Nỗi khổ không ai thấu của IT - nghề “nghìn USD”, nhưng cũng “nghìn bệnh”

    Phương Thuý, Theo Trí Thức Trẻ 

    (Tổ Quốc) - Nhắc đến mức lương của nghề IT, hầu hết mọi người đều ngưỡng mộ, thậm chí còn gọi đây là “vua của mọi nghề”. Nhưng mặt trái đằng sau thì chỉ có dân trong ngành mới hiểu thấu.

    Mới đây, “Báo cáo thị trường IT Việt Nam năm 2022" do TopDev vừa phát hành đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi cho biết, mức lương dành cho lập trình viên (IT) có từ 5 năm kinh nghiệm trở lên có thể đạt từ 2.230 – 2.435 USD/tháng trở lên. Với các vị trí CTO/CIO hoặc Tech Management, con số này có thể lên đến 6.000 USD/tháng.

    Với mức thu nhập cao như vậy, IT hay ngành công nghệ luôn là một trong lựa chọn nghề nghiệp hàng đầu cho giới chuyên gia. Song, một trong những nghề được xem là ổn định nhất này lại gây bất ổn nhất cho sức khỏe tinh thần của người làm nghề.

    Nguyên nhân chủ yếu là do ngồi nhiều “sinh bách bệnh”. Phần lớn thời gian của lập trình viên là ngồi làm việc với màn hình máy tính, ít di chuyển, có khi ngồi liên tục hàng giờ đồng hồ. Đặc thù công việc của nghề IT thường đi kèm với tăng ca, thức khuya, tình trạng stress… 

    Từ đây dẫn tới các thói quen không lành mạnh như ăn uống không điều độ, lạm dụng cà phê, thuốc lá, các loại đồ ăn nhanh… Tất cả đều gây ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe. 

    Nỗi khổ không ai thấu của IT - nghề “nghìn USD”, nhưng cũng “nghìn bệnh”: Nhiều tiền để mua thuốc thì có đáng không? - Ảnh 1.

    Ảnh minh họa: Internet

    Đặc biệt, có 10 vấn đề sức khỏe phổ biến của dân công nghệ thông tin cần đặc biệt lưu ý: 

    Chứng huyết khối

    Những người dành nhiều thời gian bên máy tính như dân IT thường ít vận động trong thời gian dài, có thể khiến hình thành các huyết khối. Những cục máu đông này có thể đi chuyển đến não và phổi, gây ra đột quỵ và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

    Bệnh tim

    Theo trang NPR, một nghiên cứu trước kia đã cho thấy rằng "những người có thời gian ngồi kéo dài hơn 23 giờ/tuần có nguy cơ tử vong vì bệnh tim lớn hơn 64% so với những người chỉ ngồi khoảng 11 giờ/tuần". Vì vậy, đối những người làm việc trong lĩnh vực CNTT thì đây có thể gọi là một thông tin đáng báo động. Để bảo vệ sức khỏe tim mạch, sau mỗi 15 phút bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi, đi lại một chút sẽ có hiệu quả ngăn chặn bệnh rất lớn.

    Ung thư

    Theo các nghiên cứu y học, giữa hoạt động thể chất và một số bệnh ung thư nhất định có mối liên kết chặt chẽ. Nếu muốn nâng cao nền tảng thể chất, phòng tránh một số bệnh ung thư, cần ít nhất 30 phút tập thể dục nhẹ mỗi ngày. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm để phát hiện bệnh sớm cũng là một việc rất nên làm.

    Hội chứng ống cổ tay

    Những người thường xuyên dùng máy tính sẽ phải đối mặt với một vấn đề sức khỏe hay gặp, chính là hội chứng ống cổ tay (Carpal tunnel syndrom). Hội chứng này xảy ra khi dây thần kinh chính ở cổ tay, phụ trách việc dẫn truyền cảm giác từ các ngón cái, trỏ, giữa, và một nửa ngón đeo nhẫn của bàn tay bị chèn ép sau khi bị căng thẳng liên tục. Ban đầu, người bệnh xuất hiện các triệu chứng nhẹ nhàng như nóng hoặc ngứa ran ở bàn tay, theo thời gian sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, có thể dẫn đến đau trầm trọng và giảm tính di động cổ tay. 

    Để giảm nguy cơ mắc bệnh, cần lưu ý làm việc sao cho đúng tư thế, thường xuyên xoa bóp giúp cổ tay thư giãn, nghỉ ngơi, nên ngồi cách màn hình khoảng 0,6 m, khi gõ, phải giữ sao cho cổ tay phải thẳng, khuỷu tay ở góc 90 độ.

    Nỗi khổ không ai thấu của IT - nghề “nghìn USD”, nhưng cũng “nghìn bệnh”: Nhiều tiền để mua thuốc thì có đáng không? - Ảnh 2.

    Ảnh minh họa: Internet

    Thiếu Vitamin D

    Hầu hết những người làm việc trong văn phòng đều bị thiếu vitamin D, loại vitamin cần được dung nạp từ ánh sáng mặt trời. Sự thiếu hụt vitamin D có thể làm gia tăng nguy cơ mắc một số bệnh về xương và ung thư.

    Nhiễm khuẩn

    Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, bàn phím và điện thoại di động đều chứa rất nhiều các loại vi khuẩn và các vi sinh vật khác nếu không được vệ sinh liên tục. Các loại vi khuẩn này sẽ lây lan những căn bệnh như cảm lạnh và cúm, đồng thời dẫn đến việc nhiễm tụ cầu khuẩn và những bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng khác.

    Áp lực tâm lý, dễ trầm cảm

    Theo các nhà khoa học Anh, một vài nghiên cứu gần đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa sử dụng máy tính và trầm cảm. Nguyên nhân được cho là do các nhân viên CNTT thường phải quản lý và khôi phục thông tin khi xảy ra sự cố, đối mặt với áp lực căng thẳng rất lớn. Điều đó không những dẫn đến việc thay đổi tâm trạng và trạng thái lo âu, dẫn tới khả năng trầm cảm, mà việc căng thẳng thường xuyên còn có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng khác cho sức khỏe.

    Nỗi khổ không ai thấu của IT - nghề “nghìn USD”, nhưng cũng “nghìn bệnh”: Nhiều tiền để mua thuốc thì có đáng không? - Ảnh 3.

    Ảnh minh họa: Internet

    Mất ngủ

    Nhiều nhân viên CNTT thường sử dụng máy tính rất khuya khiến đôi mắt phải nhìn chằm chằm vào màn hình trong thời gian dài. Ánh sáng xanh sẽ khiến cơ thể hạn chế sản xuất melatonin, một hormone trong cơ thể có thể giúp bạn đi vào giấc ngủ. Mất ngủ mãn tính có thể dẫn đến vấn đề sức khỏe khác.

    Đau thắt lưng

    Thói quen ngồi lâu, ngồi sai tư thế, ít di chuyển ắt sẽ dẫn tới những vấn đề liên quan tới cột sống. Những cơn đau ở phần lưng dưới hay phần thắt lưng là một vấn đề mà mọi người phải thường xuyên đối mặt. Theo thời gian, việc này có thể làm hỏng cấu trúc cột sống, dẫn đến đau nặng, đau mãn tính.

    Mỏi cổ và mỏi mắt

    Thường xuyên sử dụng máy tính có thể dẫn đến căng cơ ở cổ, thường là do màn hình không được đặt đúng cách. Thói quen dùng tai và vai để kẹp điện thoại khi nghe về lâu dài cũng có thể dẫn đến tình trạng cơ cổ bị cứng và chuột rút. Ngoài ra, nheo mắt vào màn hình máy tính hoặc màn hình thiết bị di động nhiều giờ cũng có thể khiến cho bạn bị mỏi mắt và nhức đầu.

    Để hạn chế tình trạng này, nên điều chỉnh ghế và máy tính sao cho màn hình máy tính ngang với tầm mắt và cổ. Đồng thời, hãy áp dụng quy tắc 20/20/20 để thư giãn mắt: sau 20 phút làm việc với máy tính, hãy nhìn vào một đối tượng cách khoảng 20 feet (hơn 6m) trong khoảng 20 giây.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ