Không những không gây hại như các tin giả lan truyền trên internet, mạng 5G sẽ mở đường cho các công nghệ chăm sóc sức khỏe cũng như nhiều lợi ích vượt bậc khác.
- Xin hãy tỉnh táo, sóng 5G không lây truyền virus gây đại dịch Covid-19!
- Quý II/2020: Cứ 3 smartphone bán ra tại Trung Quốc lại có 1 chiếc điện thoại 5G
- 5G còn chưa thấy đâu nhưng Samsung vừa công bố tầm nhìn mạng 6G: thương mại hóa từ năm 2028, tốc độ tối đa 1.000Gbps, stream VR 16K, mở được hologram
Trong bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn gấp rút thương mại hóa 5G, nhiều người tin rằng mạng không dây thế hệ mới này sẽ mang lại những trải nghiệm và lợi ích hoàn toàn mới. Tuy nhiên, cũng giống như ở các nước khác, nhiều thông tin không chính xác về mạng 5G trở thành tiêu đề bàn tán tại Việt Nam.
Theo Qualcomm, nhà sản xuất công nghệ không dây hàng đầu thế giới, điều quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại đối với các nhà phát triển mạng cũng như lãnh đạo từ các bộ ngành ở Việt Nam là làm sao để xóa bỏ những tin đồn sai lệch về mạng 5G nhằm giảm bớt các lo ngại của công chúng và đảm bảo bất kì ai từ bất kì tầng lớp nào cũng sẽ đón nhận 5G.
“5G là một công nghệ có khả năng làm thay đổi cuộc chơi trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ có thể hiện thực hóa các lợi ích của mạng mới này khi mọi người hiểu rõ khả năng cũng như hạn chế của nó,” ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam và Lào, Campuchia cho biết.
5G ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe mọi người
Mạng 5G thường hay bị cộng đồng mạng gán ghép cho khả năng tiềm ẩn gây nguy hại cho sức khỏe. Một số người tin rằng công nghệ này có thể gây ung thư do tiếp xúc với bức xạ tần số vô tuyến hoặc sóng vô tuyến, đặc biệt là do sử dụng phổ tần số cao 5G.
Không những không gây hại cho sức khỏe, 5G còn mở đường cho các tiến bộ mới về công nghệ chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, bức xạ nói chung có thể được phân thành hai loại: ion hóa và không ion hóa. Chỉ các bức xạ ion hóa (bao gồm tia X và tia gamma) mới có đủ năng lượng tấn công vào DNA và gây ra khối u, thậm chí ung thư.
Trong khi đó, bức xạ tần số vô tuyến được sử dụng trong 5G là dạng bức xạ không ion hóa, nằm ở đầu năng lượng thấp của phổ điện từ và không có khả năng thay đổi DNA. Ví dụ, ánh sáng chúng ta nhìn thấy hằng ngày và tia hồng ngoại là các bức xạ không ion hóa.
Do đó, rất nhiều nhóm các nhà khoa học đã phải lên tiếng bảo vệ cho 5G, trong đó có Ủy ban Quốc tế về Bảo vệ bức xạ không ion hóa (ICNIRP), cơ quan khoa học có trụ sở tại Đức phụ trách thiết lập giới hạn tiếp xúc với bức xạ, và Ủy ban Con người và Bức xạ COMAR từ Hội kỹ sư Điện và Điện tử IEEE.
5G là sóng milimeterwave (mmWave)
Nhiều người coi mmWave đồng nghĩa với 5G. Tuy nhiên, theo ông Thiều Phương Nam, mặc dù mạng 5G đang sử dụng mmWave để mở khóa các ứng dụng mới, đây là một loại mạng có thể cho phép người sử dụng kết nối với các loại phổ tần đa dạng khác.
Như vậy, ngoài sóng mmWave, 5G còn có thể tận dụng cả phổ tần sub-6 MHz (sub-6), bao gồm các dải tần trung (13 GHz đến 6 GHz) và các dải tần thấp (dưới 1 GHz). Đây là phổ tần đóng vai trò khá quan trọng trong công cuộc thương mại hóa 5G vì dải tần này cung cấp vùng phủ sóng rộng và tốc độ cao ổn định. Điều này sẽ giúp cho 5G được phổ cập tới cả các khu vực nông thôn, phục vụ số lượng khách hàng lớn hơn.
Ông Thiều Phương Nam tiết lộ: "Tại Qualcomm, chúng tôi tin rằng 5G thực chất là sự kết hợp giữa sub-6 và mmWave. Các phổ tần sẽ bổ trợ lẫn nhau và mang tới các lợi ích công suất riêng. Đó là lí do tại sao hầu hết các quốc gia đang tiên phong trong lĩnh vực 5G giống như Việt Nam, đã và đang xây dựng hệ sinh thái 5G có thể phù hợp với cả hai thành phần này, ví dụ như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, và nhiều quốc gia khác.”
5G ảnh hưởng xấu tới loài chim
Mạng 5G cũng bị dính vào những “tai tiếng” khác khi còn trong quá trình được thử nghiệm. Một trong số đó là lời buộc tội cho hai vụ chim chết hàng loạt tại Hà Lan vào năm 2018 và tại Anh năm 2019.
Loài chim làm tổ ngay trên cột phát sóng viễn thông - một minh chứng bác bỏ tin đồn vô căn cứ về 5G
Tuy nhiên, chính quyền địa phương tại hai nơi này cũng đã lên tiếng bác bỏ về tin đồn thất thiệt trên và đính chính lại rằng những cái chết này là do yếu tố ngoại cảnh khác gây nên. Điển hình như trong sự cố tại Anglesey, Anh quốc, các quan chức đã chỉ ra nguyên nhân tử vong của bầy chim là do sự va chạm mạnh với các bụi cây gần đó khi chúng đang cố chạy trốn khỏi thời tiết khắc nghiệt hoặc những kẻ săn mồi.
Thêm vào đó, một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường tập trung vào vấn đề bảo tồn, Hiệp hội Audubon quốc gia cũng đã đăng tải một bài báo trần tình về những tuyên bố gây hiểu nhầm này. Trong đó có trích dẫn câu khẳng định của Joe Kirschvink, một nhà sinh lý học chuyên về từ tính có uy tín tại Viện Công nghệ California, rằng: “Phát xạ sóng vô tuyến trên 10 MHz đối với ăng-ten truyền vô tuyến (bao gồm cả tháp điện thoại di động) không hề gây hại cho chim”.
5G chỉ có tốc độ nhanh hơn?
Hầu hết mọi người chỉ nhắc tới cải tiến tốc độ mà 5G mang lại so với 4G. Đúng là tốc độ của 5G thực sự rất nhanh - theo như dự đoán của Qualcomm, mạng 5G sẽ có thể tải một bộ phim 8K sắc nét nhanh hơn 500% so với 4G LTE. Tuy nhiên, tốc độ không phải là điểm mạnh duy nhất của mà mạng 5G.
Một trong những bước đột phá của công nghệ 5G là khả năng đem tới độ trễ mạng vô cùng thấp. Nói cách khác, với 5G, khoảng thời gian truyền và nhận mỗi gói tin trên mạng sẽ được giảm gần như bằng không. Thực tế, độ trễ là điều luôn xuất hiện trong các kết nối mạng. Chẳng hạn, trong các sự kiện được phát trực tiếp hiện nay, video mà ta nhìn thấy thực chất chậm hơn so với thực tế một chút.
Với khả năng cắt giảm thời lượng tải thông tin tối ưu, 5G hứa hẹn sẽ giảm độ trễ này xuống tới 10 lần, thấp nhất tới 1 mili giây. Điều này sẽ mang tới lợi ích không chỉ cho các ứng dụng di động và giải trí mà còn cho những loại hình công nghệ sử dụng trong công nghiệp.
Độ trễ thấp của 5G hiện có thể cho phép người sử dụng chơi game trên nền tảng đám mây, phát sóng trực tiếp, phát video chất lượng cao và cho phép sử dụng các ứng dụng thực tế mở rộng (XR). Ngoài ra, Qualcomm cũng dự đoán rằng trong tương lai nó sẽ còn giúp điều khiển robot thực hiện phẫu thuật từ xa, chạy xe tự lái và ứng dụng trong sản xuất thông minh.
“Để khai thác toàn bộ tiềm năng của 5G, chúng ta cần phải xóa bỏ các mối nghi ngờ do những lời đồn vô căn cứ. Qualcomm Việt Nam cam kết trở thành nguồn lực cho các bên đối tác trong việc phát triển mạng 5G, đồng thời hỗ trợ nhằm góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về công nghệ mới này.” – ông Thiều Phương Nam cho biết.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"