Nhìn thấu bản chất: Vì sao cả tuần nay "lãnh đạo tối thượng" của Huawei cứ tâng bốc Apple lên mây vậy?
Căng thẳng thương mại đã gây cho Huawei những thiệt hại chưa từng có trong lịch sử. Giữa lúc phải căm ghét Apple - gã khổng lồ smartphone duy nhất đến từ nước Mỹ, nhà sáng lập và CEO của Huawei lại liên tiếp lên tiếng ca ngợi đối thủ của mình...
Nhắc đến Huawei đã luôn là nhắc tới một trong những đối thủ "mạnh miệng" nhất thế giới smartphone. Từ tuyên bố đả bại Samsung vào năm 2020 cho đến những lời chê bai đầy khinh thường dành cho OPPO/Vivo hay tham vọng đưa thương hiệu con Honor đánh bại Xiaomi, công ty số 1 Trung Quốc chưa bao giờ tỏ ra nhún nhường trước đối thủ.
Bỗng dưng thay đổi
Huawei "troll" Apple nhiều hơn bất kỳ một đối thủ nào khác, bao gồm Samsung.
Apple dĩ nhiên là mục tiêu công kích nặng nề nhất của Huawei. Năm 2018, Huawei tặng pin sạc dự phòng cho iFan đứng đợi mua iPhone ngoài cửa Apple Store tại Singapore và London. Năm 2017, Huawei đăng tải hình ảnh "thằng hề" bới móc tính năng nhận diện khuôn mặt của iPhone X – một tính năng mà sau đó chính Huawei đã học hỏithất bại. Năm 2015, Huawei "troll" tính năng Force Touch và năm 2014, Huawei đăng tải clip bới móc cả Apple lẫn Samsung. Trong mọi sự kiện ra mắt sản phẩm, Huawei luôn lấy Apple làm tiêu chuẩn so sánh.
Ấy vậy mà kể từ khi bị tổng thống Trump cắt đứt con đường bành trướng toàn cầu, Huawei lại quay ra làm lành với nhà Táo. Những lời dịu ngọt của Huawei thậm chí đến trực tiếp từ chính nhà lãnh đạo tối thượng của tập đoàn này: chủ tịch, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi. Tuần trước, ông Nhậm gọi Apple là "hình mẫu lý tưởng" để Huawei học hỏi về khả năng bảo vệ dữ liệu cho người dùng. Cuối tháng 5, trả lời phỏng vấn Bloomberg, ông ca ngợi Apple là "công ty hàng đầu thế giới, là thầy giáo của tôi, người dẫn đầu phía trước chúng tôi".
Tại sao lại có sự thay đổi 180 độ này? Dưới đây là một số lý do có thể nghĩ đến.
Điểm chung bất ngờ của Apple và Huawei
Căng thẳng thương mại gây hại cho cả Apple lẫn Huawei.
Đây là điều mà Nhậm Chính Phi chắc chắn đã nhận ra: trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Apple và Huawei cùng chịu thiệt. Thiệt hại khổng lồ dành cho Huawei thì cũng đã rõ, nhưng Apple cũng chẳng vui vẻ gì: ngay sau khi có lệnh cấm của ông Trump, cư dân mạng Trung Quốc đã lên Weibo kêu gọi tẩy chay Apple. Theo số liệu Canalys, Apple bán được 6,5 triệu iPhone tại Trung Quốc trong quý 1/2019, tức khoảng 16% tổng doanh số hãng này trên toàn cầu.
Chưa dừng lại ở đây, do phần lớn iPhone bán ra trên toàn cầu được Foxconn/Pegatron sản xuất tại Trung Quốc. cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng đã khiến Apple luôn phải nhấp nhổm lo lắng về thuế quan bị áp dụng bất cứ lúc nào. Cũng bởi Apple là hãng smartphone Mỹ duy nhất còn có mặt trên bản đồ di động thế giới, bất kỳ một ấn tượng tiêu cực nào dành cho nước Mỹ cũng sẽ liên đới sang Apple.
Bởi thế, phía Huawei hoàn toàn có thể coi Apple là "đồng minh" trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra. Cả 2 bên cùng chịu thiệt, và nếu Huawei có thể góp phần xây dựng một bầu không khí thân thiện hơn – bao gồm cả việc "thân thiện" với Apple, hãng này có thể tạo ra thêm động lực để tất cả các bên liên quan cùng lên tiếng giúp phần hạ nhiệt cuộc chiến Mỹ - Trung.
Huawei cũng cần chữa thẹn nữa
CFO Huawei, con gái Nhậm Chính Phi, một iFan thứ thiệt.
Khi căng thẳng đặc biệt leo thang vào 12 năm ngoái, Canada đã bắt CFO Huawei, cũng là con gái của Nhậm Chính Phi. Khi bị bắt, bà Mạnh Vãn Chu (theo họ mẹ) mang theo mình một chiếc smartphone Huawei cùng với… một iPhone, một MacBook và một iPad.
Những lời ca ngợi của ông Nhậm có đề cập đến điều này: "Tôi mua sản phẩm Apple cho cả gia đình". Nhưng đó cũng chính là cái tài của vị chủ tịch Huawei: từ một sự kiện đáng xấu hổ, ông đã biến thành một cơ hội PR cho công ty. Bởi...
…Ca ngợi cho Apple có lợi cho Huawei!
Với thị phần 79% ở phân khúc smartphone trên 800 USD, không thể phủ nhận iPhone là đại diện cho khái niệm "smartphone cao cấp". Mà đã nhắc đến những biểu tượng cao cấp thì ai cũng muốn "vơ vào": bao lâu nay, Huawei, Xiaomi, Microsoft, Google hay OPPO đem Apple ra so sánh cũng chỉ là một cách "vơ vào" mà thôi.
"PR" độc đáo chưa từng có: Thẳng thắn thừa nhận mình học hỏi từ đối thủ.
Ca ngợi Apple là một cách khác để "vơ" một chút tiếng thơm cho Huawei. Khi ông Nhậm nói Apple là "hình mẫu" của Huawei, khi ông thẳng thắn thừa nhận cả nhà cùng yêu Apple, chắc chắn sẽ có một bộ phận người tiêu dùng đem một ánh nhìn tích cực hơn về smartphone Huawei. À, hóa ra Huawei không chỉ biết kiêu căng, mà còn biết nhún nhường học hỏi những cái hay cái tốt nữa!
Nhưng ca ngợi Apple có gây hại cho Huawei không?
Thật ra là... không. Rất ít người nhận ra rằng, cùng là ông lớn thay nhau đứng thứ 2 thế giới nhưng Huawei và Apple khó có thể coi là đối thủ trực tiếp. Năm 2018, giá bán trung bình của smartphone Huawei/Honor còn chưa chạm tới 260 USD/đơn vị, tức là chưa bằng 1/3 giá bán trung bình của iPhone. Ngay cả các dòng Huawei đầu bảng như Mate và P cũng chỉ khởi điểm ở mức dưới 600 USD (giá Trung Quốc), trong khi iPhone XR dù là "đầu bảng hạng hai" của Apple cũng đã có giá lên tới 750 USD.
Làm bạn với Apple là nước cờ "đẹp" nhất mà ông Nhậm có thể đi vào lúc này.
Apple vẫn là vua một cõi – nơi dấu ấn của Huawei rất mờ nhạt. Ca ngợi Apple chẳng hề gây hại đến miếng bánh chính của Huawei, bởi Apple đâu có cạnh tranh với Huawei trên phân khúc đó. Trái lại, như đã đề cập ở trên, ca ngợi Apple vào lúc này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho Huawei!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?