Phát hiện ra hố thiên thạch rộng 8 kilomet, nhiều khả năng có liên hệ với thiên thể đã tận diệt loài khủng long

    Kim, toquoc.vn 

    (Tổ Quốc) - Nhiều khả năng, hố được tạo ra bởi một thiên thể có đường kính lên tới 400 mét.

    Nằm dưới làn nước xanh sâu thẳm, đáy đại dương ẩn chứa nhiều bí mật hơn cả bề mặt Sao Hỏa xa xôi. Khám phá mới về một hố thiên thạch ngoài khơi miền Tây châu Phi lại một lần nữa nhắc cho chúng ta hay, hiểu biết của con người về đại dương vẫn còn hạn hẹp.

    Đáng chú ý, hố thiên thạch này là kết quả của một vụ va chạm xảy ra 66 triệu năm trước, cùng thời điểm xảy ra vụ va chạm Chicxulub đã tiêu diệt loài khủng long. Khu vực được tạm đặt tên “hố va chạm Nadir” sẽ làm rung chuyển nền kiến thức của chúng ta về sự kiện diệt vong đã diễn hàng hàng chục triệu năm về trước.

    Phát hiện ra hố thiên thạch rộng 8 kilomet, nhiều khả năng có liên hệ với thiên thể đã tận diệt loài khủng long - Ảnh 1.

    Hình minh hoạ vụ va chạm Chicxulub đã chấm dứt kỷ nguyên thống trị của khủng long. Ảnh: NatGeo.

    Trợ lý giáo sư Uisdean Nicholson công tác tại Đại học Heriot-Watt tình cờ phát hiện ra hố va chạm Nadir, khi ông đang phân tích dữ liệu khảo sát địa chấn thuộc về một dự án khác. Chỉ số kỳ lạ cho thấy một dấu vết của hố va chạm tồn tại ở độ sâu 400 mét so với lớp trầm tích phủ mặt biển. “Nó sở hữu mọi đặc tính của một hố va chạm thiên thạch”, CNN dẫn lời ông Nicholson.

    Để đi đến kết luận cuối cùng, nhóm nghiên cứu sẽ cần đào sâu xuống lớp trầm tích, tìm kiếm những khoáng chất chỉ có thể xuất hiện tại một hố va chạm. Tuy nhiên, những dữ liệu đang có đã đang lôi kéo sự chú ý của giới chuyên môn: tỷ lệ giữa bề ngang và chiều sâu của hố, độ cao của vành đất bao xung quanh, độ cao của phần đất giữa hố nhô lên đều khá khớp với các đặc điểm thường thấy của một vụ va chạm.

    Các nhà khoa học đã dựng mô hình giả lập sự kiện thiên thạch rơi xem liệu các đặc tính “ảo” có giống thật, qua đó bước đầu khẳng định khu vực này là một hố va chạm. Theo mô hình được cho là chính xác nhất, thiên thể có đường kính 400 mét đã rơi xuống phần đại dương sâu 800 mét.

    Phát hiện ra hố thiên thạch rộng 8 kilomet, nhiều khả năng có liên hệ với thiên thể đã tận diệt loài khủng long - Ảnh 2.

    Vị trí hố va chạm Nadir. Ảnh cắt ra từ nghiên cứu đăng tải trên Science Advances.

    Một cú va chạm lớn cỡ này sẽ lập tức gây ra thảm cảnh. Một khối nước khổng lồ, viên thiên thạch và một lượng lớn trầm tích sẽ lập tức bốc hơi, và quả cầu lửa sẽ hiện rõ trong mắt người xem đứng cách vụ va chạm hàng trăm cây số. Động đất mạnh cấp độ 7 sẽ khiến khu vực gần bờ nước sạt lở lớn, loạt sóng thần với nhiều độ cao sẽ đổ bộ các bờ biển lân cận.

    Họ hàng của “kẻ hủy diệt khủng long”?

    Kỳ lạ, hố thiên thạch Nadir cũng ngấp nghé độ tuổi của hố va chạm Chicxulub trứ danh, có lẽ chênh nhau chỉ khoảng 1 triệu năm, xảy ra tại thời điểm “giao mùa” giữa Kỷ Phấn trắng và Kỷ Cổ cận (khoảng 66 triệu năm trước). Liệu hai vụ va chạm có liên quan tới nhau?

    Ông Uisdean Nicholson đưa ra ba giả thuyết. Đầu tiên, hai thiên thạch này có thể đã tách ra từ một thiên thể to hơn, với “anh lớn” gây ra vụ va chạm Chicxulub, và em nhỏ tạo thành hố va chạm Nadir. Nếu sự việc diễn ra như giả thuyết, hai thiên thể đã chung tay đặt dấu chấm hết cho thời đại của khủng long.

    Phát hiện ra hố thiên thạch rộng 8 kilomet, nhiều khả năng có liên hệ với thiên thể đã tận diệt loài khủng long - Ảnh 3.

    Hình ảnh mô tả cách thức hố va chạm Nadir hình thành. Ảnh cắt ra từ nghiên cứu đăng tải trên Science Advances.

    Một khả năng khác, là hố va chạm Nadir có tuổi đời cao hơn, và là hậu quả của một vụ va chạm diễn ra giữa Hệ Mặt Trời và một vành đai tiểu hành tinh. Sự kiện đã đưa một loạt các thiên thể bay vào Hệ, va chạm liên tục với Trái Đất và các hành tinh lân cận. Trong Kỷ Ordovic khoảng 470 triệu năm trước, một sự kiện tương tự đã diễn ra và liên tục để lại hố va chạm khắp nơi.

    Giả thuyết cuối cùng cho rằng hai vụ va chạm không hề liên quan, chỉ đơn giản là sự trùng hợp. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, cứ 700.000 năm một sự kiện va chạm gây ra hố thiên thạch lớn như Nadir sẽ xuất hiện. Ở thời điểm hiện tại, giới chuyên gia phải phân tích mẫu vật mới có thể khẳng định nguồn gốc của “hố va chạm Nadir” - khái niệm mới đang tồn tại trên giả thuyết.

    Việc khám phá ra bản chất của mối quan hệ (nếu có) với vụ va chạm Chicxulub là rất quan trọng, để ta hiểu được chuyện gì xảy ra với Hệ Mặt Trời đương thời, cùng lúc đó làm dấy lên những câu hỏi mới thú vị”, ông Nicholson nói. “Nếu như diễn ra hai vụ va chạm cùng lúc, liệu có còn một hố thiên thạch khác nữa, và liệu hiệu ứng của một loạt các vụ va chạm là gì?

    Theo Science Advances, ABC NewsCNN

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ