Thu nhập không phải là tất cả. Được theo đuổi đam mê và làm công việc yêu thích quả là hạnh phúc. Nhưng nếu muốn cuộc sống viên mãn, chúng ta còn cần đến 2 chữ gia đình...
Sinh ra và lớn lên tại Ấn Độ, nhưng Nupur đã phải xa nhà suốt hơn một thập kỉ vì lí do công việc. Kể từ khi có cơ hội được làm việc tại trụ sở chính của Google ở California, cô đã nhận được rất nhiều ưu đãi của chính phủ nước này và thậm chí là cô đã có được thẻ xanh - một trong những quyền lợi lớn lao nhất nhất dành riêng cho đối tượng dân nhập cư.
Cô từng tham gia vào dự án "Network Content Distribution", công nghệ mạng đã cải thiện đáng kể tốc độ làm việc của Google. Không những vậy, cơ hội phát triển của cô ở "Gã khổng lồ" là rất sáng lạng.
"Tôi đã được đi du lịch nhiều nơi trên thế giới, tham dự rất nhiều các hội thảo lớn của công ty. Môi trường làm việc thì tuyệt vời, nhóm nghiên cứu của tôi làm việc cũng rất hiệu quả, đây thực sự là công việc ai cũng mơ ước", Nupur rất vui vẻ khi kể về quãng thời gian làm việc ở Google.
Tuy nhiên, mọi thứ ở đây không thể hoàn hảo, một số vấn đề ập đến và cô cảm thấy không còn hạnh phúc ở Thung lũng Silicon, nơi được quan niệm là vùng đất của những giấc mơ.
"Thân cô thế cô" ở vùng đất đắt đỏ
Dù được trả lương khá hậu hĩnh, nhưng chi phí sinh hoạt tại đây vẫn khiến Nupur phải đau đầu. Nupur cho biết: "Cuộc sống nơi đây khiến tôi ngột ngạt vì chi phí quá cao, thử hỏi làm sao tôi có thể nghĩ tới việc mua cho mình một căn nhà riêng".
Khi nhìn vào cơ sở hạ tầng đồ sộ của Google, ai cũng nghĩ nhân viên của họ đều có mức lương không tưởng. Đúng như vậy, họ đều có mức lương không tưởng, nhưng hiểu theo nghĩa tiêu cực nhiều hơn là tích cực.
Ở Google, chỉ các cấp bậc quản lý và kĩ sư cao cấp mới có mức thu nhập 7 chữ số (tính theo tiền USD) và kèm theo cả cổ phiếu của công ty nữa. Còn lại các nhân viên hầu như chỉ được trả lương ở mức trung bình, không có thêm quá nhiều khoản.
Cụ thể, một giám sát viên kĩ thuật tại Google có thu nhập khoảng 150.000 USD/năm. Một mức lương ấn tượng so với mặt bằng chung ở Mỹ, nhưng đối với mức sống ở thung lũng Silicon, nơi mà các nhân viên Google đang hằng ngày phải vật lộn với các chi phí, khoản tiền còn lại sau 1 năm ròng rã làm việc của họ không đáng là bao.
"Tôi luôn sử dụng các phòng đi thuê và chia sẻ nó với một bạn nữa, nên có rất nhiều bạn cùng phòng", Nupur cho biết. Bên cạnh đó, nỗi nhớ gia đình cũng khiến Nupur dần mất kiên nhẫn với "miền đất hứa".
Công việc tại Google khiến Nupur hầu như không có thời gian để giao tiếp với nhiều người ngoài những đồng nghiệp cũng như tìm được tình yêu cho mình. Vì vậy, cuộc sống của Nupur càng trở nên cô độc.
Cùng với đội ngũ India Google Network - đội ngũ người Ấn Độ làm việc tại Google, cô cũng phần nào vơi bớt nỗi nhớ gia đình. Đây cũng là một trong những nhóm nhân viên lớn nhất tại Google, CEO Sundar Pichai cũng là thành viên của nhóm này.
"Thông qua India Google Network, tôi đã tham gia được nhiều sự kiện, có thêm một số người bạn. Tôi còn thành lập riêng một đội Cricket nữ tại Google nữa", nói đến đây Nupur tỏ ra ngậm ngùi. "Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ để cứu vớt cuộc sống nhàm chán của tôi".
Từng có thời điểm, Nupur chuyển đến San Francisco chỉ để thay đổi không khí, lang thang khắp nơi và thưởng thức các món ngon nơi đây. Tuy nhiên, thành phố quyến rũ nhất bờ Tây này lại cách quá xa trụ sở làm việc. Phải mất 3 tiếng lái xe để cô đến trụ sở, cộng thêm chi phí cũng không tiết kiệm hơn nhiều vì cô phải thuê giúp việc để dọn dẹp nhà cửa.
Cuối cùng, Nupur cũng phải đưa ra quyết định.
Thu nhập ít hơn nhưng có cuộc sống tinh thần tuyệt vời
Nupur nhận ra thu nhập không phải là tất cả. Được theo đuổi đam mê và làm công việc yêu thích quả là hạnh phúc. Nhưng nếu muốn cuộc sống viên mãn, cô còn phải suy nghĩ đến gia đình, thậm chí xa hơn là việc... lấy chồng.
Cô đã quyết định ứng tuyển vào một vị trí công việc của Google ở quê nhà sau lần dự đám cưới một người anh họ ở Ấn Độ. Đồng nghĩa với việc, mức lương của cô sẽ giảm đi đáng kể. Cô vẫn còn phân vân vì điều đó và chỉ quyết định nhận việc sau khi trò chuyện với một tiến sĩ của MIT.
Vị giáo sư thẳng thắn chia sẻ: "Công việc ở Ấn Độ không chỉ giúp cô có được tinh thần thoải mái, điều này còn giúp Ấn Độ cải thiện nền kinh tề. Cô có thể giúp ích cho đất nước mình". Và đương nhiên, Nupur có thể sớm sở hữu một căn nhà riêng.
"Chỉ sau 7 tháng về với gia đình, tôi cảm thấy thực sự hạnh phúc. Tôi không còn stress như lúc ở Mỹ nữa. Về với Ấn Độ, tôi có thể ngon lành ngủ tới 8 tiếng, thay vì 5 tiếng khi còn ở thung lũng Silicon", Nupur vui vẻ chia sẻ.
Cô cũng đã viết một blog về lí do từ bỏ cuộc sống nhiều người mơ ước tại Mỹ và quay lại Ấn Độ. Bài viết đã nhanh chóng lan truyền trên LinkedIn, nhận được rất nhiều phản hồi và câu hỏi từ khắp nơi trên thế giới.
"Tôi chỉ có lời khuyên ngắn gọn với những người sắp nhập cư Mỹ rằng, đừng bao giờ ép buộc bản thân mình, hãy cố làm việc, nhưng phải lắng nghe trái tim mình. Nó sẽ giúp bạn hiểu rõ liệu Mỹ có phù hợp với số phận của bạn không", Nupur chia sẻ.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"