Những góc khuất của Internet mà Ready Player One nhắc đến: đó chính là lời nhắc nhở cho các công dân của "thời đại số"

    Dink,  

    Ready Player One: một cuộc hội ngộ của các nhân vật bước ra từ tuổi thơ chúng ta.

    Nếu bạn là dân nerd, một tay geek, một người ham chơi những trò điện tử xưa cũ, một người thích thú tìm hiểu văn hóa đại chúng – pop culture, thì nhiều khả năng bạn đã xem Ready Player One ít nhất là một lần.

    Nhưng nếu chưa có dịp xem, thì hãy khoan đọc bài viết này, bởi nó có nói trước chút ít (rất ít) nội dung bộ phim.

    Ready Player One: một bộ phim mãn nhãn về hiệu ứng và kĩ xảo, và chứa đầy những hoài niệm của cả một nền văn hóa. Nó chính là sự kết hợp của những thứ xưa cũ với thời đại Internet bùng nổ.

    Nó nêu lên những cái hay của Internet: bạn có thể kết nối mọi nơi, trở thành bất kì ai, sống trong một thế giới ảo để mà quên đi thực tại nhàm chán. Đó chính là cái hay của game, của phim hay của bất kì loại hình giải trí nào: nó đưa bạn sang một thế giới khác.

    Nó cũng nêu lên những cái dở, những khía cạnh nguy hiểm của Internet. Đó cũng lại là kết nối mọi nơi, trở thành bất kì ai, và sống trong một thế giới quá ảo để quên đi thực tại CÓ THỰC.

    Nguy hiểm #1: Kết nối mọi nơi, mọi người

    Bạn chỉ cần cắm vài ổ điện, gõ vài dòng đăng nhập, cắm là đã có thể chu du tới vùng đất diệu kì của Internet, nơi mà bất cứ thứ gì cũng có thể xảy ra. Đó chính là điểm mà Ready Player One nêu bật lên ở giai đoạn đầu bộ phim.

    Thực tại không còn có sức hút nữa, người ta dấn thân vào thế giới ảo mong kiếm tìm những thú vui mới. Một người có thể kết bạn ở trên đó, trở thành những người thân thiết mà không cần biết người ở "đầu dây" bên kia thực sự là ai.

    Vấn đề nằm ở chỗ, bản thân bạn có thể trở thành bất kì ai, nhưng ai cũng có thể làm vậy. Từ những kẻ muốn lợi dụng bạn để lừa đảo tới những tên tội phạm nguy hiểm. Bạn có thể dễ dàng sa ngã vào những cạm bẫy mà kẻ khác đặt ra. Ngay cả khi gặp mặt trực tiếp một cá nhân mới quen ngoài đời thực, bạn còn không thể biết họ thực sự là con người như thế nào, huống hồ quen một người bạn ảo qua vài dòng trò chuyện ngắn ngủi trên mạng.

    Bạn phải hoàn toàn hiểu được mình đang làm gì cũng như phải cảnh giác, bởi vì ...

    Nguy hiểm #2: Để lộ thông tin cá nhân của mình cho một người xa lạ trên mạng ngang với tự sát.

    Tôi không nói quá đâu, vì đó chính là những gì đã xảy ra với nhân vật chính trong phim. Cậu chàng đã để lộ danh tính thực của mình: tên thật, chỗ ở, người thân, ... và biến cố đã xảy ra. Tôi vốn rất ghét việc nói trước nội dung bộ phim, nhưng trong trường hợp này, có lẽ nên phá lệ một lần. Bạn hãy bôi đen dòng bên dưới để phát hiện ra rằng:

    Vì để lộ thông tin cá nhân của mình, nên cậu chàng nhân vật chính đã khiến người thân của mình mất mạng.

    Đó, chính là bài học cho thấy đừng bao giờ để thông tin cá nhân của mình bay muôn nơi. Bởi lẽ ...

    Nguy hiểm #3: Trong thời đại kết nối này, mọi thứ về bạn đều có trên mạng.

    Chỉ cần có được tên thật của chàng nhân vật chính, kẻ xấu đã tìm ra được cậu chỉ trong phút chốc. Họ so sánh lịch sử mua hàng của cái tên trên, với những thông tin sẵn có về những thứ đồ cậu có trên người, thế là lần ra được mọi thứ.

    Hãy tỉnh táo trên mạng Internet.

    Nguy hiểm #4: Thế giới ảo với vô vàn niềm vui và cám dỗ, nhưng đừng để mình bị cuốn vào vòng xoáy ấy.

    Thế giới ảo Oasis trong Ready Player One cũng giống như mạng Internet trong thế giới mà ta đang sống vậy. Nó đầy màu sắc, ta có thể làm được vô vàn thứ thú vị trên đó, đến mức mà ta cứ muốn ở đó mãi không dừng. Điều này cũng đúng với những trò chơi điện tử ta yêu thích chẳng hạn: chơi mãi không thể buông chuột, rời phím hay hạm cái tay cầm Xbox/PS/Switch kia xuống.

    Nhận thức được sự nguy hiểm đó, nên các nhân vật trong phim đã đưa lời khuyên cho tất cả chúng ta (dưới hình thức một bộ luật trong phim), rằng nên dừng kết nối lại phút chốc, thưởng thức cuộc sống hiện tại cũng đầy màu sắc này. Trong thế giới thực, các mối quan hệ mới là thực, những con người nơi đây mới là thực, những tình cảm mà ta có mới là thực.

    Đừng để Internet/thế giới game/hay bất kì thứ cám dỗ nào kéo bạn khỏi thực tại. Làm gì cũng phải điều độ, và cái gì nhiều cũng không tốt.

    Chốt lại: Đi xem Ready Player One đi các bạn, có thể kịch bản không chặt chẽ, có thể diễn biến tâm lý chưa sâu, nhưng đây là bộ phim dành cho những con người hoài cổ, những người đam mê game và truyện tranh, và đằng sau đó là cả một bài học dành cho thế hệ số.

    Bonus: Một số poster của các nhân vật chính trong phim.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày