Những bức ảnh động vật hoang dã đẹp nhất năm 2018: "Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương"
Qua những tấm ảnh dưới đây, bạn sẽ bắt gặp cô báo hoa nằm ngái ngủ bình yên giữa buổi sáng. Và cũng có bà mẹ gorilla lặng lẽ khóc thương con. Có quá nhiều cung bậc cảm xúc trong những tấm ảnh động vật đẹp nhất của năm!
- Nữ sinh 2000 giành HCV Olympic Sinh học Quốc tế, đạt kỷ lục thí sinh có điểm thi cao nhất thế giới: Ba lô đến trường nặng 8kg toàn là sách vở
- Muốn làm việc cho Jack Ma? Thử xem bạn có những phẩm chất này hay không
- Mạng sống đổi lấy những mạng sống: Sự phát triển của y tế trong lòng Thế chiến thứ nhất xảy ra như thế nào
Suốt 53 năm qua, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London (Anh) đã đều đặn vinh danh những bức ảnh động vật hoang dã đẹp đẽ nhất của năm. Đó là các bức ảnh lưu giữ sự đa dạng, vẻ đẹp, sức sống mãnh liệt và cả những thương tổn, đau đớn từ các sinh vật sống trên Trái Đất!
Và năm 2018 cũng không ngoại lệ, các giải thưởng đã có chủ nhân vào thứ ba 16/10 vừa qua. Dưới đây là 8 trong số các ảnh đã đạt giải Nhất tại nhiều hạng mục. Chúng không chỉ đẹp đến nghẹt thở mà còn chứa đựng đằng sau đó những câu chuyện đáng kinh ngạc.
1. "Đôi cú trong đường ống" - Tác giả Arshdeep Singh (Ấn Độ) - Giải nhất hạng mục nhiếp ảnh trẻ tuổi (dưới 10 tuổi)
Trong lúc được bố chở đến thành phố, cậu bé Arshdeep đã nhìn thấy 1 con cú biến mất vào đường ống. Cậu yêu cầu bố dừng xe, lấy máy ảnh và ống kính tele, rồi lặng lẽ ngồi chờ đợi. Lát sau, không phải 1 mà có đến 2 con cú xuất hiện. Bên trái là con mái, có kích thước lớn hơn. Chúng tận dụng đồ vật của con người để làm nơi sinh sản, bởi vì, cánh rừng tự nhiên thì đã bị con người tàn phá.
2. "Báo hoa nằm mơ màng" - Tác giả Skye Meaker (Nam Phi) - Giải nhất hạng mục nhiếp ảnh trẻ tuổi (15-17 tuổi)
Cô báo hoa này sống trong 1 khu bảo tồn của Botswana. Tên của nó là "Mathoja", có nghĩa "bước đi khập khiễng", bắt nguồn từ 1 vết thương khi còn nhỏ. Tuy vậy, bây giờ nó đã 8 tuổi, khỏe mạnh và bình tĩnh nằm trên nhánh cây vững chãi lúc bình minh vừa ló dạng.
3. "Cặp đôi vàng" - Tác giả Marsel van Oosten (Hà Lan) - Giải nhất hạng mục Chân dung động vật
Nhiếp ảnh gia cho biết đã rong ruổi nhiều ngày ở dãy núi Tần Lĩnh, Trung Quốc - nơi duy nhất tìm thấy loài voọc mũi hếch vàng. Loài linh trưởng quý hiếm này có bộ lông vàng ươm cùng phần mặt màu xanh dương vô cùng độc đáo. Trong ảnh là 1 con voọc đực và 1 con cái nhỏ hơn, đang lặng lẽ quan sát những đàn linh trưởng khác phía dưới thung lũng.
4. "Hellbent" - Tác giả David Herasimtschuk (Mỹ) - Giải nhất hạng mục Lưỡng cư và Bò sát
Hãy nhìn kĩ và bạn sẽ thấy trong ảnh có cả lưỡng cư lẫn bò sát! Mà bạn có biết đâu là thợ săn, đâu là con mồi hay không? Tiết lộ nhé: "Hellbender" là tên loài lưỡng cư khổng lồ ở Bắc Mỹ, đang "làm thịt" 1 con rắn nước! Tên của bức ảnh là 1 cách chơi chữ: "hell-bent" vừa gần giống tên của loài lưỡng cư kia, lại có nghĩa là "quyết tâm đến mức bướng bỉnh", thật đúng với ý chí săn mồi đang diễn ra.
5. "Khát máu" - Tác giả Thomas P Peschak (Đức/Nam Phi) - Giải nhất hạng mục Các loài chim
Chim hoa mai rất thường xuyên "uống máu" chim Nazca và những loài chim lớn khác. Cảnh tượng diễn ra trên đảo Wolf xa xôi giữa Thái Bình Dương. Tại đây, những con chim đất nhỏ bé không có đủ hạt cây và côn trùng, đành dùng chiếc mỏ sắc bén của chúng rút máu từ các loài khác để tồn tại! Hành vi này, ngạc nhiên thay, lại không gây hại vĩnh viễn cho "khổ chủ"
6. "Kuhirwa khóc thương con" - Tác giả Ricardo Núñez Montero (Tây Ban Nha) - Giải nhất hạng mục Động vật có vú
Ban đầu, nhiếp ảnh gia tưởng con gorilla này đang cầm 1 bó rễ cây. Nhưng không, nó đang thương khóc con mình. Theo hướng dẫn viên thám hiểm, em bé gorilla có thể đã chết vì lạnh, trong điều kiện thời tiết xấu. Bà mẹ vẫn không từ bỏ, ôm ấp con suốt nhiều tuần trước khi ăn xác chết - một hành vi rất kì lạ mà cả vị hướng dẫn viên lão làng chỉ thấy 2 lần trong đời!
7. "Chuyến bay đêm" - Tác giả Michael Patrick O’Neill (Mỹ) - Giải nhất hạng mục Dưới nước
Bạn có thắc mắc vì sao hạng mục Underwater (Dưới mặt nước) lại trao giải nhất cho 1 bức ảnh chim bay? Thực ra, đây là 1 con cá chuồn. Ban ngày, chúng phải lẩn tránh những tay săn mồi hung tợn như cá ngừ và cá thu. Chỉ ban đêm, nhiếp ảnh gia mới có thể tiếp cận cá chuồn khi chúng lướt trên mặt nước, nhằm săn tìm động vật phù du.
8. "Hồ băng" - Tác giả Cristobal Serrano (Tây Ban Nha) - Giải nhất hạng mục Góc nhìn sáng tạo
Nhờ chiếc drone có tiếng ồn thấp, nhiếp ảnh gia đã chụp được 1 bức ảnh từ trên cao đẹp hoàn hảo ở Nam Cực. Khí hậu nóng lên đã làm tan băng, tạo ra 1 hồ nước tự nhiên có hình trái tim màu xanh thẳm. Xung quanh đó là những con hải cẩu đang bơi lội đùa giỡn.
Bạn nghĩ gì về những bứa ảnh chụp động vật hoang dã trên khắp thế giới? Nếu ấn tượng với ảnh nào thì bạn nhớ để lại bình luận bên dưới nhé, chắc chắn không ít người đã phải choáng ngợp trước đời sống các loài sinh vật: thật mạnh mẽ, lãng mạn mà cũng rất tàn bạo, khắc nghiệt!
(Tham khảo: The Guardian, BP)
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"