Quá trình suy thoái của thị trường smartphone chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu tới "Motonovo", nhưng quá trình cải tổ và kết hợp của 2 tên tuổi hàng đầu thế giới này vẫn hứa hẹn nhiều trái ngọt bất ngờ.
Đi lên từ đống tro tàn
Không thể hồi sinh cùng Android, quá trình lao dốc của Motorola bắt đầu đạt mức đáng báo động vào năm 2011, khi tập đoàn Motorola Inc. bị chia thành 2 nửa: mảng sản phẩm người tiêu dùng tách thành Motorola Mobility, còn mảng sản phẩm doanh nghiệp tách thành Motorola Solutions.
Chỉ 6 tháng sau khi tách đôi, Motorola Mobility được Google mua lại với giá hơn 12 tỷ USD rồi tiến hành một loạt các hoạt động sa thải, cải tổ cơ cấu. Chỉ 3 năm sau đó, Google bán lại Motorola cho Lenovo với giá chỉ bằng 1/4 giá mua. Thương vụ này được công bố vào đầu năm 2014 và chính thức hoàn thành vào cuối tháng 10 năm đó. Kể từ khi về tay Lenovo, Motorola tiếp tục chịu đựng một loạt các đợt cắt giảm nhân sự và cải tổ hoạt động.
Một phần của quá khứ
Vào thời điểm huy hoàng nhất, Motorola có tới 3.800 nhân viên chính thức, trong đó có tới 2.800 người làm việc tại trụ sở đặt tại thành phố Chicago. Sau một loạt những đợt cải tổ do Lenovo thực hiện khi sáp nhập, Motorola mới đây đã mất thêm 500 nhân viên khi Lenovo thực hiện sa thải 10% nhân lực không tham gia sản xuất và 5% tổng nhân lực toàn công ty.
Tổng cộng, 3.200 vị trí của Motorola đã tan vào mây khói, trong đó bao gồm rất nhiều các vị trí tại mảng phần mềm của công ty này. Ngay đến cả các đội ngũ tài năng đã từng mang đến cho chúng ta những tính năng tuyệt vời như Moto Display, Moto Voice và Moto Assist cũng đã bị Motorola/Lenovo đóng cửa. Thế nhưng, trong hoàn cảnh đáng buồn đó, Motorola vẫn đã tạo được một bất ngờ thú vị khi mang tới một danh mục sản phẩm hoàn toàn mới được người tiêu dùng đánh giá cao. Cả 3 dòng Moto E, Moto G và Moto X đều đã đạt tới mức chất lượng đáng nể, được phát triển với tầm nhìn rõ ràng và cũng được người tiêu dùng đón nhận rất tích cực.
Đây có thể coi là minh chứng cho thấy chiến lược "tiếp quản" mà Google và Lenovo thực hiện đều đã mang lại kết quả tốt. Điều này cho phép đội ngũ Moto có thể tiếp tục giữ được tinh thần kế thừa cũng như sự ổn định thương hiệu, bất kể là Motorola có đang… gây lỗ cho công ty mẹ nào đi chăng nữa.
Sự khởi đầu tươi sáng trong năm 2015
Dù cho các dự đoán ban đầu đều cho rằng Motorola sẽ khiến cho lợi nhuận ngắn hạn của Lenovo phải chịu hậu quả nặng nề, sự thật là doanh thu từ Motorola ngay trong quý đầu tiên dưới trướng Lenovo đã tăng lên gấp đôi. Doanh số smartphone Motorola chạm mốc 10 triệu máy, và đây cũng là lần đầu tiên công ty có thể đạt được thành tích đáng nể tới như vậy.
Dĩ nhiên, những con số ấn tượng này hoàn toàn có thể được coi là "di sản" tích cực từ thời kỳ Google chứ không phải là một phép màu do Lenovo tạo nên. Nhưng rõ ràng thành công mới vẫn cho thấy Motorola có tiềm năng thực sự, và Lenovo đã lựa chọn đầu tư rất đúng đắn. Ngay cả khi không còn kho bằng sáng chế của Motorola, Lenovo có vẻ vẫn đã mua được một món hời.
Chính kho bằng sáng chế đó đã là lý do khiến Google bỏ ra tới 12,5 tỷ USD để thâu tóm Motorola vào năm 2011. Thương vụ bán lại Motorola cho Lenovo đã khiến cho Google thâm hụt tới 10 tỷ USD, nhưng gã khổng lồ tìm kiếm vẫn đã giữ lại toàn bộ 2.000 bằng sáng chế của Motorola. Bị cho là thua thiệt trong mắt nhiều người, Google vẫn khẳng định quyết định mua và bán Motorola là một thành công.
Lenovo đang nắm giữ một vị thế đặc biệt
Bạn chắc hẳn đã biết rằng Lenovo đang là nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới, và thương vụ mua lại Motorola Mobility đã nhanh chóng đưa Lenovo lên vị trí số 3 thế giới về doanh số smartphone. Trong khi Motorola/Lenovo đã nhanh chóng tụt xuống vị trí thứ 5 để nhường chỗ cho Huawei và Xiaomi, Lenovo hiện vẫn là một trong số rất ít các công ty có thể tạo ra trải nghiệm PC, tablet và smartphone đồng nhất cho người dùng.
Trong khi mảng PC của Lenovo phát triển rất mạnh, doanh số smartphone cũng đã góp phần đáng kể vào quá trình tăng trưởng của tập đoàn Trung Quốc này, đặc biệt là sau thương vụ Motorola. Tháng 2/2015, tức là 3 tháng sau khi thương vụ này hoàn tất, chủ tịch và CEO của Lenovo, ông Yuanqing Yang khẳng định với các nhà đầu tư rằng Lenovo đang hy vọng smartphone sẽ đóng góp 30% tổng doanh số 2015 cho công ty. Vào năm 2014, con số này là 25%.
Để theo đuổi mục tiêu này, Lenovo nhanh chóng đưa Motorola trở lại thị trường Trung Quốc vào ngày 26/1/2015 với sự kiện ra mắt chiếc Moto X và tiếp đó là Moto X Pro (vốn thực chất là "bình mới"của Nexus 6) và Moto G LTE. Lúc đó, Lenovo khẳng định với báo giới rằng Motorola sẽ sinh lời trở lại trong vòng từ 4 đến 6 quý tài chính.
Đáng tiếc là cuộc đời mới của Motorola tại Lenovo không êm đẹp như mong đợi.
Kỳ trăng mật kết thúc
Trong quý đầu tiên của năm tài chính 2015 (tháng 4 – tháng 6), Lenovo chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 3% so với cùng kỳ 2014, nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 80% và lãi ròng giảm 51%. Trong khi phần lớn hiện tượng này là do thị trường PC và tablet suy giảm, những người hiểu rõ tình hình thị trường smartphone hiện thời cũng hiểu rằng tốc độ tăng trưởng ngày một suy giảm cũng như quá trình cạnh tranh ngày một mạnh mẽ từ các đối thủ Trung Quốc đã khiến cho quá trình hồi sinh thần kỳ của Motorola bỗng chững lại.
Khủng hoảng tỷ giá hối đoái tại các thị trường trọng điểm của Motorola như Brazil và các quốc gia Mỹ Latin khác cũng như "những thử thách vĩ mô" đã gây ảnh hưởng trầm trọng tới quá trình kinh doanh của Motorola. Sau khi khởi đầu năm tài chính mới không thuận lợi, Lenovo đã ra tuyên bố sẽ thực hiện "những hành động rộng khắp, kiên quyết", bao gồm cả việc tái định hướng kinh doanh và cắt giảm chi phí, để trở lại với lợi nhuận, khả năng tăng trưởng lâu dài và thực hiện các mục tiêu dài hạn khác.
"Những hành động rộng khắp, kiên quyết"
Kỳ trăng mật kết thúc và những đợt sa thải hàng loạt bắt đầu diễn ra. Chủ tịch và giám đốc điều hành của Motorola Mobility, Rick Osterloh là một trong số ít những người không bị sai thải nhằm tiếp tục chiến lược quản lý cũ, nhưng những ngày tháng Motorola được phép hoạt động độc lập dưới trướng công ty mẹ đã chính thức kết thúc. Quá trình hợp nhất kinh doanh giữa bộ phận di động của Lenovo và Motorola diễn ra rất nhanh chóng và hoàn thành trong tháng 8/2015.
Dù mất thêm 20% nhân sự nhưng Motorola có vẻ đã một lần nữa là người chiến thắng trong thương vụ mới, khi trở thành "bộ máy thiết kế, chế tác và sản xuất" cho toàn bộ Nhóm Kinh doanh Di động (MBG) của Lenovo, vốn không chỉ bao gồm thương hiệu Vibe mà còn cả các thương hiệu khác như Zuk và Lemon. Trong một sự kiện đặc biệt may mắn, Motorola trở thành bộ máy sản xuất cho tất cả các thiết bị di động của Lenovo, trong khi Lenovo sẽ đóng vai trò phân phối và bày bán sản phẩm.
Những chiếc smartphone "Motonovo" đầu tiên
Trong bối cảnh này, Motorola ra mắt những chiếc smartphone đầu tiên từ sau khi về tay Lenovo, và về bản chất chúng vẫn là những chiếc điện thoại mang đậm bản sắc của Motorola. Chiếc Moto X Play, Moto X Stype (được bán tại Mỹ dưới thương hiệu Moto X Pure Edition) và thế hệ Moto G thứ 3 ra mắt vào tháng 7/2015, trong khi chiếc DROID Turbo 2 và Moto 360 thế hệ 2 cũng được đón nhận rất tốt.
Dù cho Lenovo đã tỏ ra đặc biệt kiên quyết trong việc tái cấu trúc và sáp nhập bộ phận di động của hãng này với Motorola, những chiếc smartphone Moto vẫn mang trong mình giao diện Android gần với nguyên bản đã được sử dụng từ những thế hệ đầu tiên, đồng thời giữ lại ngôn ngữ thiết kế cũ. Tương tự, những chiếc smartphone Lenovo Vibe vẫn giữ bản sắc của mình sau khi về dưới quyền kiểm soát của Motorola.
Ông Chen Xudong, phó chủ tịch của Lenovo và cũng là người đứng đầu MBG khẳng định "2 công ty phải cùng phát huy thế mạnh trên các thị trường khác nhau". Nhà lãnh đạo này cũng cho biết thương vụ sáp nhập là để nhằm thu được sự tăng trưởng có lãi, chứ không chỉ là về thị phần. Đây là một thông tin rất đáng mừng với các fan của Motorola, những người chắc hẳn đã mang nỗi sợ rằng bản sắc của Motorola sẽ bị hòa tan vào thương hiệu, thiết kế và phần mềm của Lenovo.
Đối đầu với những thách thức
Quá trình cải tổ kiên quyết của Lenovo cũng đã mang lại những hiệu quả tích cực về mạt kinh tế khi Lenovo ghi nhận những con số tích cực trong nửa sau của năm. "Trong mảng di động, chiến lược chuyển trọng tâm ra ngoài Trung Quốc đã tiếp tục có hiệu quả khi chúng tôi đạt thị phần và tăng lợi nhuận biên. Khi cải tổ đã hoàn thành, Lenovo tin rằng quá trình hồi sinh MBG sẽ tiếp tục thành công để đạt mục tiêu hòa vốn trong vòng 1 đến 2 quý tài chính", ông Yuanqing khẳng định khi công bố quý tài chính tháng 7 – tháng 9 của Lenovo.
Ngay trong quý tài chính sau đó (kết thúc vào tháng 12), Lenovo MBG đã có lãi trở lại. Khi trò truyện về tương lai của mảng di động tại Lenovo, ông Yuanqing nói một cách quả quyết rằng "Trong mảng di động, chúng tôi sẽ mở rộng quy mô và tăng hiệu quả để tăng tốc quá trình tăng trưởng tại các thị trường mới nổi, đột phá tại các thị trường bão hòa với các sản phẩm đột phá và các thương hiệu cao cấp, cùng lúc mở rộng thị trường mở tạ Trung Quốc với danh mục sản phẩm vững mạnh hơn".
Khi quá trình tích hợp 2 thương hiệu hoàn toàn khác biệt đã kết thúc một cách khá thành công, năm 2016 sẽ là một năm đầy hứa hẹn của "Motonovo". Rõ ràng là công ty Trung Quốc này đã xử lý các vấn đề trầm trọng như khủng hoảng PC, suy thoái kinh tế và khủng hoảng tiền tệ một cách tài tình, thu lợi nhuận trong gần như tất cả các quý tài chính không chỉ từ thời điểm mua lại Motorola mà còn từ khi mua lại mảng máy chủ x86 của IBM nhằm tấn công vào thị trường doanh nghiệp.
Hòa nhập làm một
Thế nhưng, khi năm 2016 mới chỉ bắt đầu được vài ngày, Motorola đã chính thức chìm vào dĩ vãng. Tại CES 2016, một vài nhà lãnh đạo của Lenovo khẳng định công ty này đang bắt đầu khai tử thương hiệu Motorola. Tuyên bố chính thức sau đó của Motorola cho thấy đây không hoàn toàn là sự thật, bởi thương hiệu Motorola vẫn sẽ xuất hiện trên các dòng modem hay đầu giải mã, nhưng smartphone của MBG sẽ sử dụng thương hiệu "Moto" ngang bằng với thương hiệu "Vibe", và thương hiệu Lenovo sẽ được chọn làm trọng tâm.
Điều này có nghĩa rằng trong năm nay chúng ta sẽ đón nhận các sản phẩm như Lenovo Moto X, Lenovo Moto G, Lenovo Moto E và Lenovo Moto 360. Các tin đồn rằng 2 dòng sản phẩm Moto G và Moto E sẽ bị khai tử là hoàn toàn không chính xác, và Lenovo cũng sẽ không phân hóa 2 thương hiệu Motorola và Vibe vào 2 phân khúc giá khác biệt nhau.
Một "Motonovo" hoàn toàn mới
2 thương hiệu Moto và Vibe sẽ cùng tồn tại, đôi khi sẽ cạnh tranh lẫn nhau nhưng vẫn sẽ phủ trên tất cả các phân khúc giá từ cấp thấp đến cao cấp, đồng thời giữ nguyên bản sắc của mình về thiết kế phần cứng và phần mềm. Các mẫu smartphone "Lenovo Moto" có thể sẽ bắt đầu xuất hiện từ tháng 9 năm nay tại sự kiện IFA hoặc sớm hơn, và chúng ta sẽ lần đầu tiên được chiêm ngưỡng một danh mục thống nhất giữa Lenovo và Motorola là như thế nào.
Tuy vậy, cũng giống như tất cả các nhà sản xuất hiện nay, Lenovo sẽ phải đối mặt với vấn đề thị trường di động bắt đầu ngừng tăng trưởng và thị trường PC, tablet thì tiếp tục suy thoái, gây ảnh hưởng trầm trọng lên tất cả các mảng kinh doanh chủ chốt. Bù lại, dự án Project Tango có sự góp mặt của Lenovo sẽ ra mắt trong năm 2016, đồng thời công ty Trung Quốc cũng có thể sẽ sớm đưa ra những bước đi mạnh mẽ trên mảng máy chủ.
Vững chân đón đầu 2016
Quá trình cải tổ và cắt giảm chi phí rất mạnh tay của Lenovo đã giúp cho công ty này có thể chống chọi tốt với cơn bão di động. Mảng PC và doanh nghiệp vẫn tiếp tục vững mạnh cùng mảng smartphone đạt được tốc độ tăng trưởng tốt trên các thị trường mới giúp cho Lenovo giữ được tình hình tài chính ổn định hơn phần lớn các nhà sản xuất phần cứng hiện nay.
Bên cạnh cơ sở tài chính vững chắc, Lenovo có vẻ cũng đã đưa ra những lựa chọn đúng khi thực hiện sáp nhập các thương hiệu của Lenovo. Thời điểm hiện tại có vẻ vẫn là quá sớm để khẳng định về kết quả, nhưng chắc hẳn nhiều người trong chúng ta vẫn đang tò mò xem liệu Motorola đã học được gì từ Lenovo và những chiếc smartphone Lenovo do Motorola thiết kế sẽ có ngoại hình như thế nào. Từ một thương vụ có vẻ như đã khiến cho cả 2 bên tham gia đều thua cuộc, Lenovo và Motorola giờ đây đã trở thành một bộ đôi mang đầy hứa hẹn cho tương lai.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming