Google Glass, rõ ràng không cần phải bàn luận gì nữa, nó chắc chắn là một trong những thiết bị điện tử thông minh nhất được sản xuất đại trà mà con người có thể đeo lên người được. Một chiếc kính, khác với cái điện thoại di động, hay máy MP3 bỏ túi, bạn gần như có thể coi nó như vật bất ly thân, và chỉ tháo ra khi đi tắm hoặc lên giường ngủ. Google Glass ngoài khả năng hoạt động như một chiếc kính mắt thông thường, thiết bị này còn có thể làm đủ mọi việc từ chỉ đường cho tới chụp ảnh, quay video, và chắc chắn đang là sản phẩm công nghệ được nhiều người thèm khát nhất thời điểm hiện tại.
Khái niệm về thiết bị điện tử có thể đeo được (wearable) vẫn còn khá xa lạ với đại đa số người dùng. Điều này cũng dễ hiểu, bởi cho đến thời điểm này, tất cả những gì phổ biến mà chúng ta thường mang lên mình chỉ là đồng hồ đeo tay, máy đo nhịp tim, hoặc các loại vòng tay theo dõi sức khỏe, chứ chưa có sản phẩm nào thực sự “thông minh” như chiếc Glass. Mặc dù gần đây, những thông tin về chiếc kính của Google xuất hiện với tần suất dày đặc, nhưng có lẽ vẫn còn khá ít người tiêu dùng mường tượng ra cuộc sống và cách thức con người giao tiếp với nhau sẽ như nào khi dùng Glass. Tuy nhiên, nhờ vào nỗ lực quảng bá không biết mệt mỏi của Google, khá nhiều người dù chưa nhìn thấy thiết bị này “bằng da bằng thịt” bao giờ nhưng vẫn sẵn sàng tuyên bố sẽ mua nó trong tương lai.
Tuy vậy, khi tiến hành phỏng vấn những fan của
Google Glass, họ đều cho biết sẵn sàng mang thiết bị này chủ yếu là vì tính hiện đại và những tiện ích to lớn mà nó mang lại, chứ không phải vì yếu tố thời trang. Rõ ràng, dù rất đắt tiền, nhưng không thể nói Glass là một món “trang sức” giúp bạn sành điệu hơn được. Thậm chí, khá nhiều người cho rằng đeo một chiếc kính mắt với một bên gọng to bự xuống phố chả khác nào tự biến mình thành tâm điểm của sự chú ý (theo hướng tiêu cực nhiều hơn).
Ngoài ra, nếu vấn đề thời trang không là vấn đề với bạn, thì hãy xét tới một khía cạnh khác, liệu Glass với những tính năng hiện có của mình có xứng đáng với món tiền hơn 30 triệu đồng phải bỏ ra không. Dẫu biết rằng để chế tạo được Glass, Google đã phải dốc không biết bao nhiêu công sức nghiên cứu và tiền bạc mà kể, nhưng nếu chỉ để chỉ đường, chụp ảnh, quay video, thì nó có gì vượt trội so với smartphone? Chưa kể, những chiếc điện thoại thông mình không làm bạn bị phân tâm, có màn hình rất đẹp, và khi không dùng tới có thể dễ dàng bỏ túi, do đó tránh được nguy cơ bị va đập, bị ướt mưa, hoặc thậm chí bị cướp giật.
Mặt khác, dù khá mắc tiền nhưng
Glass trông chẳng có vẻ gì là một thiết bị được ‘build’ tốt, khá nhiều người đã tỏ vẻ e dè trước thiết kế mỏng manh của sản phẩm này. Một chiếc kính, rõ ràng là khác với những thiết bị điện tử truyền thống, điều quan trọng nhất mà người dùng cần là sự thoải mái khi đeo và sử dụng. Bạn không thể vội vàng cất nó đi khi gặp mưa, hoặc tháo nó ra khi ngồi bàn ăn vì sợ bị bắn mỡ vào, hay thậm chí không dám đặt nó xuống mặt bàn khi đi uống nước với bạn bè vì sợ bị đổ café. Một chiếc kính trị giá hơn 30 triệu dĩ nhiên là cần được đối xử khác với những chiếc kính mắt chỉ 3 triệu thông thường, nhưng Google cũng nên nghiên cứu cải tiến thêm về khả năng chống chịu của Glass.
Cuối cùng, ở thời điểm này, ai cũng phải công nhận mảng thiết bị dạng wearable mới chỉ ở mức tiềm năng chứ không phải là phân khúc chủ lực của các hãng. Với người dùng cũng vậy, liệu hõ có sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn như vậy cho một thiết bị đầy mới mẻ hay không, có lẽ chỉ thời gian mới có câu trả lời chính xác nhất cho những thắc mắc trên.
Tham khảoslashgear.