Những hạt bụi có thể làm sụp đổ cả một đế chế hùng mạnh như thế nào?

    zknight,  

    Các mẫu hóa thạch đã mở ra một chiếc cửa sổ để nhìn vào quá khứ, cho thấy biến đổi khí hậu cũng góp phần đáng kể vào sự suy tàn của một đế chế.

    Các đế chế, hay những quốc gia hùng mạnh nhất có thể bị sụp đổ vì nhiều lý do - xâm lược, bành trướng quá mức, tham nhũng, rắc rối kinh tế, biến đổi khí hậu. Nhưng nghiên cứu cho thấy Akkad, một đế chế thịnh vượng ở vùng Lưỡng Hà những năm 2.000 trước Công Nguyên đã bị đánh bại bởi một nguyên nhân khó tin hơn rất nhiều: bụi.

    Những hạt bụi có thể làm sụp đổ cả một đế chế hùng mạnh như thế nào? - Ảnh 1.

    Akkad đã phát triển vô vùng thịnh vượng khi Babylon vẫn chỉ đang là một thành phố nhỏ.

    Trong thời đại đồ đồng (từ thế kỷ 24 đến thể kỷ 22 trước Công Nguyên), khi Babylon mới chỉ là một thành phố nhỏ, đế chế Akkad đã thống nhất được một dải đất trải dài theo hai con sông Tigris và Euphrates.

    Nó đạt được tới đỉnh cao thịnh vượng sau những cuộc chinh phạt của vua Sargon, người sáng lập ra Akkad. Sargon đã thống nhất người Akkad và người Sumer, đồng thời mở cả những cuộc viễn chinh vào bán đảo Ả Rập.

    Lãnh thổ của Akkad mở rộng, nằm đè lên một loạt các quốc gia ngày nay như Iraq, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Kuwait, Ả Rập Saudi và Jordan. Đôi khi, Akkad được coi là đế quốc đầu tiên trong lịch sử, mặc dù nhiều người cho rằng vinh dự này đáng lý phải thuộc về người Sumer trước đó.

    Tồn tại được khoảng gần 200 năm qua sáu đời vua, đế chế Akkad bị sụp đổ mới dẫn đến sự ra đời của hai đế quốc mới chia đôi lãnh thổ: Assyria ở phía Bắc và Babylon ở phía Nam.

    Nghiên cứu về sự sụp đổ của đế chế Akkad đã thu hút sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học. Ngày nay, họ đã thu thập được khoảng 7.000 văn bản có từ thời đại văn minh Lưỡng Hà này, chúng được viết bằng cả tiếng Sumer và tiếng Akkad.

    Nhưng phần lớn sự hiểu biết của chúng ta về thời đại Akkad đều đến từ các cuộc khai quật ở khu vực đông bắc Syria ngày nay, một phần của đế chế Assyria sau khi Akkad tan rã.

    Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã tìm thấy sáu hóa thạch san hô Porites có niên đại 4.100 năm tuổi. Phân tích hóa địa chất cho thấy, vào thời điểm đế chế Akkad sụp đổ, những mẫu hóa thạch này đã ở đây để chứng kiến những đợt khô hạn bất ngờ và dữ dội.

    Những hạt bụi có thể làm sụp đổ cả một đế chế hùng mạnh như thế nào? - Ảnh 2.

    Mẫu hóa thạch san hô Porites được tìm thấy ở đông bắc Syria.

    Cùng với đó là bằng chứng về những cơn gió mùa đông bắc mạnh liên quan đến bão bụi ở vùng vịnh Ba Tư. Các hóa thạch tiết lộ một đợt gió mùa đông bắc kéo dài trùng khớp với khoảng thời gian sụp đổ của triều đại Akkad cuối cùng, khoảng 4.200 năm trước.

    Các điều kiện khí tượng đó cộng thêm với một môi trường khắc nghiệt không còn hỗ trợ trồng trọt có thể trở thành điều kiện dẫn đến tình trạng bất ổn dân sự.

    "Mặc dù cột mốc chính thức cho sự sụp đổ của Đế chế Akkad là sự xâm chiếm Lưỡng Hà của các cộng đồng người khác, các mẫu hóa thạch của chúng tôi đã mở ra một chiếc cửa sổ để nhìn vào quá khứ, cho thấy sự biến đổi của khí hậu cũng góp phần đáng kể vào sự suy tàn của đế chế", nhà khoa học môi trường Tsuyoshi Watanabe đến từ Đại học Hokkaido, Nhật Bản cho biết.

    Hạn hán và sụp đổ xã ​​hội đã được xác định là lý do dự báo sự kết thúc đột ngột của Đế chế Akkad. Thêm vào đó là các cuộc xâm lược khởi xướng bởi các dân tộc khác. Nhưng nghiên cứu mới về các hóa thạch này đã bổ sung một số chi tiết không thể thiếu trong giai đoạn lịch sử quan trọng này.

    Chúng ta có thể không bao giờ biết chính xác những gì đã xảy ra vào cuối thời kỳ cai trị của người Akkad, nhưng những hóa thạch này đã đưa ra một số manh mối hấp dẫn. 

    Hóa thạch là một nhân chứng cho các điều kiện khí hậu trong quá khứ, nó có thể được bảo tồn suốt hàng ngàn năm. Các nhà khoa học có thể đưa ra những đánh giá về khí hậu dựa trên hóa thạch, tương tự với những gì họ làm với lõi băng và thậm chí các vòng tròn tìm thấy bên trong thân cây.

    Những hạt bụi có thể làm sụp đổ cả một đế chế hùng mạnh như thế nào? - Ảnh 3.

    Những đợt gió mùa đông bắc ở vùng vịnh Ba Tư có thể mang theo những cơn bão bụi như thế này.

    Bây giờ, các hóa thạch trong nghiên cứu này cũng được coi như một lời nhắc nhở kịp thời về những tác động tàn phá biến đổi khí hậu gây ra - ngay cả đối với các nền văn minh được coi là thịnh vượng nhất.

    "Các nghiên cứu liên ngành sẽ giúp cải thiện sự hiểu biết của chúng ta về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và xã hội loài người", Watanabe cho biết. 

    Chúng ta sẽ có được một cái nhìn sâu sắc hơn, không chỉ vào quá khứ, mà vào cả hiện tại và tương lai. Giống như người Akkad, chúng ta hiện đang chứng kiến các sự kiện thời tiết khắc nghiệt thường xuyên hơn, một số khu vực đã trở nên khắc nghiệt hơn và khó có thể sinh sống.

    Trong bài học của Lưỡng Hà, phải mất hàng trăm năm sau khi Addak sụp đổ, một đế chế mới với những người dân mới có thể trở lại đây sinh sống. Một vòng lặp tương tự cũng có thể đã được bắt đầu ngay vào thời điểm này.

    "Việc tăng cường đột ngột của gió mặt sẽ gây ra sự khô hạn trong mùa đông ở vùng Lưỡng Hà", các nhà nghiên cứu cho biết. Và đó là một tác nhân ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động nông nghiệp trong khu vực này ngày nay.

    Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí Geology.

    Tham khảo Sciencealert, Wikipedia

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ