Sắp sang kỷ nguyên người nói với máy?
Liệu sự ra đời của phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT có phải là tín hiệu diệt vong của công cụ tìm kiếm Google và mở ra kỷ nguyên giao tiếp trực tuyến giữa con người và AI hay không?
Chỉ trong 5 ngày kể từ khi ra mắt (30-11-2022), số người dùng ChatGPT đã vượt qua 1 triệu. Mạng xã hội tràn ngập ảnh chụp những cuộc trò chuyện thú vị và kỳ lạ của con người với ChatGPT do Công ty OpenAI tạo ra. Ai cũng kinh ngạc về độ thông minh của chatbot (máy hội thoại) này.
Tờ Washington Post thậm chí còn nhận định ChatGPT là sự thay thế cho Google vì nó có khả năng đưa ra giải pháp cho các vấn đề phức tạp một cách trực tiếp - gần như cách một người thầy dạy kiến thức cá nhân.
CTV Tuổi Trẻ tại Đức đã trao đổi với TS NGUYỄN VĂN DƯƠNG - thành viên cấp cao của Hiệp hội Công nghệ khoa học IEEE, giám đốc điều hành bộ phận ADAS (hệ thống hỗ trợ xe tự lái) của Panasonic tại châu Âu - để lý giải về độ "nóng" của ChatbotGPT và khả năng thay thế của nó với Google.
Con người thích trò chuyện
* Thưa ông, điều gì khiến ChatbotGPT thu hút người dùng đến vậy?
- Vì mọi người thích trò chuyện trực tiếp (live-chat) hơn bất cứ kênh liên hệ nào khác, do đó live-chat dự kiến sẽ tiếp tục tăng đến 87% trong 2 năm tới theo khảo sát gần đây của J. D Power - hãng đánh giá uy tín về dịch vụ xe hơi, công nghệ thông tin và tài chính.
Theo J. D Power, khoảng 46% khách hàng thích live-chat so với chỉ 29% với email và 16% với mạng xã hội hoặc diễn đàn. Thêm nữa, theo tôi, sau dịch COVID-19, hành vi giao tiếp và trao đổi của con người cũng thay đổi do xu hướng làm việc trực tuyến.
Rõ ràng trò chuyện trực tuyến với máy sẽ giúp con người tìm được câu trả lời nhanh hơn, không phụ thuộc thời gian và không gian, lại đảm bảo sự riêng tư, do đó giải tỏa tâm lý tò mò, căng thẳng và lo lắng...
ChatGPT đã ra đời đón đầu xu hướng này và do đó nó sẽ được ứng dụng trong những lĩnh vực con người cần trao đổi thông tin. Vì vậy, không ngạc nhiên khi nó trở thành công cụ trợ giúp giao tiếp thông minh thu hút hàng đầu hiện nay.
* Vì sao nhiều người tin rằng ChatGPT đe dọa sự tồn vong của công cụ tìm kiếm Google?
- Công cụ tìm kiếm Google đã tồn tại hơn hai thập niên và lâu nay là chỗ giải đáp cho mọi câu hỏi của chúng ta. Thậm chí giới trẻ có câu cửa miệng "không biết gì cứ lên hỏi Google".
Tuy nhiên, khi nhập câu hỏi hoặc từ khóa lên Google, ta sẽ nhận lại một loạt kết quả liên quan tới những từ khóa trong câu hỏi đó nên sẽ mất nhiều thời gian để lọc tìm các thông tin cần thiết.
Tuy nhiên, sự ra đời của ChatGPT đã thay chúng ta làm công việc mất thời gian và tốn chất xám này, bởi nó có thể hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát trên nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau.
Thêm nữa, ChatGPT vừa ra mắt sử dụng GPT 3.5. Đây là mô hình ngôn ngữ sử dụng phương pháp học sâu (deep learning) để tạo ra văn bản giống con người về mặt công nghệ, nó đã vượt một bậc so với trình duyệt tìm kiếm của Google.
Và điều đặc biệt hơn cả là "tiềm năng" ứng dụng của ChatGPT rất cao trong nhiều ngành nghề đa dạng. Ví như bạn có thể yêu cầu nó soạn một văn bản, sáng tác thơ, giải một bài toán hay viết một đoạn lập trình...
"Tiềm năng" được nhấn mạnh ở đây là rất có thể không lâu nữa tất cả yêu cầu trên sẽ được ChatGPT hoàn thành tốt, bởi hiện tại nó vẫn đang được hoàn thiện nhưng cũng đã có rất nhiều câu trả lời thuyết phục người dùng.
Cảnh báo "đỏ" cho Google
* Với tốc độ lan truyền mạnh mẽ như hiện nay, ông có cho rằng ChatGPT có thể thay thế công cụ tìm kiếm Google?
- Theo tôi, trước mắt thì chưa, bởi ChatGPT vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Ngay bản thân "cha đẻ" của ChatGPT là Công ty OpenAI cũng thừa nhận "đôi khi nó viết những câu trả lời nghe có vẻ hợp lý nhưng không chính xác hoặc vô nghĩa".
Sở dĩ có hạn chế này là do nó bị giới hạn bởi dữ liệu huấn luyện chưa đầy đủ và chưa hoàn thiện, và còn bị giới hạn trong các quy chuẩn văn hóa đạo đức giao tiếp do người huấn luyện đặt ra nhằm tránh những xung đột kỳ thị và xúc phạm.
Điển hình như ChatGPT có kiến thức vô cùng hạn chế về các sự kiện xảy ra sau năm 2021 và không thể cung cấp thông tin về một số người nổi tiếng.
Thêm vào đó, trong quá trình đào tạo ChatGPT, người huấn luyện ưu tiên câu trả lời dài hơn, do đó nó thích viết những câu trả lời dài dòng cho mọi thứ, thường xuyên lặp lại từ và các cụm từ bất chấp sự không phù hợp với câu trả lời.
Để thấy rõ điều này, chúng ta hãy làm một phép thử với ChatGPT với câu hỏi xung quanh về thị trường bất động sản Việt Nam như "Bạn nghĩ sao về thị trường bất động sản Việt Nam năm 2022?", "Bạn nghĩ sao về thị trường bất động sản trong 3 năm qua kể từ năm 2019", hay "Bạn nghĩ sao về thị trường bất động sản Việt Nam?".
Ta thấy ChatGPT hoàn toàn không thể trả lời các câu hỏi này vì chưa tự cập nhật thông tin cũng như chưa có người huấn luyện cho nó về nội dung này.
Tương tự, chúng ta thử đặt liên tiếp các câu hỏi khác nhau về một nhân vật nổi tiếng, ví dụ về ca sĩ Sơn Tùng MTP: "Sơn Tùng MTP có phải là nữ không?", "Sơn Tùng MTP sống ở nước nào?", "Sơn Tùng MTP sinh ra và lớn lên ở đâu", hay "Sơn Tùng MTP là ai?" thì đều nhận được một nội dung trả lời khá giống nhau nhưng lại hoàn toàn không chính xác như tên khai sinh, ngày và nơi sinh...
Còn nếu chúng ta mở một hội thoại mới và vẫn lặp lại những câu hỏi tương tự về Sơn Tùng MTP thì ChatGPT lại cung cấp một số thông tin khác.
Điều này cho thấy dữ liệu đào tạo bị sai lệch thuật toán nên câu trả lời của ChatGPT thiếu ổn định, rối loạn thông tin và do đó không đảm bảo độ tin cậy.
Tuy nhiên, những hạn chế này hoàn toàn có thể khắc phục và cải tiến trong tương lai gần, do đó khả năng thay thế công cụ tìm kiếm Google là hoàn toàn có thể ở tương lai không xa.
Tương lai giao tiếp người - máy
Có thể thấy nếu công cụ tìm kiếm Google mở ra kỷ nguyên thông tin đa chiều thì sự ra đời của ChatGPT báo hiệu một kỷ nguyên mới về giao tiếp trực tuyến giữa con người và AI.
Điều ấn tượng tuyệt vời nhất của cuộc hội ngộ này có lẽ đó là tri thức nhân loại sẽ không còn bị giới hạn bởi không gian, thời gian và khác biệt ngôn ngữ. AI sẽ giúp trao đổi, chuyển giao và dịch thuật một cách hoàn hảo mọi mặt kiến thức theo cách rất con người.
Chính điều này khiến không chỉ Google mà tất cả các công cụ tìm kiếm tương tự buộc phải đặt báo động đỏ. Ngay cả ông trùm công nghệ Elon Musk cũng phải thốt lên cảnh báo: "ChatGPT tốt một cách đáng sợ. Ngày mà AI trở nên mạnh mẽ một cách nguy hiểm đối với chúng ta không còn xa nữa".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming