Robot thay thế người thời cách mạng 4.0 và câu chuyện đào tạo học sinh lớp 1 của Việt Nam

    N.Dương, Theo Trí Thức Trẻ 

    Hệ quả của cách mạng 4.0 là hàng vạn người thất nghiệp do robot nhưng nó cũng đặt ra tình cảnh hầu hết các quốc gia bị thiếu hụt lao động nghiêm trọng.

    Năm 2030 có gì khác?

    Nhiều báo cáo gần đây đã vẽ nên viễn cảnh cho thị trường lao động của năm 2030, khi máy móc đã trở nên phổ biến, theo PGS. TS. Lê Anh Vinh, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

    Đơn cử, ông dẫn ra nội dung của tờ South China Morning Post: "Các  thành phố lớn như Tokyo, Hongkong, London và New York được dự đoán sẽ phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp trên 80% vào năm 2030, khi việc áp dụng rộng rãi trí tuệ nhân tạo và người máy trong hầu hết các ngành công nghiệp.

    Sẽ không ngoài dự đoán nếu như sẽ không còn các nhân viên ngân hàng, nhân viên kế toán hay nhân viên giao hàng vào năm 2030... Robot sẽ là động lực của chúng ta và một trật tự thế giới mới sẽ xuất hiện".

    Hay "2 tỷ việc làm – tức 50% số việc làm hiện nay sẽ biến mất vào năm 2030", theo nhà tương lai học Thomas Frey.

    Bên cạnh đó, 80% số công việc trong năm 2025 chưa hề tồn tại ở ngày hôm nay đặt ra vấn đề chúng ta sẽ chuẩn bị điều gì cho thế hệ trẻ, sẵn sàng ở một thế giới mà cơ bản không thể chuẩn bị gì?

    Ở góc độ nhà giáo dục, ông Vinh nhấn mạnh, những nhà đào tạo đang không biết điều gì sẽ chờ đợi lứa học sinh vào lớp 1 năm nay của Việt Nam. "Những thứ chúng ta đang chuẩn bị có phải là cái các em cần không?", ông đặt câu hỏi.

    Điều này đặt ra một nghịch lý, tỷ lệ thất nghiệp của tương lai vừa tăng nhưng đi kèm với nó cũng là tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Tức là công nghiệp phát triển lên, rõ ràng con người bị thay thế bởi máy móc, tức thị trường sẽ dôi dư một lượng lớn người trong độ tuổi lao động không có việc làm nhưng nhu cầu tuyển dụng vẫn tăng mạnh ở nhóm lao động có tay nghề cao.

    "Đến năm 2030, hầu hết các nước sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, bao gồm cả những nước có dôi dư 0 – 5%", ông Vinh dẫn ra nhận định của Boston Consulting Group.

    "Đấy là bối cảnh cảnh chúng ta ở trên mỏ vàng, thời gian khai thác ngắn, điều kiện khai thác thấp. Chúng ta đối mặt với việc thay đổi của thị trường lao động và làm sao để chuẩn bị cho các bạn trẻ", ông Vinh nói thêm.

    Giáo dục cho tương lai như thế nào?

    Dẫn ra hai câu chuyện về trí tuệ nhân tạo, một là phần mềm của Google có khả năng tự học từ những kiến thức ban đầu, sau đó tự nâng cấp kiến thức, khả năng xử lý, một là câu chuyện robot Todai ở Nhật vượt qua 80% sinh viên trong kỳ thi vào đại học Tokyo, ông Vinh đặt ra vấn đề: "Phải chăng chất lượng giáo dục của chúng ta dạy cho người học còn không tốt bằng dạy cho máy móc".

    Từng đưa ra bài tập thử thách sinh viên, phản ứng ông nhận lại là cái gì đã biết các sinh viên trả lời lại ngay, cái gì không biết thì bảo là chưa học. Ông nhấn mạnh đấy không phải là phản ứng bình thường của việc học. Bởi học như thế là giống máy móc, thậm chí còn tệ hơn máy móc vì máy móc có thể tự tìm kiếm, tổng hợp và so sánh.

    "Sinh viên đang phản ứng theo cách có hoặc không. Việc học hiện nay đang nhiều phần như vậy, học thuộc và theo nguyên mẫu", ông cho biết.

    Sức mạnh của trí tuệ nhân tạo đang nhắc nhở việc giáo dục phải có chuyển động. Vì nếu làm việc như cái máy, học như máy thì việc bị thay thế là điều bình thường của logic.

    Công việc trong tương lai, có thể hiện tại chưa hình dung ra nó là cái gì nhưng theo ông Vinh có 6 vấn đề cần quan tâm, bao gồm: trí tuệ nhân tạo và gắn kết công nghệ thông tin; kết nối quốc tế; trách nhiệm xẫ hội; phát triển bền vững; giao tiếp đa phương tiện; tính đa ngành, liên ngành.

    "Nhiệm vụ của giáo dục là làm sao đáp ứng được 6 đặc trưng này", ông nhấn mạnh, bởi đấy là phương cách đối diện trong một thị trường lao động tương lai đầy biến động.

    Bên cạnh đó, ông cũng nói thêm về việc cần thay đổi những quan niệm đang tồn tại nhưng trở nên lỗi thời trong cách mạng 4.0.

    Ví dụ như mục tiêu. Trước đây quan niệm rằng vào đại học thì sẽ có được việc làm, nay điều này đã không còn đúng. Hay ông cho rằng cần phải giúp học sinh yêu thích và học được cách học, bởi nếu không xuất phát từ việc ham thích, học chỉ đơn thuần là để đạt kết quả tốt thì đây sẽ là sự lãng phí kép khi công sức vừa mất đi nhưng kết quả thu về lại không có.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ