Ống kính Sigma mới zoom "từ nhà đến trường", chụp du lịch rất ổn nhưng hợp hơn cả là làm nghề này
Sigma 16 - 300mm f/3.5 - 6.7 DC OS tương đương mức zoom lên đến gần 20x, có thể coi là 1 ống kính "Superkit Pro Max" dành cho các hệ máy crop của Sony, Fujifilm, Canon, Leica và Panasonic.
Đã chơi máy ảnh gần 10 năm nhưng đây là lần đầu tiên tôi có dịp dùng thử ống kính siêu zoom, cụ thể là Sigma 16 - 300mm f/3.5 - 6.7 DC OS. Đây là dòng lens mới nhất của Sigma dành cho các hệ máy crop phổ biến, giá chính hãng dự kiến khoảng 18.59 triệu tại Việt Nam. không thấp nhưng cũng không quá cao so với chất lượng mà người dùng nhận lại.

Ống kính Sigma 16 - 300mm f/3.5 - 6.7 DC OS mới. Trong hộp đi kèm 1 túi đựng chống sốc và loa che nắng.
Trong 1 tuần dùng thử, tôi dùng máy để chụp khá nhiều thứ, từ du lịch, đường phố, phóng sự đến sản phẩm và cận cảnh hoa lá. Hơi tiếc là thời gian này, Hà Nội thời tiết không đẹp, ít ngày nắng trong mà hầu hết đều mây mù, sương dày nên không thể hiện được hết khả năng zoom xa 300mm, tương đương 450mm trên full-frame của lens.












1 số ảnh chụp bằng Sigma 16 - 300mm f/3.5 - 6.7 DC OS với máy ảnh Sony A7III và Sony A7RIII, đã chỉnh sửa màu sắc bằng Lightroom.
Về chất lượng gia công và thấu kính, tôi không có gì để phàn nàn cả. Chiếc lens cho cảm giác đủ cao cấp, bề mặt đánh nhám nhìn sang, trọng lượng 615gr không quá nặng và kích thước cũng không quá lớn so với mức zoom. Lens chỉ nặng và dài hơn 1 chút so với chiếc Tamron 28 - 75 f2.8 G1 của tôi 1 chút, khi gắn lên Sony A7III và cầm tay hoàn toàn tôi cũng không thấy bị nặng tay, có thể thoái mái chụp vài tiếng liên tục.


Ống kính có chất lượng gia công tốt, chất liệu cao cấp, cầm chắc tay, tạo cảm giác "đắt tiền".
Lens có 2 vòng xoay zoom và lấy nét MF, đi kèm 1 cần gạt khóa zoom để tránh tuột lens. Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy cần gạt này không cần thiết vì vòng zoom của lens rất chặt, gần như không phải lo việc ống kính tự dài ra khi đeo hay cho vào túi đựng. Nếu như Sigma biến cần gạt này thành nút tùy biến hoặc chỉnh AF/MF có lẽ sẽ được nhiều người đánh giá cao hơn. Thấu kính ngoài có lớp phủ kháng nước, trong khi phần ngàm có gioăng cao su chống thấm, hạn chế mưa và ẩm xâm nhập.


Khi zoom lên 300mm, ống kính sẽ dài lên gấp đôi.

Kích thước khi thu gọn lại chỉ nhỉnh hơn 1 chút so với chiếc Tamron 28 - 75 f/2.8 G1, trọng lượng nặng hơn vài chục gram không đáng kể.
Chất lượng thấu kính vẫn đúng như những gì người dùng kì vọng từ Sigma nhiều năm nay - rất tốt. Hệ thống kết hợp từ 20 thành phần trong 14 nhóm, bao gồm 2 thấu kính tán sắc siêu thấp, 1 thấu kính tán sắc đặc biệt và 4 thấu kính phi cầu với khả năng giảm lóa sáng, bóng mờ khi chụp ngược sáng tốt. Tuy nhiên, ảnh chụp RAW vẫn bị méo và tối góc, các chi tiết chênh sáng mạnh vẫn xuất hiện viền xanh/tím CA thấy rõ. Đây có thể là vấn đề với 1 số người dùng khó tính dù có thể xử lý được gần hết bằng các phần mềm hậu kỳ.

Hệ thấu kính được Sigma quảng cáo là rất tốt nhưng sử dụng thực tế vẫn còn vài nhược điểm nhỏ, có thể chưa làm hài lòng những đôi mắt khó tính.


Nếu chụp RAW mà không chỉnh sửa, các ảnh góc rộng bị méo hình và tối góc thấy rõ, còn những chi tiết tương phản cao gặp tình trạng viền xanh/tím khá nặng.
Hệ thấu kính này có thêm 1 lợi thế là khả năng chụp cận cảnh cực tốt ở khoảng tiêu cự 70mm. Lens có thể lấy nét gần đến nỗi mặt kính ngoài suýt chạm vào vật thể. Tuy nhiên, độ phóng đại mới chỉ đạt 1:3, và tôi thường sẽ zoom lên đến khoảng 100mm để cách xa vật thể 1 chút, tránh che mất ánh sáng và cũng để tạo hiệu ứng đẹp hơn, ít méo và trông thật hơn.




Khả năng chụp cận cảnh, macro rất tốt, có thể chạm gần sát vào vật thể.

Đây là hậu trường của bức ảnh phía trên, chụp ở tiêu cự 70mm. Có thể thấy vành ống kính đã chạm cả vào má của nhân vật, còn mắt chỉ cách thấu kính ngoài khoảng gần 2cm mà thôi. Thực tế tôi có thể "dí" sát hơn vào đúng phần con ngươi nhưng ống kính sẽ che mất ánh sáng.
Độ chính xác lấy nét và tốc độ lấy nét cũng khó mà chê được gì với động cơ tuyến tính lấy nét trong HLA. Tôi gắn lens lên body A7III và A7RIII đều cho tốc độ bắt nét nhanh, độ chính xác cao, trừ trong trường hợp cảnh rối, ví dụ như chụp vật thể nào đó xuyên qua các cành cây nhỏ. Nếu gắn lên các body crop đời mới hơn chắc chắn hiệu suất lấy nét sẽ còn tốt hơn nữa.




Lens lấy nét nhìn chung là ổn gần như hoàn toàn, trừ 1 số trường hợp vật thể ẩn sau quá nhiều chi tiết rối, ví dụ như tấm ảnh chụp chú thợ trên mái nhà bị lấy nét lệch vào các cành cây phía trước.
Khả năng chống rung của lens khá ổn, đặc biệt khi kết hợp với các dòng máy có chống rung in-body. Khi zoom lên mức 300mm, tôi vẫn có thể cầm tay, không dùng tripod mà chụp được ảnh ở tốc 1/125 - 1/200. Nếu giảm xuống dưới 1/100 thì cần cầm thật vững, chụp nhiều ảnh liên tiếp để chọn lại phòng khi ảnh rung mờ.




Ảnh chụp ít sáng cần đẩy ISO lên cao vì khẩu độ nhỏ, nhưng hoàn toàn có thể xử lý được mượt mà với các phần mềm AI hiện tại.
Nhiều người đánh giá đây là ống kính rất hợp với nhu cầu sử dụng hàng ngày, chụp du lịch và với những ai không có yêu cầu quá cao. Khẩu độ chỉ từ f/3.5 đến f/6.7 không phù hợp với chụp đêm, nhưng với công nghệ xử lý hậu kỳ hiện tại (ví dụ như tính năng AI Denoise của Lightroom bản mới), người dùng hoàn toàn có thể tăng ISO lên vài nghìn mà vẫn có ảnh mịn mượt, ít bệt màu, giữ được nhiều chi tiết.


Khả năng zoom từ rộng 16mm đến hẹp 300mm cho trải nghiệm rất linh hoạt, lựa chọn góc chụp dễ hơn và không phải "zoom bằng cơm" nhiều như ống kính tiêu chuẩn.


Đây là lần đầu tiên tôi có thể chụp lại Tháp Rùa với chi tiết tốt như thế này.
Với tôi, ống kính này còn rất hợp với nhu cầu chụp ảnh sản phẩm (vì khả năng chụp cận cảnh rất gần) và chụp phóng sự (vì mức zoom linh hoạt từ 16mm đến 300mm kèm chống rung). Tất nhiên, với những ai muốn ưu tiên khẩu độ lớn hơn, không thích khẩu biến thiên thì buộc phải chọn các ống kính khác và hy sinh khả năng zoom xa.





Đây là lựa chọn rất ổn cho ai cần sự linh hoạt trong tiêu cự, thích chụp từ xa.






Đây cũng là lựa chọn rất hay cho ai làm nghề chụp ảnh phóng sự vì độ linh hoạt. Ảnh có thể không xóa phông "mù mịt" được nhưng dễ dàng ghi lại các hoạt động, từ cận cảnh đến ở xa.



Chụp chân dung xóa phông cũng tạo hiệu ứng nén background khá hay khi zoom hết cỡ. Chất lượng ảnh và màu sắc chưa thể bằng các ống kính fix với khẩu độ lớn nhưng quan trọng là vẫn chụp ổn khi cần.
Hiện tại, Sigma 16 - 300mm f/3.5 - 6.7 DC OS không có nhiều đối thủ trực diện. Lựa chọn gần giống nhất chỉ có mẫu Tamron 18 - 300mm f/3.5 - 6.3 VC, góc không rộng bằng nhưng hơn ở khẩu độ f/6.3 khi zoom lớn, độ phóng đại khi chụp macro tốt hơn, cũng có chống rung và giá hiện cũng đã rẻ hơn vài triệu vì ra mắt từ 2021.
Các lựa chọn khác dành cho hệ máy Sony đều không có khoảng zoom tương ứng, thường chỉ dừng ở khoảng 200mm và cũng không rộng đến 16mm. Chưa kể còn đều là những ống kính đời cổ, ra mắt cách đây cả chục năm và chất lượng hình ảnh chắc chắn không thể tốt bằng các dòng lens đời mới.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Đừng tốn tiền cho mấy khóa học của "chuyên gia AI tự phong", OpenAI đang có sẵn khóa học miễn phí về ChatGPT đây rồi
Không chỉ hướng dẫn về các công cụ AI nổi tiếng của mình, khóa học của OpenAI còn hướng dẫn người học cách suy nghĩ nghiêm túc về công nghệ AI và tương lai của nó.
"Tôi giàu nhưng tôi không biết làm gì với cuộc đời mình": Chàng trai 9x bán công ty tỷ đô, bỏ cả bạn gái và 60 triệu USD sau khi vào rừng nghe lời thì thầm của cây cối