"Quái vật" nước ngọt lớn nhất hành tinh ở sông Amazon: Tấn công cả cá sấu non và cá piranha hung bạo

    Nguyệt Phạm (Tổng hợp),  

    "Quái vật" này cũng được liệt kê trong Sách Đỏ thế giới.

    Loài "quái vật" có cá thể dài tới 4m và nặng 300kg

    Tạp chí Matter của Mỹ vào năm 2019 công bố một bài báo mô tả về nghiên cứu cấu trúc vảy của một loài "quái vật" khổng lồ, có khả năng chống lại được cả hàm răng nhọn hoắt của loài cá Piranha ăn thịt. Loài cá này thường được biết đến với danh hiệu "quái vật" của vùng Amazon.

    Theo bài báo, cá Arapaima, còn được gọi là Pirarucu hay Paiche (danh pháp khoa học là Arapaima), thuộc chi nước ngọt Arapaimidae trong bộ cá rồng Osteoglossiformes, Arapaima đại diện cho họ Arapaimidae. Cá có tên gọi địa phương là pirarucu, từ "pira" nghĩa là cá và "urucum" có nghĩa là màu đỏ.

    "Quái vật" nước ngọt lớn nhất hành tinh ở sông Amazon: Tấn công cả cá sấu non và cá piranha hung bạo- Ảnh 1.

    Vảy của một loài cá khổng lồ, có khả năng chống lại được cả hàm răng nhọn hoắt của loài cá Piranha ăn thịt. (Ảnh: Truespiritanima)

    Loài cá này đã được nhà sinh vật học người Thụy Sĩ là Louis Agassiz khám phá vào năm 1829. Chúng là loài đặc hữu tại sông Amazon và sông Essequibo ở Nam Mỹ.

    Cá Arapaima là một trong những loại cá nước ngọt lớn nhất thế giới, với kích thước có thể đạt tới 3 mét (9,8 feet). Chúng không chỉ là nguồn thực phẩm quý giá mà còn thường được nuôi làm cá cảnh dưới tên gọi cá hải tượng long. Khi trưởng thành, chúng thường có trọng lượng từ 100 đến 200 kg và chiều dài khoảng 2 mét. Vào ngày 27 tháng 2 năm 2015, bốn người ở Thái Lan đã cùng nhau bắt được một con cá Arapaima nặng 460 pound, đây là con cá Arapaima lớn nhất ở thời điểm đó mà con người bắt được.

    Ngoài ra, trên thế giới đã từng ghi nhận phát hiện một chú cá hải tượng long dài tới 4m, nặng 300kg.

    Loài cá này cũng được liệt kê trong Sách Đỏ thế giới vì tính quý hiếm của chúng.

    "Quái vật" nước ngọt lớn nhất hành tinh ở sông Amazon: Tấn công cả cá sấu non và cá piranha hung bạo- Ảnh 2.

    Cá Arapaima là một trong những loại cá nước ngọt lớn nhất thế giới. (Ảnh: Pixabay)

    Cá này có đặc điểm giống với cá rồng cảnh ở chỗ chúng có phần đầu lớn, môi rộng và mắt tròn. Phần thân cá dài hơn hẳn so với đầu của những loài cá thông thường, với chiếc đuôi hơi nhọn. Cá còn có vây lưng nằm gần phần cuối của thân, trong khi vảy của chúng khá to và tròn. Khu vực hậu môn của cá gần với đuôi. Màu sắc chủ đạo của cá thường là đen kết hợp với xanh dương và có thêm các vạch màu đỏ trên đuôi.

    Cá hải tượng long dù có kích thước lớn nhưng lại có bản tính hiền lành, cho phép chúng có thể cùng tồn tại với nhiều loại cá khác. Không chỉ hình dáng bên ngoài mà ngay cả phương pháp sinh sản của chúng cũng chứa nhiều nét đặc trưng giống với loài cá rồng.

    "Quái vật" nước ngọt lớn nhất hành tinh ở sông Amazon: Tấn công cả cá sấu non và cá piranha hung bạo- Ảnh 3.

    Cá này có đặc điểm giống với cá rồng cảnh ở chỗ chúng có phần đầu lớn, môi rộng và mắt tròn. (Ảnh: Pixabay)

    Mặc dù có thân hình lớn, cá Arapaima lại rất dễ sợ hãi. Khi bị bất ngờ, chúng thường phản ứng bằng cách quẫy đuôi mạnh và bắn nước ra xung quanh, như thể đang cố gắng khoe vóc dáng đồ sộ của mình.

    Những khả năng đặc biệt của cá Arapaima

    Cá hải tượng long có một đặc tính nổi bật là khả năng lấy oxy từ không khí trên mặt nước bằng cách đớp khí. Ngoài hệ thống mang, chúng còn có thể hấp thụ oxy trực tiếp từ không khí qua một hệ thống mao mạch phong phú nằm ở cổ họng, tương tự như cách phổi hoạt động ở các loài động vật sống trên cạn.

    Nhờ khả năng tự cung cấp oxy bằng cách hít thở không khí qua miệng, cá Arapaima có thể tồn tại trong mùa khô hay trong những điều kiện thiếu oxy tại vùng ngập nước Amazon. Chúng thường ẩn mình dưới lớp bùn cát của đầm lầy và cần hít thở không khí mỗi 5 đến 15 phút một lần.

    Nhiệt độ môi trường phù hợp trong khoảng từ 25 đến 29 độ C, độ cứng nước từ 8 đến 10 (dH) và độ pH trong khoảng từ 6-6,5.

    "Quái vật" nước ngọt lớn nhất hành tinh ở sông Amazon: Tấn công cả cá sấu non và cá piranha hung bạo- Ảnh 4.

    Cá hải tượng long có một đặc tính nổi bật là khả năng lấy oxy từ không khí trên mặt nước bằng cách đớp khí. (Ảnh: Pixabay)

    Arapaima thường ăn cá, các loài giáp xác và động vật nhỏ sống gần bờ. Đôi khi, chúng cũng thể hiện sức mạnh bản thân bằng cách nhảy khỏi mặt nước vài mét để bắt mồi như rắn và chim. Cá piranha nhỏ là một phần trong chế độ ăn của chúng. Trong hoàn cảnh đói cực độ, Arapaima có thể tấn công cả cá sấu non.

    Arapaima, mặc dù cân nặng lớn nhưng vẫn rất linh hoạt khi săn mồi, có phong cách tương tự như cá voi. Chúng sẽ lặng lẽ tiếp cận con mồi và bất ngờ gia tăng tốc độ, sau đó há mồm lớn để nuốt chửng con mồi. Thông thường, con mồi đã lọt vào tầm ngắm của Arapaima thì khó có thể trốn thoát khỏi việc bị săn bắt.

    Cá hải tượng long sở hữu hàm răng nhọn có khả năng xé thịt mồi một cách dễ dàng. Vì lẽ này, nhiều người tin rằng, trong số các loài sinh sống tại khu vực sông Amazon, Arapaima được xem là kẻ săn mồi hàng đầu.

    "Quái vật" nước ngọt lớn nhất hành tinh ở sông Amazon: Tấn công cả cá sấu non và cá piranha hung bạo- Ảnh 5.

    Arapaima, mặc dù cân nặng lớn nhưng vẫn rất linh hoạt khi săn mồi, có phong cách tương tự như cá voi. (Ảnh: Pixabay)

    Hành vi sinh sản của chúng tương tự như loài cá trong họ cá rồng, thường bắt đầu thời kỳ sinh sản của chúng vào độ tuổi trung bình khoảng 5 năm. Cá cái sẽ đẻ trứng trên cát, sau đó cá đực theo sau và phóng tinh trùng lên trứng, giữ chúng an toàn trong khoang bụng từ tháng 1 tới giữa tháng 4. Các cá con sẽ nở từ tháng 5 đến tháng 8, và trong thời gian này, cá bố và cá mẹ sẽ thay phiên nhau chăm sóc cho cá hải tượng nhỏ.

    Cá cha mẹ sẽ đảm bảo không để đàn con lạc lối bằng cách tiết ra pheromone, đóng vai trò như một chất hấp dẫn, giúp đàn con theo sát và không đi lạc.

    Dù có kích thước lớn, nhưng do hình dáng đẹp và màu sắc nổi bật, cá hải tượng long trở thành lựa chọn phổ biến cho người dân Nam Mỹ để nuôi làm cá cảnh. Không chỉ vậy, cư dân ở Đông Nam Á, đặc biệt là người Thái Lan, cũng rất ưa chuộng việc nuôi loài cá này.

    "Quái vật" nước ngọt lớn nhất hành tinh ở sông Amazon: Tấn công cả cá sấu non và cá piranha hung bạo- Ảnh 6.

    Hành vi sinh sản của chúng tương tự như loài cá trong họ cá rồng. (Ảnh: Pixabay)

    Cá hải tượng long được xem là loại cá phong thủy cỡ lớn nhất ở nước ta, có ý nghĩa rất quan trọng. Với hình dáng to lớn, mạnh mẽ, nhiều "đại gia" tin rằng việc nuôi cá hải tượng sẽ giúp họ thể hiện được quyền lực và củng cố vị thế trong xã hội. Màu sắc rực rỡ của loài cá này cũng được cho là mang lại sự thịnh vượng, giàu có và may mắn cho chủ nhân. Bởi vậy, cá hải tượng long luôn là niềm đam mê xa xỉ của các "đại gia" ngày nay.

    Cá hải tượng long là mục tiêu của các hoạt động săn bắt do giá trị kinh tế cao của nó, được xem như một đặc sản ở khu vực Nam Mỹ và nguồn thực phẩm quý giá nhờ thịt ngọt, ngon. Ít ai biết rằng, lưỡi của loài cá này, khi phơi khô và phối hợp với vỏ cây guarana, có thể tạo ra hỗn hợp dùng để diệt giun. Hơn nữa, vảy của chúng cũng thường được dùng như dụng cụ để dũa móng tay.

    Kết quả từ cuộc điều tra trong cộng đồng ngư dân ở bang Amazon đã chỉ ra rằng, cá hải tượng trước kia thường gặp ở nhiều đoạn sông đã không còn xuất hiện nữa.

    "Quái vật" nước ngọt lớn nhất hành tinh ở sông Amazon: Tấn công cả cá sấu non và cá piranha hung bạo- Ảnh 7.

    Cá hải tượng long là mục tiêu của các hoạt động săn bắt do giá trị kinh tế cao của nó. (Ảnh: Pixabay)

    Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Nam Mỹ, các nhà khoa học trường Đại học California đã quan sát và phát hiện rằng, mặc dù vảy của cá Pirarucu có thể bị biến dạng, chúng vẫn không hề bị xước hoặc rách dưới những cuộc tấn công của cá Piranha ăn thịt.

    Họ đã tìm ra thông tin lớp trong của vảy cá Pirarucu rất cứng và linh hoạt, nó được kết nối bởi collagen cùng một lớp khoáng chất ở bên ngoài. Các loài cá khác cũng sử dụng collagen giống như Pirarucu, nhưng các lớp collagen trong vảy của cá khổng lồ này dày hơn hẳn so với các loài khác, có độ dày tương đương với một hạt gạo. Các lớp vảy cá chính là những chiếc áo giáp tự nhiên rất hiệu quả để bảo vệ mình khỏi những kẻ săn mồi mà không cản trở sự linh hoạt của chúng.

    "Quái vật" nước ngọt lớn nhất hành tinh ở sông Amazon: Tấn công cả cá sấu non và cá piranha hung bạo- Ảnh 8.

    Lớp trong của vảy cá Pirarucu rất cứng và linh hoạt. (Ảnh: Sohu)

    Đặc điểm của vảy cá Pirarucu đã trở thành điểm quan tâm của những kỹ sư trong lĩnh vực sản xuất giáp và thép tổng hợp, đã từng được dùng để tạo ra các loại áo chống đạn, được cấu tạo từ nhiều lớp sợi linh hoạt kẹp giữa các tấm nhựa cứng. Việc bắt chước những kết cấu đó trong kỹ thuật có thể giúp tạo ra những vật liệu nhẹ và tốt hơn để sản xuất áo giáp.

    Robert Ritchie, một nhà khoa học chuyên về vật liệu và cũng là tác giả chính của nghiên cứu đã nói thêm rằng, khác với giáp nhân tạo mà con người tạo ra phải dùng chất kết dính thứ ba, các lớp vảy cá được liên kết tại cấp độ nguyên tử và cùng phát triển để tạo thành một khối vững chắc nhưng vẫn giữ được độ đàn hồi cần thiết. Và collagen khoáng hóa chính là cấu trúc liên kết lớp vật liệu cứng và vật liệu mềm với nhau.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày