Satya Nadella, người đánh thức gã khổng lồ đang say ngủ Microsoft

    Comet,  

    Những gì Microsoft đang làm được dưới triều đại của vị CEO gốc Ấn Satya Nadella đang khiến cả thế giới phải kinh ngạc và ấn tượng.

    ------------------------------------------------------

    Ấn Độ nổi tiếng với sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, và những người Ấn Độ tài năng làm trong lĩnh vực này cũng không hề ít trên toàn thế giới. Thế nhưng tài năng là một chuyện, đủ bản lĩnh để vực dậy một gã khổng lồ đang say ngủ thì lại lại một chuyện khác. Và đó chính xác là những gì mà vị CEO Satya Nadella đang làm được tại Microsoft.

    Một người không ngại khó khăn

    Không giống như những vị CEO khác của Microsoft, Satya Nadella là một người Ấn Độ (dù hiện đã chuyển sang quốc tịch Mỹ). Có lẽ điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách của ông: khiêm tốn, nhún nhường và cực kỳ điềm tĩnh. Để đến được vị trí ngày hôm nay, bản thân Nadella đã phải trải qua rất nhiều sự cố gắng vượt bậc.

    Sinh năm 1968 tại Ấn Độ, Nadella lớn lên và theo học Cử nhân ngành điện và điện tử tại Học viện công nghệ Manipal, Ấn Độ. Những tố chất của Nadella được bộc lộ ngay từ những ngày ông còn đi học. Khi còn học Đại học ở Ấn Độ, ông nổi tiếng là người luôn đặt ra câu hỏi trong khi những sinh viên khác chọn cách im lặng. Ông hỏi nhiều đến mức mà Harishchandra Hebbar - giảng viên tại Đại học Manipal nói rằng: "Đôi khi tôi cảm thấy như anh ấy đang thử thách sự kiên nhẫn của mình".

    Sau đó ông được tạo điều kiện để sang Mỹ vào theo học ngành Khoa học máy tính tại Đại học Wisconsin-Milwaukee. Và những vấn đề bắt đầu nảy sinh với Nadella khi ông định cư tại đây vào năm 20 tuổi.

    Chàng sinh viên gốc Ấn muốn có bằng thạc sĩ về khoa học máy tính càng sớm càng tốt để có thể bước chân vào thị trường công nghệ đang bùng nổ hết sức mạnh mẽ lúc đó tại Mỹ. Thế nhưng việc không có nhiều tiền cũng như vốn kiến thức cùng ngoại ngữ khá yếu của Nadella có từ quê nhà không đủ để chàng trai này làm được việc đó. Các giáo sư trong trường xếp ông vào diện... phải học lại và điều đó có thể khiến ông mất 1 năm để tốt nghiệp chương trình thạc sĩ.

    Những gì chàng trai gốc Ấn nghĩ trong đầu lúc đó là "không đời nào". Chỉ trong vòng vài tháng, Nadella đã gồng mình học tập để đáp ứng yêu cầu của nhà trường, cùng như ra ngoài làm coder thuê để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt. Để có được thời gian vừa kiếm tiền, vừa học tập, Nadella đã tận dụng gần như mọi thời gian trong ngày của ông. Ông đến trường học, sử dụng phòng thí nghiệm để học đến tận 3 giờ sáng. Để rồi khi trời sáng, ông dành thời gian để đi làm thêm kiếm tiền.

    Bằng cách đó, anh chàng Nadella đã hoàn thành chương trình học Thạc sĩ của mình trong đúng thời gian quy định là 2 năm. 

    Ngọn đuốc sáng khi Microsoft rơi vào khó khăn

    Nếu là thời điểm cách đây 15, 20 năm, chắc chắn việc nhậm chức CEO tại Microsoft là một sự thuận lợi tuyệt đối. Hệ điều hành Windows thống trị máy tính toàn cầu, và gần như chẳng đối thủ nào dám tự tin tuyên bố sẽ đối đầu và chiến thắng họ. Thế nhưng vào năm ngoái, khi mà Nadella nhậm chức CEO thay cho Steve Ballmer, Microsoft là một thách thức đầy khó khăn.

    Dưới triều đại của Ballmer, Microsoft là một tập hợp của những sự "hiếu chiến, bảo thủ và chậm thay đổi". Những chính sách của Ballmer đã khiến Microsoft bị thụt lùi trên thị trường, và bị đối thủ trực tiếp là Apple dưới tay của Steve Jobs qua mặt. Mặc dù là một người tài giỏi, nhưng trong suốt 13 năm tại vị của mình thì Steve Ballmer đã phạm phải những sai lầm trị giá hàng tỷ USD. Những thương vụ như mua lại aQuantive hay Nokia được xem là "cục nợ" dành cho Nadella khi ông bước lên nắm quyền CEO tại Microsoft.

    Vậy Satya Nadella đã làm gì để thay đổi cục diện này?

    Xây dựng một Microsoft mới. Đó chính là những gì Nadella đã làm dù ông chưa bao giờ thực sự nói ra điều đó. Hàng loạt những quy luật bất biến được bỏ đi, hàng hoạt chính sách được thay đổi, và Microsoft dưới triều đại Nadella dường như đang khởi nghiệp lần nữa.

    Vị CEO gốc Ấn nhận ra vấn đề của Microsoft và quyết định đưa ra mục tiêu mới: gia tăng năng suất sản xuất và phát triển nền tảng cho các công nghệ mới. Những thay đổi mang tính cách mạng cho các sản phẩm Office, Windows hay thậm chí là cả Hololens trong thời gian gần đây minh chứng cho quyết tâm của Nadella trong việc thay đổi hoàn toàn hình ảnh của Microsoft.

    Song song với cải thiện công việc hiện tại, Nadella cũng tỏ ra là một người quyết đoán khi thẳng tay loại bỏ những thứ mà ông cho là không cần thiết. Ông cho thấy mình là người điềm tĩnh nhưng vô cùng cứng rắn khi loại bỏ lần lượt các nhân viên cấp cao một thời như Stephen Elop, Eric Rudder hay Kirill Tatarinov.

    Động thái này mở đường cho việc cắt bỏ hoàn toàn những mảng kinh doanh yếu kếm và không phù hợp với chiến lược của Nadella. Kết quả là quyết định cắt giảm 7800 nhân sự (chủ yếu là kinh doanh và bán hàng) trong mảng di động cũ của Nokia, ghi giảm vốn lên tới 7,6 tỷ USD.

    Với Nadella, những thứ không phù hợp thì cần phải loại bỏ.

    Luồng gió mới tại Microsoft

    Microsoft đã thay đổi như thế nào dưới triều đại Nadella? Có lẽ chỉ những người làm việc tại Microsoft mới thấu hiểu được chính xác điều này. Khi mà Microsoft vẫn được quản lý bởi Bill Gates hay Steve Ballmer, đừng bao giờ một nhân viên tại đây có thể nghĩ đến việc nói xấu những sản phẩm của công ty họ. Nó tựa như việc bạn sẽ chẳng bao giờ được phép sử dụng máy tính Mac trong khi làm việc, dù nó tiện lợi và hiệu quả đến chừng nào đi nữa.

    Thế nhưng giờ đây mọi người được tự do bàn luận, thậm chí sử dụng các thiết bị của chính các đối thủ. Điều này có được là nhờ tầm nhìn lớn lao của vị CEO mới. Với Nadella, hệ điều hành Android cũng chỉ như một nền tảng có thể chạy các phần mềm và dịch vụ điện toán đám mây của Microsoft. David Gómez-Rosado -một cựu nhân viên của Microsoft dưới thời Nadella chia sẻ: "Tôi từng làm việc cho Microsoft. Ở đó họ sử dụng Google, máy Mac và nhiều sản phẩm sản xuất bởi đối thủ". Thậm chí trong nhiều cuộc họp của Microsoft, những chiếc Macbook đôi khi còn xuất hiện nhiều hơn là máy tính Windows.

    Không chỉ đối nội, ngay cả việc đối ngoại của Microsoft cũng được thay đổi hoàn toàn. Thay vì giữ chính sách hiếu chiến và sẵn sàng vùi dập đối thủ như trước, Nadella chọn giải pháp "dĩ hòa vi quý". Những đối thủ sừng sỏ nhất dưới thời Steve Ballmer lại trở thành đối tác quan trọng của Microsoft dưới thời của Nadella. Ông luôn đặt lợi ích phát triển mạng lưới dịch vụ cho những sản phẩm như Azure, Office 365,... lên trên những "sự tự tôn" của một ông lớn trước những công ty khác.

    Kết quả là CEO của những đối thủ một thời như NetSuite, Saleforces đều dành những lời có cánh cho vị CEO của Microsoft. Trong một cuộc phỏng vấn, Marc Benioff - CEO của Saleforces cho biết: "Người kia (Steve Ballmer) không quan tâm đến Saleforce. Thực tế là ông ta làm mọi thứ chỉ để tránh mặt với chúng tôi". Còn khi được hỏi về Nadella, ông nói: "Tôi cảm thấy thực sự vui mừng khi được hợp tác cùng Satya". Nadella không sắc sảo như Bill Gates, không hoang dã như Steve Ballmer, ông chọn sự điềm tĩnh và chắc chắn để tiếp cận với các vấn đề và xử lý chúng.

    Bên cạnh đó, cái cách mà Nadella lựa chọn để chinh phục thị trường cũng cho người ta thấy một Microsoft rất mới dưới thời đại của ông. Ông đưa ra hàng loạt quyết định mà không ai ngờ tới: phát triển Office cho iPad, cho máy tính bảng Android (trong khi phiên bản dành cho chính những chiếc tablet chạy Windows còn chưa ra mắt, ra mắt Office mới cho OS X (lần đầu tiên kể từ phiên bản Office 2011) và ấn tượng nhất là miễn phí bản quyền cho Windows trên những thiết bị có kích thước màn hình 9 inch trở xuống.

    Hơn ai hết, Nadella hiểu rằng sức cạnh tranh trên thị trường hiện đã khác xa so với thời hoàng kim của Microsoft. Những chiếc iPad thống trị thị trường máy tính bảng, trong khi phần còn lại là dành cho những chiếc tablet Adnroid. Những ai đang sử dụng những hệ điều hành OS X, iOS và Android chắc hẳn sẽ chẳng từ bỏ thói quen của mình để quay lại với Windows của Microsoft. Do đó thay vì tìm cách "bắt" người dùng quay lại sử dụng Windows, Nadella muốn những sản phẩm của Microsoft xuất hiện ở mọi nơi trong thế giới công nghệ. Ngay cả khi không thể thắng đối thủ bằng các thiết bị phần cứng, Microsoft dưới thời Nadella vẫn có thể tìm được ánh hào quang với mạng lưới dịch vụ của mình.

    Một tương lai tươi sáng

    Những người yêu thích Microsoft chắc hẳn vô cùng ấn tượng trước những gì họ làm được trong suốt một năm qua. Hãy nhìn vào những thành quả: Hệ điều hành Windows 10 được nghiên cứu và mở rộng tính năng, kính thực tế ảo Hololens được giới thiệu cùng những tính năng tuyệt vời, bộ công cụ Office đang bùng nổ với những phiên bản mới và hệ thống điện toán đám mây đang phát triển mạnh mẽ. Sẽ là không công bằng nếu nói đây đều là thành qủa của một mình Satya Nadella, nhưng sẽ thật là thiếu sót nếu bỏ qua công lao của ông trong việc tạo ra những điều đó.

    Sau một chuỗi thời gian dài ngủ say, giờ đây, dưới sự thống lĩnh của Satya Nadella, gã khổng lồ Microsoft đã và đang từng bước quay lại vị thế xứng đáng của nó. Satya Nadella vẫn còn hàng tấn khó khăn trước mắt để làm được điều đó, nhưng ít nhất, ông xứng đáng để người ta đặt niềm tin vào một điều kỳ diệu.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ