Nhiều người xuất thân từ "lò" Bách Khoa sau này đã trở thành CEO tại các doanh nghiệp lừng lẫy.
Theo một khảo sát mới được đăng tải trên website của Đại học Bách Khoa, 91% sinh viên Bách Khoa sau khi ra trường đều có việc làm ổn định, 4% quyết định học lên các bằng cấp cao hơn cử nhân, và chỉ 5% là chưa có việc làm. Thực tế, nhiều người xuất thân từ "lò" Bách Khoa sau này đã trở thành CEO tại các doanh nghiệp lừng lẫy.
Phạm Đức Long - Tổng giám đốc VNPT
Ông Phạm Đức Long sinh năm 1970, tốt nghiệp Khoa điện tử Đại học Bách Khoa TPHCM. Sau đó, ông lấy bằng Tiến sĩ chuyên ngành Điện tử viễn thông tại Nhật vào năm 2005.
Ông đã có thời gian gắn bó khá dài với VNPT và đã kinh qua nhiều vị trí. Từ Kỹ sư hệ thống, Trung tâm nhắn tin Saigon Epro, Bưu điện TP.HCM (1992-1993), Kỹ sư hệ thống, Trung tâm vô tuyến di động MobileNet, Bưu điện TPHCM (1993-1994), Chuyên viên, Phòng Viễn thông Bưu điện TP.HCM (1995-2007).
Từ năm 2007-2009 ông là Trưởng phòng Viễn thông, Viễn thông TP.HCM, sau đó là Phó Giám đốc Viễn thông TP.HCM (2009-2012) rồi Giám đốc Viễn thông TP.HCM (2012-2013).
Tháng 1/2014 ông được bổ nhiệm là Thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV), Phó Tổng giám đốc VNPT và đến tháng 4/2015, ông Phạm Đức Long lên làm Tổng giám đốc VNPT.
Ông Long được đánh giá là nhân tố tiềm năng để VNPT hoàn thành các nhiệm vụ Chính phủ và Bộ TTTT giao phó.
Bài học lớn nhất mà môi trường Bách Khoa dạy cho ông, đó chính là phải có khát vọng và không ngại thay đổi. Chia sẻ trong buổi lễ công bố quyết định bổ nhiệm Tổng giám đốc, ông Long cho biết: “Trong bối cảnh cạnh tranh ngày nay, muốn phát triển thì bắt buộc phải thay đổi và phải có khát vọng”.
Bùi Quang Ngọc - Tổng giám đốc FPT
Trước khi về FPT và trở thành một trong những “công thần khai quốc” kiến tạo nên những dấu mốc lịch sử của FPT trong suốt 29 năm qua, ông Bùi Quang Ngọc đã có 16 năm giảng dạy tại Khoa Toán – Tin Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ông Ngọc có lẽ là một trong những nhà giáo – doanh nhân thành công nhất.
Ông Bùi Quang Ngọc là Giảng viên khoa Toán, khoa tin học của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội từ năm 1979. Đến năm 1986, ông làm Phó Chủ nhiệm Khoa tin học của trường. Từ năm 1995, ông chuyển sang làm việc tại Tập đoàn FPT.
FPT miêu tả ông Ngọc là chuyên gia hàng đầu về CNTT của FPT từ những năm 1990 và được bình chọn là một trong 10 lãnh đạo CNTT (CIO) xuất sắc nhất Đông Dương (2005).
Là một trong những người sáng lập FPT, trong 25 năm qua, ông Ngọc chịu trách nhiệm quản trị nhiều dự án lớn của Tập đoàn như thống nhất công ty FPT trên toàn quốc (Bắc - Nam 2002); tiến hành cổ phần hóa FPT (2002); tái cấu trúc sở hữu 3 đơn vị thành viên FPT IS, FPT Software, FPT Trading (2011).
Trước khi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc, ông Ngọc là Phó Chủ tịch HĐQT và giữ chức vụ Trưởng Ban kiểm soát nội bộ. Ngoài ra, ông còn tham gia vào ban lãnh đạo của Công ty Đầu tư FPT, Đại học FPT và FPT Telecom và có liên quan đến Công ty TNHH Bất động sản BQ.
Mang những ưu điểm đặc thù của dân kỹ thuật vào quản trị, ông Ngọc yêu cầu mọi thứ phải được thực hiện một cách tỉ mỉ, chỉn chu và phải làm đến nơi đến chốn. Trên cương vị quản lý, ông Ngọc điều hành tập đoàn gần 30 ngàn nhân viên bằng sự kiên định, tính quy trình, hệ thống chính xác và khoa học.
Phạm Đình Đoàn - Tổng giám đốc Phú Thái Group
Ông Phạm Đình Đoàn tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 1987. Sau đó, ông về làm việc tại Viện Công nghệ thực phẩm.
Thời gian này cũng là lúc kinh tế đất nước có nhiều chuyển biến tích cực, ông nhanh chóng nắm bắt cơ hội, trở thành một cán bộ có chuyên môn giỏi và được cử đi học ở Thái Lan và Pháp.
Năm 1993, ông thành lập Công ty Phú Thái, với chỉ hơn 10 thành viên, khai thác thị trường bán lẻ - một lĩnh vực còn quá mới mẻ ở Việt Nam lúc bấy giờ. Chia sẻ về những năm tháng đó, ông nói: "Tôi nghĩ rằng có rất nhiều cách để đạt được thành công, nhưng chúng tôi không muốn đi lại con đường của các bậc tiền nhân cho nên bắt đầu ở một lĩnh vực hoàn toàn mới. Cũng chính vì đi theo con đường mới, tôi và anh em đồng nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chính thế mà chúng tôi càng quyết tâm hơn."
Từ khi thành lập tới nay, Phú Thái không ngừng có những bước phát triển quan trọng, trở thành đơn vị phân phối hàng đầu Việt Nam. Công ty hiện có hơn 50.000 khách hàng là hệ thống chuỗi siêu thị, khách sạn, nhà hàng, đại lý bán buôn, bán lẻ… trải đều khắp ba miền.
Các nhà cung ứng trong và ngoài nước đang hợp tác với Phu Thai Group đã vượt qua con số 100 và chưa dừng lại, trong đó có nhiều thương hiệu lớn như: P&G, Nike, Philips, DutchLady, Winny, Dumex…
Hoàng Việt Anh - Tổng giám đốc FPT Software
Ông Hoàng Việt Anh sinh năm 1975, tốt nghiệp khoa CNTT trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1996. Ông Việt Anh gia nhập FPT năm 1993 với vị trí lập trình viên từ khi còn là sinh viên.
Với nghề lập trình viên, sau khi rời Bách khoa, ông Hoàng Việt Anh có 7 năm đầu tiên ở FPT làm đúng nghề. Đến năm 1999, khi FPT quyết định tấn công vào mặt trận xuất khẩu phần mềm, ông đã mạnh dạn thi tuyển và lọt vào đội nhân sự nòng cốt đầu tiên của FPT Software.
Là một trong những thành viên tham gia xây dựng và phát triển FPT Software từ những ngày đầu thành lập, ông đã đảm trách nhiều vị trí quan trọng tại Công ty này như: Giám đốc FPT Software Asia Pacific; Giám đốc Đơn vị Phần mềm Chiến lược số 1 (FSU1- đơn vị phụ trách thị trường các nước nói tiếng Anh); Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Điều hành FPT Software.
Từ tháng 8/2015, ông Hoàng Việt Anh được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc FPT Software và là Tổng giám đốc thứ tư của doanh nghiệp này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4