Nhìn thấu bản chất: Tự ca ngợi tính năng, khoe chuyển từ Android sang rất dễ, tại sao Huawei chỉ coi HarmonyOS là "kế hoạch B" cho Mate 30?

    CL thiết kế Tom,  

    Sự kiện vén màn HarmonyOS có thể được tóm tắt lại thành "HarmonyOS cực kỳ vượt trội, chuyển từ Android sang Android sang HarmonyOS cũng thật dễ dàng. NHƯNG chúng tôi vẫn muốn dùng Android".

    Nhìn thấu bản chất: Tự ca ngợi tính năng, khoe chuyển từ Android sang rất dễ, tại sao Huawei chỉ coi HarmonyOS là kế hoạch B cho Mate 30? - Ảnh 1.

    Cũng giống như bất kỳ một ông lớn smartphone nào khác, Huawei biết cách thổi phồng sản phẩm của mình. Sự kiện ra mắt HarmonyOS không phải là ngoại lệ. Thế nhưng, ngay trong sự kiện này Huawei lại truyền đi 2 thông điệp trái ngược nhau: HarmonyOS "ăn đứt" Android và bất kỳ một hệ điều hành nào khác, và Huawei vẫn muốn sử dụng Android cho smartphone sắp tới. Thậm chí, CEO Richard Yu còn thẳng thừng thừa nhận Harmony chỉ là "kế hoạch B" cho Mate 30, chiếc smartphone đầu bảng của Huawei trong mùa mua sắm cuối năm.

    Lý do được chính công ty Trung Quốc đưa ra là để "cùng hợp tác và giúp đỡ các đối tác Mỹ". Không hiểu "đối tác" mà Huawei nhắc đến ở đây là ai, nhưng hiển nhiên là Google không cần đến Huawei. Năm 2018 có 1,3 tỷ smartphone Android được phát hành, trong đó Huawei chỉ chiếm 200 triệu chiếc. Khi Huawei bị cấm dùng Android, người mua của hãng này cũng vẫn còn nhiều lựa chọn Android khác, bao gồm cả Android Trung Quốc như Xiaomi hay OPPO.

    Nhìn thấu bản chất: Tự ca ngợi tính năng, khoe chuyển từ Android sang rất dễ, tại sao Huawei chỉ coi HarmonyOS là kế hoạch B cho Mate 30? - Ảnh 2.

    Vậy nên, không thể có chuyện HarmonyOS tốt đến vậy mà Huawei vẫn cứ cố bám trụ với Google. Lý do thực sự đằng sau quyết định khó hiểu này của công ty Trung Quốc là gì?

    Nhìn thấu bản chất: Tự ca ngợi tính năng, khoe chuyển từ Android sang rất dễ, tại sao Huawei chỉ coi HarmonyOS là kế hoạch B cho Mate 30? - Ảnh 3.

    Khoảng 5 năm trước, các hệ điều hành di động ngập tràn thị trường: Tizen của Samsung, webOS của LG, Sailfish của Jolla (vốn là kẻ thừa kế của MeeGo từ Nokia), FireFox OS của Mozilla, Ubuntu của Canonical. BB10 của BlackBerry lúc này vẫn đang thoi thóp. Tất cả đều có 2 điểm chung: 1 là về mặt kỹ thuật đều gần với Android, 2 là đều đã bị khai tử trên mảnh đất di động.

    Các hệ điều hành này có thực sự thua kém Android? Không hề. Độ hoàn thiện của BB10 hay Windows Phone tại một số thời điểm còn có thể coi là vượt mặt Android tính theo cùng số tuổi.

    Nhìn thấu bản chất: Tự ca ngợi tính năng, khoe chuyển từ Android sang rất dễ, tại sao Huawei chỉ coi HarmonyOS là kế hoạch B cho Mate 30? - Ảnh 4.

    Bởi vậy, vũ khí giúp Google giết chết một hệ điều hành di động không phải là các tính năng hay đặc tính đột phá của Android. Đó cũng chẳng phải là lõi kernel, tính bảo mật hay khả năng triển khai rộng khắp – những điểm vượt trội mà Huawei đã (tự) tâng bốc một cách bừa bãi trong sự kiện vừa qua. Hãy nhớ rằng lĩnh vực hệ điều hành đã có hàng chục năm phát triển, và những "điểm vượt trội" này chẳng phải thứ gì mới mẻ cả. 

    Đơn cử, Microkernel (lõi hệ điều hành giảm thiểu tính năng) thực chất là kiến trúc của Mac OS 8 (1997), BlackBerry 10 hay quen thuộc nhất, là Symbian. Nguyên nhân microkernel ngày nay không quá phổ biến là vì mọi lựa chọn đều có đánh đổi (microkernel tiềm ẩn vấn đề hiệu năng)i, và Huawei đơn giản là chỉ cố tâng bốc lựa chọn của mình lên như thể không có đánh đổi gì – tương tự như những gì hãng này đã làm với cảm biến RYYB trên P30 Pro, vốn có khả năng chụp tối siêu tốt nhưng màu sắc thì... hoàn toàn sai lệch. 

    Nhìn thấu bản chất: Tự ca ngợi tính năng, khoe chuyển từ Android sang rất dễ, tại sao Huawei chỉ coi HarmonyOS là kế hoạch B cho Mate 30? - Ảnh 5.
    Nhìn thấu bản chất: Tự ca ngợi tính năng, khoe chuyển từ Android sang rất dễ, tại sao Huawei chỉ coi HarmonyOS là kế hoạch B cho Mate 30? - Ảnh 6.

    Thực chất, bất kể điểm mạnh - yếu là gì, trong cuộc chiến Mac OS và Windows, hay trong cái chết của Windows Phone, yếu tố quyết định thắng thua không phải là hệ điều hành. Cho dù hệ điều hành mới có đột phá đến đâu, nếu thiếu ứng dụng, hệ điều hành đó sẽ chết. Ví dụ có thể kể đến Windows Phone, dù được đánh giá là có mức độ mượt và hoàn thiện hơn hẳn Android trên cùng một cấu hình, sự hờ hững của các nhà phát triển đã khiến Microsoft phải khai tử hệ điều hành này vào năm 2017. Tất cả những kẻ thứ 3 khác, nếu không may thì chịu chung số phận, nếu may mắn hơn thì đặt chân lên TV và smartwatch.

    Bởi thế, Huawei đã nỗ lực để truyền tải đi thông điệp rằng, nếu nhà phát triển đã có ứng dụng Android, họ có thể xuất hiện trên HarmonyOS một cách dễ dàng. "Huawei khẳng định họ có thể chuyển sang HarmonyOS ngay bây giờ vì quá trình chuyển đổi không hề khó – nhờ có kiến trúc microkernel; họ khoe rằng chuyển từ Android sang Harmony chỉ mất 1 – 2 ngày", chuyên trang Android XDA-Developers ghi nhận trực tiếp tại sự kiện của Huawei.

    Những gì Huawei tuyên bố không phải là hoàn toàn sai lầm. Một lần nữa, HarmonyOS – cũng giống như Tizen hay BB10 – đều là các hệ điều hành dựa trên kiến trúc UNIX, vốn là loại kiến trúc mở, dễ "tháo lắp". Các ngôn ngữ dùng trên Android như Java và Kotlin cũng là các ngôn ngữ mở, các bộ compiler (biên dịch), SDK (gói API) hay runtime (môi trường thực thi) cho 2 ngôn ngữ này được phát hành rộng rãi. Huawei có thể đã đúng khi nói rằng, các lập trình viên chỉ mất 1-2 ngày để chuyển từ ART Compiler và Google Play Services sang ARK Compiler và Huawei  Mobile Services.

    Nhìn thấu bản chất: Tự ca ngợi tính năng, khoe chuyển từ Android sang rất dễ, tại sao Huawei chỉ coi HarmonyOS là kế hoạch B cho Mate 30? - Ảnh 7.

    Nhưng Huawei đã cố tình bỏ qua một sự thật quan trọng: không phải cứ sửa code là ứng dụng ngay lập tức hoạt động tốt. Sửa code xong, các nhà phát triển sẽ phải kiểm thử, phải tối ưu ứng dụng, và chắc chắn đó sẽ là công việc nặng nề nhất, tốn công khi chuyển từ nền tảng này sang nền tảng khác.

    Nhìn thấu bản chất: Tự ca ngợi tính năng, khoe chuyển từ Android sang rất dễ, tại sao Huawei chỉ coi HarmonyOS là kế hoạch B cho Mate 30? - Ảnh 8.

    Chưa dừng lại ở đây, ngay cả con số 1-2 ngày mà Huawei đưa ra cũng có thể là vấn đề. Patrick Moorhead, chủ tịch công ty phân tích công nghệ Moor Insights & Strategy đưa ra nhận định: "Huawei đang cố tình hạ thấp khối lượng công việc cần có để [chuyển ứng dụng từ Android sang Harmony]. Gần như tất cả các ứng dụng Android được viết để đọc API của Android, do đó các dòng code liên quan đến camera, cảm biến vân tay, camera AR, microphone, cảm biến khoảng cách và ngay cả các tiêu chuẩn bảo mật/quyền riêng tư cũng sẽ phải bị thay đổi".

    Cách đây ít lâu, CEO Richard Yu đã từng khẳng định ứng dụng được biên dịch từ mã nguồn cho HarmonyOS (khi đó còn có tên mã là "HongMeng") sẽ cải thiện được 60% hiệu năng so với ứng dụng Android chạy giả lập. Điều này cho thấy giữa Android và Harmony vẫn tồn tại sự khác biệt lớn mà Huawei không thể khắc phục được. Lôi kéo các nhà phát triển đầu tư công sức vào HarmonyOS là việc Huawei bắt buộc phải làm.

    Nhìn thấu bản chất: Tự ca ngợi tính năng, khoe chuyển từ Android sang rất dễ, tại sao Huawei chỉ coi HarmonyOS là kế hoạch B cho Mate 30? - Ảnh 9.

    Nhưng nếu như một công ty phân tích thị trường đã có thể nhìn ra những điểm bất hợp lý trong màn quảng bá của Huawei, liệu các nhà phát triển có dễ bị đánh lừa? Và, cứ cho rằng nhà phát triển nào đó đủ "yêu" Huawei để đem ứng dụng của họ sang HarmonyOS, khả năng hệ điều hành này được đón nhận các ứng dụng của Google (hay Facebook, Microsoft...) vẫn là 0%. Con đường bành trướng trên thị trường quốc tế của Huawei vẫn cứ đóng chặt, niềm hy vọng lúc này đặt trọn vẹn vào... nước Mỹ: Huawei cần Android, chứ không cần hệ điều hành của riêng mình.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ