Rút kinh nghiệm từ Ebola và Zika, thế giới chi 460 triệu USD để chuẩn bị cho các đại dịch tương lai

    zknight,  

    Chúng ta nhất định, và sẽ phải sẵn sàng hơn.

    Tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2017 vừa khai mạc tại Davos, Thụy Sĩ, một liên minh toàn cầu hướng đến mục đích chuẩn bị giải pháp cho đại dịch y tế, gọi tắt là CEPI, mới tuyên bố khởi động dự án của họ. Với số tiền tài trợ ban đầu tới 460 triệu USD, CEPI muốn nhanh chóng tìm ra được những vắc-xin tiên tiến, phòng trường hợp các đại dịch mới sẽ bùng phát trong tương lai.

    Chúng ta đã học được một bài học đáng nhớ từ Ebola và Zika và đại dịch SARS, Tiến sĩ Jeremy Farrar, giám đốc Tổ chức từ thiện Wellcome Trust, một trong những nhà tài trợ dự án cho biết. Tỷ phú Bill Gates cũng đại diện cho Quỹ Bill & Melinda Gates nói rằng việc sản xuất vắc-xin là trong tầm với của khoa học. Chúng ta nhất định, và sẽ phải sẵn sàng hơn, cho các đại dịch trong tương lai.

     Rút kinh nghiệm từ Ebola và Zika, thế giới chi 460 triệu USD để chuẩn bị cho các đại dịch tương lai

    Rút kinh nghiệm từ Ebola và Zika, thế giới chi 460 triệu USD để chuẩn bị cho các đại dịch tương lai

    CEPI ưu tiên cho 3 mục tiêu hàng đầu, là các căn bệnh có khả năng cao phát triển thành đại dịch mới: virus MERS-CoV gây ra hội chứng hô hấp Trung Đông, virus gây sốt Lassa và virus Nipah. CEPI sẽ phát triển ít nhất 6 loại vắc-xin, chia đều cho 3 chủng virus này đề phòng những trường hợp xấu nhất khi dịch bệnh xảy ra.

    Khoản đầu tư ban đầu 460 triệu USD đã được cam kết đến từ chính phủ Nhật Bản, Đức và Na Uy, cùng với Quỹ Bill & Melinda Gates và Tổ chức từ thiện Wellcome Trust. Thêm vào đó, Wellcome Trust cũng hứa rằng sẽ tài trợ thêm 100 triệu USD cho giai đoạn 5 năm tiếp theo của dự án.

    Chưa dừng lại ở đó, CEPI còn kêu gọi các nhà tài trợ mạnh tay hơn nữa vì sức khỏe, nền y tế và sự thịnh vượng toàn cầu. Họ hi vọng rằng đến cuối năm 2017, nguồn tài trợ cho dự án phát triển vắc-xin có thể tăng thêm gần nửa tỷ USD nữa.

    Tiến sĩ Jeremy Farrar, giám đốc Wellcome Trust nói: “Chúng ta đã học được những bài học từ Ebola, Zika và SARS, rằng những dịch bệnh sẽ là mối đe dọa lớn mà chúng ta phải đối mặt vì cuộc sống, sức khỏe và sự thịnh vượng của thế giới”.

    Vắc-xin có thể bảo vệ chúng ta, nhưng chúng ta thể hiện quá ít nỗ lực để phát triển chúng”, ông nói thêm. “Bây giờ CEPI sẽ là cơ hội để chúng ta sửa sai cho các thảm kịch gần đây, thể hiện một điều rằng con người đã thông minh hơn để đối mặt với dịch bệnh với các loại vắc-xin mới”.

    Nếu mọi người cùng chung tay hỗ trợ CEPI, chúng ta có thể thực hiện được mục tiêu ấy và kiến tạo một thế giới an toàn hơn”.

    Tỷ phú Bill Gates, đồng chủ tịch Quỹ Bill & Melinda Gates cũng góp thêm tiếng nói của mình: “Ebola và Zika đã cho thấy thế giới đã không chuẩn bị kỹ để phản ứng nhanh chóng, phát hiện ra các dịch bệnh ngay khi chúng còn ở quy mô địa phương và tránh cho chúng lây lan thành đại dịch trên quy mô toàn cầu”.

    Nếu không đầu tư vào các chương trình nghiên cứu và phát triển, chúng ta sẽ lại một lần nữa không có gì trong tay để đối mặt với các mối đe dọa sắp tới”.

    Chúng ta có khả năng để phát triển nhanh chóng các loại vắc-xin cho các dịch bệnh sắp tới. Nó sẽ cho chúng ta niềm hy vọng lớn để đánh bại các đợt bùng phát, cứu sống những sinh mạng và tránh thảm họ về kinh tế”.

     CEPI công bố khởi động dự án vắc-xin của họ tại Diễn đàn kinh tế thế giới (Ảnh minh họa)

    CEPI công bố khởi động dự án vắc-xin của họ tại Diễn đàn kinh tế thế giới (Ảnh minh họa)

    CEPI nhận được những cam kết về khoản tài trợ, không lâu sau khi một nhóm các chuyên gia y tế dự đoán một danh sách 37 virus có khả năng sẽ đe dọa con người trong tương lai. Tất cả các virus trong nhóm này đều có khả năng phát triển đến độ lây lan giữa người với người.

    Một trong số những mối lo ngại hàng đầu được đặt lên MERS, những chủng virus họ hàng của Ebola và một số loại virus lây truyền từ muôĩ. Tính tới thời điểm hiện tại, tất cả các virus này đã từng gây ra những dịch bệnh trên quy mô cục bộ.

    Nhiều loại virus nguy hiểm trong danh sách mới chỉ lây lan từ động vật. Nhưng nếu có thể vượt qua ranh giới và lây nhiễm dễ dàng hơn từ người sang người, chúng có thể gây ra những tình trạng nghiêm trọng, các nhà khoa học cho biết.

    Và nếu nhìn lại quá khứ của Ebola và Zika, các nhà khoa học thực ra cũng cảnh báo về những nguy cơ tương tự, trước khi mà chúng bùng phát thành đại dịch. Nhưng đáng tiếc là khi đó, chúng ta đã không hành động kịp lúc.

    Giáo sư Mark Woolhouse, trưởng nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Edinburgh là người đã tham gia vào các nghiên cứu dự đoán ấy. Ông nói: “Việc giám sát các bệnh truyền nhiễm cần được ưu tiên, bởi những thay đổi dù nhỏ trong hệ sinh thái của chúng có thể dẫn đến thay đổi lớn trong khả năng đe dọa sức khỏe cộng đồng”.

    KHẢ NĂNG CAO, ĐÂY SẼ LÀ CÁC ĐẠI DỊCH MỚI TRONG TƯƠNG LAI

    1. MERS

    MERS-CoV là virus mà các chuyên gia y tế lo ngại nhất. Hội chứng hô hấp Trung Đông mà nó gây ra sẽ giết chết 4 trong 10 bệnh nhân. Năm 2012, những ca nhiễm MERS-CoV trên người đầu tiên được báo cáo tại Ả Rập Saudi. Nhưng kể từ đó, nó đã lan rộng ra nhiều nước trên thế giới.

    Triệu chứng:

    Một bệnh nhân nhiễm MERS-CoV sẽ thể hiện triệu chứng vào khoảng ngày thứ 5 trở đi, bao gồm:

    Sốt, ho, khó thở, tiêu chảy, nôn và buồn nôn, phát triển bệnh đường hô hấp mức nặng

    Những người có khả năng bị ảnh hưởng:

    Hội chứng hô hấp Trung Đông đã được ghi nhận ở dải độ tuổi rất rộng, từ trẻ em cho tới người già nhất 99 tuổi.

    Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao bao gồm: người bệnh mãn tính như tiểu đường, ung thư, bệnh phổi, bệnh tim hoặc bệnh thận. Những người có hệ miễn dịch suy yếu như bệnh nhân nhiễm HIV cũng có nguy cơ cao.

    Những đối tượng nguy cơ cao nhất:

    Khách du lịch trở về từ vùng dịch Trung Đông

    Những người tiếp xúc gần gũi, chăm sóc hoặc sống chung với người bệnh

    Nhân viên y tế không thực hiện biện pháp phòng chống lây nhiễm

    Người tiếp xúc với lạc đà nhiễm virus

    2. Sốt Lassa

    Lassa là một virus cùng họ với Ebola. Nó gây ra những cơn sốt gọi là sốt Lassa, giống sốt xuất huyết cấp tính. Virus lây truyền từ chuột sang người, nếu bệnh nhân từng tiếp xúc với nước tiểu hoặc phân chuột.

    Triệu chứng:

    Thời gian ủ bệnh của sốt Lassa thường trong khoảng 6-21 ngày. Sau đó, các triệu chứng xuất hiện gồm: sốt, mệt mỏi, bứt rứt, đau đầu, viêm họng, nhức cơ, tức ngực, nôn và buồn nôn, tiêu chảy, ho, đau bụng. Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân sẽ bị chảy máu trong phổi, miệng, mũi, âm đạo hoặc đường tiêu hóa, huyết áp xuống mức thấp.

    3. Virus Nipah

    Năm 1998, các virus Nipah lần đầu tiên được xác định trong một dịch bệnh trên lợn tại Malaysia. 6 năm sau đó, một dịch nhiễm Nipah trên người bùng nổ tại Bangladash.

    Triệu chứng:

    Hai tuần sau nhiễm virus, người bệnh sẽ có các triệu chứng: sốt, đau đầu, buồn ngủ, mất phương hướng, rối loạn tâm thần. Trong 24-48 giờ, bệnh có thể tiến triển đến hôn mê. 50% bệnh nhân nhiễm Nipah tiến triển đến bệnh phổi và thần kinh.

    Dịch Nipah năm 1998-99 đã bùng phát với 265 người mắc bệnh. 40% số bệnh nhân phải vào viện cấp cứu và tử vong bởi biến chứng thần kinh. Virus Nipah có khả năng sống lâu dài bên trong cơ thể người bệnh. Nhiều trường hợp co giật và tử vong được ghi nhận sau hàng tháng, thậm chí nhiều năm nhiễm virus.

    Tham khảo Dailymail

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ