm khác biệt nữa so với những công ty ở Silicon Valley.

    Tại những công ty khác như Google và Facebook, việc nhân viên bỏ việc sau vài năm để lập công ty riêng không hiếm. Tuy nhiên, nhân viên của Apple thường rất trung thành và hay gắn bó khoảng 25 tới 35 năm với công ty.

    Và theo Sharpe, rất nhiều thực tập sinh đã được nhận làm nhân viên chính thức khi hoàn thành tốt công việc.

    "Thật điên rồ, tôi chưa thấy điều này ở bất cứ đâu", Sharpe nói. "Họ nói về Steve Jobs bằng tên của ông ấy. Sự trung thành của họ thật khó tin. Mọi người chẳng ai tìm công việc khác. Họ thậm chí còn chẳng cần biết về những gì đang xảy ra bên ngoài Apple".

    Sự trung thành của nhân viên được Apple đền đáp xứng đáng, theo Brad. Anh kể rằng Apple có những khoản đãi ngộ rất hậu hĩnh, ngay cả với những nhân viên cấp thấp.

    "Bạn sẽ thấy mọi người đi làm bằng xe thể thao mặc dù họ chỉ là những kỹ sư bình thường", Brad kể. "Không có chuyện chỉ trả lương cao cho quản lý hoặc điều gì đó tương tự. Và đó chính là lý do khiến nhân viên của Apple không muốn bỏ việc".

    Apple từ chối bình luận về những thông tin trên.

    Theo Business Insider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ