Nhận thấy robot đang cướp việc của con người, châu Âu sẽ yêu cầu chúng đóng thuế

    Ngocmiz,  

    Trước viễn cảnh robot đang dần xấm chiếm thị trường lao động và cướp hết việc làm của con người đang đến gần, liệu chúng ta có nên đánh thuế lên những con robot này?

    ­Đây chính là một trong những chủ đề nổi bật trong dự thảo báo cáo của nghị viện Châu Âu về những hậu quả nghiêm trọng mà sự trỗi dậy của robot và tự động hóa có thể gây ra.

    Bản báo cáo có viết rằng: “Chỉ trong vài thập kỷ tới, trí tuệ nhân tạo có thể vượt cả khả năng của con người trong nhiều lĩnh vực mà nếu không có sự chuẩn bị trước, chúng ta sẽ gặp phải những thách thức lớn trong quản lý việc sản xuất và sử dụng robot.”

    Báo cáo cũng đưa ra một số phương án Châu Âu có thể áp dụng để chuẩn bị cho sự đổ bộ của những cư dân mới này và nhiều khả năng chúng sẽ tạo ra một cuộc cách mạng công nghiệp mới thực sự.

    Một trong những phương án đưa ra chính là nên yêu cầu các robot phải đăng ký với chính quyền trước khi được đưa vào sử dụng, và luật pháp cũng phải có những quy định rõ ràng về trách nhiệm của robot cho những thiệt hại chúng gây ra, bao gồm cả việc cướp mất việc làm của con người. Tiếp xúc giữa con người và robot cũng nên được quản lý chặt chẽ để đảm bảo rằng sự an toàn, quyền riêng tư, nhân phẩm và tự chủ của con người sẽ không bao giờ bị xâm phạm.

    Báo cáo cũng đề xuất trong trường hợp các robot chiếm quá nhiều việc làm, Ủy ban Châu Âu nên đánh thuế những người sở hữu chúng, thiết lập mức thu nhập cơ bản và các chương trình phúc lợi nhất định để đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ con người khỏi nạn thất nghiệp.

    Nếu robot thực sự đạt đến tầm ý thức cao, Châu Âu cũng nên thiết lập bộ quy tắc ứng xử như những gì tiểu thuyết gia khoa học viễn tưởng Isaac Asimov từng quan sát được, trong đó có quy định rằng robot phải bắt buộc tuân thủ các yêu cầu của người tạo ra chúng.

    Bản dự thảo báo cáo được viết bởi Mady Delvaux, một thành viên Nghị viện Châu Âu từ Luxembourg này có thể được trình lên Nghị viện bỏ phiếu vào cuối năm nay. Tuy nhiên, kể cả có được thông qua thì nó cũng chỉ mang tính tượng trưng bởi mọi quy định của EU đều phải xuất phát từ Ủy ban Châu Âu, thế nhưng Ủy ban hiện vẫn chưa đưa ra phản hồi nào về điều này.

    Tham khảo CNNMoney

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ