Nhật Bản vừa cấp phép cho thí nghiệm nuôi phôi lai giữa người và động vật, mở ra chiếc hộp Pandora cho loài người?
Liệu chúng ta có tạo ra một "con người" bị nhốt trong thể xác của một con lợn?
Chính phủ Nhật Bản vừa chính thức cấp phép cho một thí nghiệm tạo ra phôi lai giữa người và động vật, cụ thể là những con chuột. Trong khi nhiều quốc gia hạn chế, ngừng cấp tài trợ hoặc hoàn toàn cấm loại hình nghiên cứu này, động thái của Nhật Bản được ví như việc mở ra chiếc hộp Pandora cho các nhà khoa học.
Tiến sĩ Hiromitsu Nakauchi, nhà sinh vật học tế bào gốc đang công tác tại Đại học Tokyo và Đại học Stanford cho biết ông đã đã chờ đợi thời điểm này trong suốt 10 năm.
Cùng khoảng thời gian đó, tiến sĩ Nakauchi đã đi từ nước này sang nước khác, vận động việc thông qua và tiến hành các thí nghiệm tạo ra phôi thai lai. Ông mang trong mình ước mơ – một ngày nào đó có thể phát triển các bộ phận và nội tạng con người bên trong cơ thể những con cừu hoặc lợn.
Nhật Bản vừa cấp phép cho thí nghiệm nuôi phôi lai giữa người và động vật
Với hơn 116.000 người trong danh sách chờ ghép tạng chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ, tiến sĩ Nakauchi hy vọng ý tưởng của mình sẽ thay đổi cuộc sống cho tất cả những bệnh nhân ấy.
Nội tạng chứa tế bào gốc của chính người bệnh có thể được nuôi lớn bên trong cơ thể những con vật, sau đó cấy trở lại cho người bệnh mà không hề bị đào thải.
Mặc dù mục tiêu cuối cùng đó vẫn còn cách nghiên cứu mới được cấp phép một chặng đường dài, nhưng động thái của chính phủ Nhật Bản lúc này được coi là một tín hiệu bật đèn xanh cần thiết.
"Chúng tôi không mong đợi tạo ra các bộ phận cơ thể người ngay lập tức, nhưng điều này cho phép chúng tôi tiến hành nghiên cứu dựa trên những hiểu biết mà chúng tôi đã đạt được cho đến thời điểm này", tiến sĩ Nakauchi nói.
Các thí nghiệm bắt đầu bằng cách tiêm tế bào gốc vạn năng cảm ứng (iPSC) của con người vào phôi chuột. Những phôi chuột này trước đó đã được chỉnh sửa gen để chúng không thể tự phát triển tuyến tụy.
Mục tiêu là gì? Các nhà khoa học muốn những con chuột sử dụng tế bào gốc của người để phát triển ra tuyến tụy mang tế bào người chứ không phải tế bào chuột. Thí nghiệm sẽ diễn ra trong vòng 2 năm. Suốt quãng thời gian đó, nhóm nghiên cứu sẽ theo dõi sự phát triển của các cơ quan nội tạng chuột, bao gồm cả bộ não.
Nếu hướng đi này thành công, khi chuột phát triển được tuyến tụy đủ giống con người, các nhà khoa học Nhật Bản sẽ tiến đến một bước quyết định, yêu cầu phê duyệt nó trên các động vật lớn như lợn, để thực sự có thể tạo ra các cơ quan nội tạng có kích thước bằng với con người và có thể sử dụng trong cấy ghép.
Thí nghiệm của các nhà khoa học Nhật Bản: Tạo ra những con chuột mang tuyến tụy chứa tế bào người
Trong quá khứ, các nhà khoa học cũng đã từng nhiều lần tạo ra các phôi lai giữa người và động vật - chẳng hạn như phôi lợn mang tế bào người, phôi lai giữa người và cừu. Nhưng chúng chưa bao giờ từng được phép phát triển đến khi trưởng thành.
Năm 2017, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu sinh học Salk, California Hoa Kỳ đã tạo ra được một phôi thai nửa người nửa lợn. Nhưng họ phải chủ động hủy phôi thai đó khi nó bước sang ngày tuổi thứ 28/112 của thai kỳ lợn.
Một trong những mối lo ngại lớn nhất của loại hình thí nghiệm này, đó là hiện chúng ta không biết các tế bào gốc của người được tiêm vào phôi thai động vật sẽ đi về đâu và phát triển thành bộ phận nào trong cơ thể chúng.
Hãy tưởng tượng đến kịch bản, trong đó các tế bào này phát triển thành các neuron thần kinh trong bộ não của chuột hoặc lợn. Khi đó, chúng ta không chắc những con vật này có mang trí thông minh của con người hay không.
Nếu câu trả lời là "có", đó sẽ là một khủng hoảng kinh hoàng về mặt đạo đức. Chúng ta có thể đã tạo ra một "con người" bị nhốt trong thể xác của một con chuột hoặc một con lợn?
Để phòng tránh kịch bản này, tiến sĩ Nakauchi cho biết ông và nhóm nghiên cứu của mình sẽ theo dõi sát sao thí nghiệm. Trong khi các tế bào gốc của người phát triển thành tuyến tụy trong cơ thể chuột, nếu phát hiện chúng cũng phát triển trên bộ não với tỷ lệ lớn hơn 30%, tiến sĩ Nakauchi sẽ chủ động hủy thí nghiệm.
Đây là một phần trong các điều kiện của chính phủ Nhật Bản khi cấp phép cho nghiên cứu gây tranh cãi. Nó sẽ đảm bảo rằng những con động vật "nhân hóa" theo đúng nghĩa đen sẽ không bao giờ xuất hiện.
Mặc dù vậy, tiến sĩ Nakauchi khá lạc quan về thành công của thử nghiệm. Ông tin rằng kịch bản tạo ra những con động vật nhân hóa sẽ không xảy ra. Bằng chứng là vào năm ngoái, tiến sĩ Nakauchi và các đồng nghiệp của mình tại Stanford đã nuôi thành công phôi lai giữa cừu và người đầu tiên trên thế giới.
Phôi này cũng bị phá hủy chỉ sau 28 ngày, nhưng con lai được chứng minh là chứa rất ít tế bào người – tỷ lệ tế bào người trên tế bào cừu chỉ khoảng 1/10.000 hoặc thậm chí thấp hơn.
"Ở cấp độ đó, một con vật có khuôn mặt người sẽ không bao giờ được sinh ra", tiến sĩ Nakauchi khẳng định.
"Chúng tôi đang cố gắng đảm bảo rằng các tế bào của con người chỉ tham gia vào quá trình hình thành của một số cơ quan nhất định", ông cho biết thêm.
"Với phiên bản thí nghiệm mới, được nhắm mục tiêu vào các nội tạng cụ thể, chúng ta không cần phải lo lắng về việc các tế bào người sẽ chui vào phát triển ở những nơi chúng ta không muốn có chúng ở đó. Nhờ vậy, những mối lo ngại về mặt đạo đức của thí nghiệm này cũng sẽ ít hơn".
Tham khảo Sciencealert, Asahi
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI