Những hình ảnh gây shock: Đỉnh Everest danh giá giờ đã trở thành bãi rác cao nhất thế giới
Là "nóc nhà của thế giới", nhưng nay cũng biến thành một bãi rác khổng lồ - đó là những gì đỉnh Everest đang phải hứng chịu.
Đỉnh Everest vẫn luôn là mục tiêu đỉnh cao đầy mạo hiểm đối với các nhà đam mê leo núi. Nhưng qua thời gian, với sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật, ngày càng có nhiều người tìm đến đây để tìm cách chinh phục cho được "mái nhà của thế giới".
Cũng tốt thôi! Chỉ có điều, càng đông người thì càng lắm hệ lụy, mà nổi bật nhất là việc Everest đang dần trở thành một bãi rác cao nhất thế giới.
Rác rưởi ngập tràn đỉnh Everest sau khi nơi đây trở thành địa điểm du lịch thương mại
Lều phát quang, dụng cụ leo núi hỏng, bình gas rỗng, thậm chí cả chất thải đang nằm rải rác trên cung đường leo núi. Tất cả dĩ nhiên đều do con người thải ra.
Ở thời điểm hiện tại, mỗi năm có ít nhất 600 người tìm đến chinh phục Everest. Con số ấy sẽ ngày càng tăng cao, và khiến cho vấn đề trở nên thật tồi tệ.
"Thật kinh khủng, không muốn nhìn nữa" - Pemba Dorje Sherpa, người từng 18 lần leo Everest chia sẻ. "Ngọn núi giờ có hàng tấn rác."
Cùng với đó, việc Trái đất nóng lên đã khiến lớp băng núi dần tan ra. Rác cũng vì vậy mà lộ ra nhiều hơn, cả những khối rác bị bỏ lại từ 65 năm về trước.
Để giải quyết tình trạng này, chính phủ Nepal đã từng áp dụng biện pháp mạnh, khi thu trước tiền cọc của từng đội leo núi - gọi là tiền cọc rác - khoảng $4.000 (khoảng 90 triệu VND).
Số tiền này sẽ được hoàn trả nếu từng thành viên mang được xuống số rác ít nhất là 8kg. Còn tại phía cao nguyên Tây Tạng, các du khách cũng phải mang một khối lượng rác tương tự xuống. Nếu không, họ sẽ phải chịu phạt khoảng $100 (khoảng 2,2 triệu VND) cho mỗi kg.
Tưởng như là một quy định vô lý nhưng hóa ra nó có hiệu quả. Năm 2017, người leo núi tại Nepal đã mang xuống tổng cộng 25 tấn rác, và 15 tấn chất thải của con người - ngang ngửa với 3 chiếc xe bus 2 tầng. Dù vậy, đây vẫn chỉ là những con số rất nhỏ so với số lượng rác thực sự thải ra hàng năm, vì chỉ có chưa đầy 1/2 số người leo núi mang rác xuống.
Nguyên do là vì hầu hết du khách tham gia leo núi là những người có thu nhập cao đến rất cao. Họ lựa chọn bỏ luôn, vì quả thực nếu so với số tiền $20.000 - $100.000 (khoảng 440 triệu - 2,2 tỷ VND) họ phải bỏ ra để leo núi thì con số kia đúng là chỉ như muối bỏ bể.
Hơn nữa, quy định này chưa chắc đã được thực hiện đúng, vì một số quan chức chấp nhận được lót tay số tiền nhỏ hơn để bỏ qua cho du khách.
"Không có đủ người và lực để giám sát, rất tiếc" - Sherpa cho biết.
Theo Damian Banegas - một trong những người có thâm niên hàng chục năm tại Everest, thì ngành công nghiệp du lịch tại đây mới thực sự phát triển trong khoảng 2 thập kỷ. Tuy nhiên vì lợi nhuận, ngày càng có nhiều nhà tổ chức cắt giảm bớt chi phí, nhằm thu hút cả những người leo núi chưa có kinh nghiệm đến tham gia. Bởi vậy, vấn đề rác thải ngày càng trở nên trầm trọng.
Banegas cho biết, thông thường một nhóm leo núi sẽ có người Sherpa (một bộ tộc bản địa) đi theo dẫn đường, giúp mang vác các thiết bị nặng như lều, bình oxy, dây thừng... cả lúc leo lên lẫn khi đi xuống.
Trước kia, các nhà leo núi phải tự mang vật dụng cá nhân, bao gồm quần áo, thực phẩm, túi ngủ, và bình oxy. Nhưng do là những người thiếu kinh nghiệm, họ không thể làm được chuyện đó và các Sherpa phải lo hết.
"Họ phải mang toàn bộ vật dụng của khách hàng, thế nên không thể gom rác mang xuống được" - Benegas chia sẻ.
Rõ ràng, các nhà tổ chức cần phải tăng thêm số người dẫn đường, nhằm đảm bảo du khách và các vật dụng, rác thải họ mang ra được gom về đầy đủ. Nhưng vì chi phí, chẳng ai làm vậy cả.
Rác ngày càng nhiều cũng khiến các nhà môi trường học tỏ ra lo ngại. Họ sợ rằng ô nhiễm tại Everest có thể ảnh hưởng đến nguồn nước chảy xuống các thung lũng, khiến người dân bản địa nhiễm độc và tác động xấu đến các loài vật xung quanh.
Hiện tại, một số nhà khoa học đã lên kế hoạch giải quyết vấn đề này. Như các chuyên gia tại Mỹ đang có ý định xây dựng một nhà máy sản xuất khí sinh học gần Everest, nhằm biến lượng chất thải của con người trở thành phân bón cho cây trồng.
Một giải pháp khác do Ang Tsering Sherpa - chủ tịch Hiệp hội Leo núi Nepal đưa ra, là thành lập các đội thu gom rác. Sherpa cho biết, công ty Asian Trekking do ông điều hành đã mang thêm được tổng cộng 18 tấn rác sau các chuyến leo núi, chưa tính 8kg rác được yêu cầu.
"Đây không phải là việc dễ dàng. Chính phủ cần mạnh tay hơn, nhằm giữ gìn cho ngọn núi được sạch sẽ."
Tham khảo: Daily Mail
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"