Robot Trung Quốc 'xâm chiếm' các nhà hàng Hàn Quốc, thổi bùng cơn giận dữ và sự lo sợ của người lao động
Hàn Quốc là nước có mật độ ứng dụng robot cao nhất thế giới, nhưng việc nhập khẩu phần lớn linh kiện từ Trung Quốc đã tạo nên một đối thủ 'xâm chiếm' thị trường này.
- Robot Nhật Bản khổng lồ trị giá 2,75 triệu USD có thể biến hình và sở hữu buồng lái bên trong cơ thể
- Robot hút bụi Ecovacs Deebot X2 Omni chính thức ra mắt: Thiết kế gọn gàng, lực hút mạnh, nhiều tính năng thông minh, giá gần 25 triệu
- Triển vọng ứng dụng robot AI trong đời sống tại Trung Quốc
- Xuất hiện "chó robot" làm trợ lý ảo, giá "không tưởng"
- Tham vọng 'khủng' của Trung Quốc: Nối liền mọi thành phố bằng đường sắt cao tốc trên cao, robot tự làm mọi thứ từ sơn đến đổ bê tông
Tờ Financial Times (FT) cho hay làn sóng nhập khẩu ồ ạt của các robot Trung Quốc làm bồi bàn trong những nhà hàng ở Hàn Quốc đang tạo nên sự giận dữ cũng như lo lắng với người lao động nước này.
Xin được nhắc là Hàn Quốc đang có dân số suy giảm vì lão hóa và tỷ lệ sinh thấp, trong khi lao động trẻ khó kiếm được việc làm hơn.
Ngoài ra, sự “xâm chiếm” của sản phẩm Trung Quốc khiến những doanh nghiệp nội địa Hàn Quốc khó cạnh tranh nổi.
Công nghệ Trung Quốc
Theo FT, xu thế dùng robot phục vụ, dọn dẹp, rửa bát đĩa tại các nhà hàng Hàn Quốc đã gia tăng mạnh mẽ và trở thành một xu thế hậu đại dịch Covid-19 khi các ông chủ khó thuê người làm bất chấp lượng lớn bạn trẻ nước này thất nghiệp.
Mức lương không đủ trang trải cuộc sống cũng như mong muốn cắt giảm chi phí nhân sự đã khiến xu thế này ngày một tăng.
“Tôi không còn phải lo lắng thuê người lao động và quản lý họ nữa. Những chú robot này chẳng bao giờ đau ốm hay than phiền vì quá tải công việc”, chủ nhà hàng Kwon Hyang Jin tại Seoul đang dùng robot cho hay.
Chính quyền Seoul ban đầu cổ xúy việc dùng robot phục vụ trong nhà hàng để thúc đẩy ngành công nghệ nội địa cũng như đề phòng sẵn bối cảnh tỷ lệ sinh giảm gây thiếu hụt lao động trong tương lai, nhất là ở những công việc kém thu hút như bồi bàn, lau dọn...
Trớ trêu thay, hầu hết các nhà hàng Hàn Quốc hiện nay lại đang dùng robot nhập khẩu từ Trung Quốc với giá rẻ và sự tiện lợi.
“Chúng tôi rất lo lắng việc các robot Trung Quốc thống trị thị trường khi có lợi thế hơn hẳn về giá cả. Chúng tôi đã cố khắc phục nhược điểm giá cao bằng chất lượng nhưng chẳng hề dễ dàng”, một CEO của một hãng sản xuất robot Hàn Quốc than thở với FT.
Số liệu của Hiệp hội công nghiệp robot Hàn Quốc (KARI) cho thấy ngành nhà hàng ở nước này có 5.000 robot phục vụ năm 2022, tăng 67% so với năm trước đó. Con số này được dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 10.000 con robot năm nay.
Thế nhưng robot xuất xứ Trung Quốc lại đang chiếm đến hơn 70% thị trường Hàn Quốc năm 2022. Nguyên do chính là mỗi chú robot phục vụ nhà hàng của Trung Quốc chỉ có giá khoảng 10 triệu Won, tương đương 7.460 USD, tức chỉ bằng 1/5 so với hàng nội địa Hàn Quốc.
“Các nhà hàng thích dùng robot Trung Quốc vì nó rẻ hơn nhiều mà tính năng lại tương đương với hàng nội địa. Công nghệ của người Trung Quốc không hề kém cạnh chúng ta, thậm chí họ còn kinh doanh thương mại ngành robot sớm hơn Hàn Quốc và có mức giá cạnh tranh hơn rất nhiều”, một giám đốc ngành robot Hàn Quốc xin được giấu tên nói với FT.
Điều trớ trêu hơn nữa là báo cáo của Liên đoàn robot quốc tế (IFR) cho thấy Hàn Quốc là nền kinh tế có mật độ sử dụng robot cao nhất thế giới với 1.000 con trên mỗi 10.000 lao động ngành sản xuất. Con số này cao hơn rất nhiều so với 399 của Nhật Bản, 322 của Trung Quốc và 274 của Mỹ.
Hiện phần lớn robot và tự động hóa được Hàn Quốc ứng dụng cho mảng sản xuất ô tô, bán dẫn nhưng cũng đang tăng dần hiện diện sang các ngành nghề dịch vụ hàng ngày khác.
Thời của Robot
Vào tháng 4/2023, Hàn Quốc đã thông qua đạo luật cho phép ứng dụng robot ở mảng giao đồ ăn cũng như đồng ý cho các sản phẩm này xuất nhập những khu vực công cộng.
Trong khi đó vào tháng 7/2023, một trường đào tạo nhân viên hành chính công tại Seoul đã ứng dụng thử nghiệm mô hình dùng hệ thống robot để nấu nướng tự động đồ ăn căn tin trường.
Viện Khoa học công nghệ Hàn Quốc (KISTI) nhận định thị trường robot cho ngành dịch vụ ở Hàn Quốc sẽ tăng trưởng doanh số 100%, từ 530 triệu USD năm nay lên 1 tỷ USD năm 2026.
Tuy nhiên theo FT, các doanh nghiệp robot nội địa Hàn Quốc đang phải rất vất vả để chống lại người láng giềng Trung Quốc ở mảng robot khách sạn, giao hàng hay các dịch vụ tự động khác. Việc chính phủ Hàn Quốc không có những rào cản thị trường hay hỗ trợ ngành nội địa khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc.
Báo cáo của Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc (FKI) cho thấy ngành robot nội địa của nước này đang thất thế trước Nhật Bản, Mỹ, Đức và nhất là Trung Quốc về khả năng cạnh tranh. Nguyên nhân chính là ngành robot Hàn Quốc phụ thuộc quá nhiều từ nhập khẩu thiết bị, nguyên liệu của nước khác thay vì tự hoàn thiện được toàn bộ chuỗi cung ứng như Trung Quốc.
Tồi tệ hơn, mảng phát triển phần mềm cũng là điểm yếu chí mạng của ngành robot Hàn Quốc, khiến sản phẩm của họ bị thua thiệt về ưu thế cạnh tranh trên thị trường.
“Chẳng hề dễ dàng để chúng tôi có thể cạnh tranh về giá cả khi vẫn phải nhập khẩu phần lớn linh kiện từ Trung Quốc, Nhật Bản và Châu Âu, trong khi chính robot Trung Quốc lại là đối thủ chính”, một CEO của ngành robot Hàn Quốc thừa nhận với FT.
Tại Hàn Quốc, chính phủ đồng ý hỗ trợ đến 70% giá mua cho khách hàng khi mua robot phục vụ, nhưng khác với Mỹ, quốc gia này không áp đặt rào cản lên các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc khiến người được hưởng lợi chính lại là các sản phẩm của nước láng giềng.
Với những chủ nhà hàng như anh Kwon, thậm chí chẳng cần mua cả con robot Trung Quốc mà chỉ cần thuê lại với giá rẻ hơn 20% so với sản phẩm Hàn Quốc. Hiện anh Kwon đang dùng sản phẩm thuê lại từ B-Robotics với giá 300.000 Won, tương đương 225 USD/tháng, thấp hơn nhiều so với việc thuê một lao động có mức lương 2 triệu Won/tháng.
*Nguồn: FT
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời