Với tôi, một trong số những thành trì vững chắc nhất của Windows vừa sụp đổ bởi chính tay của... Microsoft.
Nhiều người sẽ khẳng định rằng Windows là sản phẩm quan trọng nhất của Microsoft, bởi đây chính là sản phẩm đã làm nên vị thế thống trị của Microsoft trong lịch sử và cũng vẫn là nguồn thu chủ chốt của gã khổng lồ xứ Redmond tại thời điểm này. Thế nhưng, ít ai biết rằng Bill Gates đã khôn ngoan ép buộc cựu CEO Apple John Sculley phải nhượng quyền các yếu tố giao diện đồ họa GUI cho Microsoft bằng... bộ ứng dụng Office.
“Nếu Apple kiện Microsoft, tôi muốn được biết, vì chúng tôi sẽ ngừng phát triển toàn bộ các sản phẩm Mac (của Microsoft). Tôi hy vọng chúng ta có thể dàn xếp vụ việc này. Mac rất quan trọng với bản thân chúng tôi và doanh số của chúng tôi”, Bill Gates dọa dẫm Sculley. Kết quả là một số yếu tố GUI được nhượng quyền cho Microsoft và Gates hứa sẽ không phát triển Excel trên bất cứ nền tảng nào khác ngoài máy Mac trong vòng 2 năm.
Cuộc chiến Windows vs. Mac đã không còn là cuộc chiến đại diện cho thế giới điện toán, nhưng trong suốt hàng chục năm qua Office đã luôn có vai trò rất quan trọng trong công cuộc bảo vệ vị thế của Windows nói riêng và Microsoft nói chung. Một trong những lý do chủ chốt khiến các hệ điều hành mã nguồn mở (đặc biệt là các phiên bản Linux) không thể hạ bệ được Windows trong ngôi nhà của người tiêu dùng và trong môi trường doanh nghiệp là bởi các ứng dụng văn phòng đi kèm có chất lượng quá kém cỏi.
Cơn sóng Linux vừa qua đi Google Docs ra mắt với cơ chế phối hợp làm việc và khả năng lưu trữ trên mây cực kỳ tiện lợi. Nhưng phần đông người dùng vẫn không thể từ bỏ trải nghiệm làm việc quen thuộc của Word và Excel; những vấn đề về tương thích và tính năng khiến Google Docs chỉ dừng ở mức hoàn hảo trên giấy tờ. Microsoft Office quá áp đảo trên thị trường ứng dụng văn phòng.
Thực tế, thử thách lớn nhất mà Office gặp phải là do chính Microsoft gây ra vào năm 2007, khi phiên bản Office mới nhất chuyển sang giao diện Ribbon mới lạ thay cho giao diện menu icon cỡ nhỏ vốn đã quá quen thuộc.
Nhưng toàn bộ bài viết này và rất nhiều các công việc đậm chất văn phòng khác của tôi như lập bảng thống kê hoặc vẽ slide trình bày ý tưởng không hề được thực hiện trên Word 2016, Excel 2016 hay bất kỳ một ứng dụng Microsoft Office chính thống nào cả. Cửa sổ duy nhất đang mở trên máy của tôi là một trình duyệt đến từ một công ty Nga với bộ lõi Chromium thuộc về Google.
Trang web tôi đang mở là office.live.com, phiên bản trực tuyến hoàn toàn miễn phí của Office.
Microsoft đã thay đổi rất nhiều kể từ khi CEO Satya Nadella lên nắm quyền thay cho “thảm họa” Steve Ballmer. Vị CEO gốc Ấn đã mạnh tay cắt bỏ những nỗ lực vô ích của Microsoft trên mảng di động và chuyển sang phát hành một loạt các ứng dụng dịch vụ cho các hệ điều hành cạnh tranh cũng như nền tảng web trên Windows – nơi Microsoft đã bị Google phế truất từ lâu. Ngay cả một ứng dụng có ý nghĩa sống còn như Microsoft Office cũng không phải là ngoại lệ với chiến lược này.
Từ góc độ người dùng, tôi rất tán thành quyết định này của Satya Nadella. Lợi ích đầu tiên của Office Online dĩ nhiên là giá thành: người dùng không còn phải lo đến khoản chi phí hơn 150 USD cho mỗi lần nâng cấp Office và cũng không cần phải “lăn tăn” vì... vi phạm bản quyền. Tiếp đến là lợi ích sao lưu: bất cứ lúc nào, văn bản của tôi trên OneDrive cũng sẽ luôn là bản mới nhất (dù rằng các version cũ vẫn được OneDrive lưu lại).
Trước đây, khi dùng Office 2013 và đặt thư mục Documents vào OneDrive, tôi nhiều lúc “dở mếu dở cười” vì phải ĐÓNG cửa sổ Word lại một lúc rồi dịch vụ đám mây của Microsoft mới thực hiện sao lưu. Khi chuyển sang Google Drive thì vấn đề chuyển sang thành file Word tạm (có thể lên tới vài chục MB) của tôi liên tục được sao lưu mỗi lần nhấn Ctrl S, làm... nghẽn hệ thống mạng ở nơi làm việc.
Chưa dừng lại ở đây, Office Online cũng hỗ trợ nhiều người cùng sửa file tại một thời điểm. Điều này cho phép tôi có thể sửa các đầu mục đầu tiên trong một tài liệu dài khi đồng nghiệp của mình viết tiếp những mục ở dưới. Và bởi Office Online chạy trên trình duyệt nên tôi có thể khởi động ứng dụng này trên bất kỳ máy tính nào, bao gồm cả chiếc laptop mượn của anh họ những ngày về quê. Khi tôi ngừng tay gõ phím, bản tài liệu lưu mới nhất của tôi đã có sẵn “trên mây”. Không còn phải mất công tự gửi mail cho chính mình, không còn lo lắng “Mình đã up cái này lên Google Drive hay chưa”.
Tất cả những lợi thế này khiến cho bộ ứng dụng Microsoft Office không còn là thật sự cần thiết, ít nhất là với tác vụ văn phòng đơn giản. Tôi sẽ không khẳng định điều này là minh chứng cho “cái chết của Windows” hay “cái chết của PC”, bởi chúng ta vẫn còn cần Windows và PC cho Adobe Photoshop hoặc The Witcher 2: Assassins of Kings chẳng hạn. Thế nhưng, sự thật là ngay cả trong thời đại smartphone đã “nguội” và tablet đã “chìm”, vị thế của Windows và PC vẫn có thể bị hạ thấp hơn đáng kể so với trước đây.
Cái gì đang làm hại Windows và PC?
Đám mây
Office đang trở thành công cụ toàn diện để Microsoft loại bỏ vai trò của hệ điều hành. Sản phẩm trọng tâm nhất của gia đình Microsoft Office là Office 365. Trong khi vẫn đòi hỏi các ứng dụng đầy đủ tính năng trên nhiều hệ điều hành khác nhau, Microsoft đang mang đến cho Office 365 rất nhiều lợi thế đặc biệt: cùng một tài khoản, sử dụng trên nhiều hệ điều hành; luôn luôn được cập nhật lên phiên bản mới nhất; chi phí có thể tính theo nhu cầu (có thể dùng tháng nào, bỏ tiền cho tháng đó) và quan trọng nhất là khả năng tích hợp nhuần nhuyễn với nhiều sản phẩm cloud khác như Azure và OneDrive. Đây đều là những lợi thế riêng của một sản phẩm chạy theo tầm nhìn đám mây - không một lợi thế nào trong số này phụ thuộc vào việc bạn dùng hệ điều hành gì.
Office Online thể hiện một xu thế rất rõ rệt của thời đại cloud computing có Microsoft tiên phong. Gần như toàn bộ các tác vụ xử lý và lưu trữ của các ứng dụng dành cho công việc và cuộc sống đều có thể đưa lên mây. Bất cứ thiết bị nào bạn sử dụng để truy cập các ứng dụng này sẽ chỉ đóng vai trò khá “kém thông minh” là hiển thị giao diện. Ở khía cạnh này, một trình duyệt web đã là quá đủ. Bạn không cần quan tâm hệ điều hành của mình là Mac, Ubuntu, Windows hay Steam OS.
Skype nền web.
Công cuộc lật đổ Windows của chính Microsoft không dừng lại ở đây. Tại sự kiện Build 2016, Microsoft ra mắt nhiều các chatbot siêu thông minh có thể thay thế các cửa hàng trò chuyện và bán hàng cho khách ghé thăm. Trái tim của các chatbot này là các dịch vụ tri giác nằm ở trên mây, và ngay cả nền tảng thúc đẩy cho tham vọng chatbot của Microsoft cũng đã được đẩy lên trình duyệt với rất nhiều tính năng. Ngay từ lúc này, bạn có thể thử nghiệm Skype nền web tại địa chỉ web.skype.com.
Bạn hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó tất cả những gì cần thiết để mua được món hàng online ưng ý trên iPhone 8 hoặc Galaxy S9 chỉ là trình duyệt. Bạn mở trình duyệt, vào web.skype.com, khởi động cuộc hội thoại với chatbot của Daniel Wellington và bắt đầu nghe tư vấn, chọn size, đặt lệnh mua hàng... Trong kịch bản này, các chợ ứng dụng không có bất kỳ ý nghĩa gì cả và kể cả các nền tảng chat cạnh tranh như Facebook Messenger cũng bị loại bỏ.
Khi hạ tầng đám mây của xã hội ngày càng phát triển, tất cả các ứng dụng và kéo theo đó là hệ điều hành đều sẽ bị giảm giá trị. Trong công việc code chẳng hạn: lập trình viên có thể code và thao tác trên một IDE giao diện web; toàn bộ các công việc compile, build, deploy sẽ được thực hiện trên một máy ảo ở trên mây.
Hay như chơi game: Microsoft có thể phát triển một dịch vụ chơi game qua mạng giống như OnLive, cho phép người dùng tận hưởng kho game đặt trên máy chủ qua màn hình, một thiết bị đầu phát (bất kể là Xbox, PC Windows hay PlayStation). Vũ khí lớn nhất của Microsoft trong kịch bản này? Microsoft làm chủ một phần rất lớn của đám mây còn PlayStation Network của Sony liên tiếp đi từ thảm họa bảo mật này tới thảm họa bảo mật khác.
Nói tóm lại, với đám mây, Microsoft đang làm hại cả Windows nhưng cũng cùng lúc mở ra khả năng loại bỏ cả iOS, Android, PlayStation, Ubuntu hay bất cứ một nền tảng phần cứng/hệ điều hành nào khác. Thế giới điện toán tương lai của Microsoft chỉ cần một trình duyệt: chẳng có một thiết bị thông minh nào không có trình duyệt cả.
Đây sẽ là một cuộc cách mạng lâu dài đòi hỏi vượt qua rất nhiều trở ngại: đến bao giờ thì mỗi thành phố mới có một datacenter riêng cho dịch vụ stream game, và đến bao giờ thì giao diện web đủ phát triển để tạo ra trải nghiệm ngang ngửa như Office 2016, Photoshop, Eclipse IDE ngay trên trình duyệt?
Tương lai sẽ khắc phục những thử thách đó, nhưng ngay từ bây giờ Microsoft hiểu rất rõ ràng rằng tương lai thuộc về đám mây. Do đó, gã khổng lồ phần mềm sẵn sàng cung cấp Windows 10 miễn phí trong vòng một năm để khuyến khích người dùng chuyển sang các dịch vụ nằm trên mây của hãng. Với tôi, Windows 10 vẫn được dùng để chơi Witcher và để code, nhưng với tham vọng của Microsoft và Satya Nadella, ngay cả thực tế đó cũng sẽ phải bị thay đổi.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4