Lái xe công nghệ của Uber, Grab hay “thợ đào” Bitcoin có thể xem là thế hệ “công nhân mới” được tạo ra trong nền kinh tế số. Một thống kê không chính thức cho thấy, 80% sinh viên, cử nhân ra trường đang tham gia vào hoạt động vận tải của Uber và Grab.
Kinh tế số, theo GS.TS. Nguyễn Đức Khương (Học viện Kinh tế IPAG, Pháp; thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng) đã xuất hiện cách đây không lâu, khoảng 20 năm. Nội hàm của nó là việc sử dụng, cải tiến công nghệ để nâng cao sức sáng tạo, năng suất lao động, giảm chi phí, tạo ra những sản phẩm, những nhu cầu sản phẩm, thậm chí chưa từng tồn tại trước đó để phục vụ con người.
Kinh tế số hoá dựa trên nền tảng là kết nối vạn vật giữa các loại hình công nghệ, công cụ sản xuất khác nhau. Chính vì vậy, bất cứ ai, chủ thể nào cũng có thể tham gia vào hệ sinh thái này. Theo đó, những người trước đây vốn là người tiêu dùng nay cũng có thể trở thành người cung cấp dịch vụ mà ví dụ điển hình như Airbnb, Uber, Grab,...
“Thế giới đang đi rất nhanh, nhanh đến mức mà không một chuyên gia hàng đầu nào đưa ra được dự báo 1 – 2 năm nữa sẽ như thế nào. Mọi thứ đều đang được thử nghiệm, phát triển”, TS. Khương nói. Và Việt Nam thực tế cũng đã bước chân vào dòng chảy này, tiếp nhận những sự thay đổi, biến chuyển, những luật chơi mới và cả những lo lắng về hệ luỵ mới, về con người.
Báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi thêm với TS. Nguyễn Đức Khương tại hội thảo "Kinh tế số hoá: Thế giới không chờ chúng ta", về những vấn đề này.
Như ông nói, thế giới đang đi rất nhanh trong nền kinh tế số, trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là chưa thoát khỏi công nghiệp 2.0, liệu chúng ta có thể bắt kịp với xu thế?
Nhiều nền kinh tế khi đi vào kinh tế số hoá cũng không trải qua một cuộc cách mạng công nghiệp nào hết, ví dụ như Singapore. Họ không tham gia vào công nghiệp 1.0 hay 2.0 mà trực tiếp đi thẳng vào và phát triển cách mạng công nghiệp 3.0 hay 4.0 một cách nhanh chóng. Nguyên nhân là họ đã tranh thủ được kinh nghiệm quốc tế, các tri thức nhân loại có sẵn.
Theo tôi, quan trọng là chiến lược chúng ta đặt ra cho mình đến đâu còn bản chất của kinh tế số hoá không yêu cầu chúng ta đầu tư rất lớn để đi vào những ngành công nghiệp cơ bản, công nghiệp nặng. Công nghiệp giờ là công nghiệp mềm, nghĩa là nguồn lực lớn nhất, cần thiết nhất là con người, là trí tuệ để để sản sinh ra những mô hình mới với tư duy cạnh tranh dựa trên tri thức, sáng tạo.
Chúng ta hoàn toàn có thể “nhảy cóc” vì công nghệ cho phép điều đó. Quan trọng là phải tìm được giải pháp hợp tác cùng các đối tác trên thế giới để bắt kịp ngay với công nghệ 4.0.
Nhắc đến kinh tế số là nhắc đến sự thay đổi nhanh chóng. Nhưng có vẻ như hành lang pháp lý lại không thể theo kịp được tốc độ này dẫn đến rủi ro lớn cho các doanh nghiệp tham gia. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?
Trong nhiều trường hợp, đặc biệt trong nền kinh tế số, thường luật đi sau các vấn đề kinh tế. Nó cần có một giai đoạn trải nghiệm, nắm bắt tình hình nghiên cứu những mâu thuẫn trong xã hội từ đấy mới ra được khung luật.
Như vậy, chúng ta cũng không nên quá vội vàng trong việc phải ra được một hành lang pháp lý rất chặt chẽ ngay bây giờ. Một hành lang rất chặt sẽ bó hẹp lại hành lang sáng tạo và phát triển của những doanh nghiệp bên trong nền kinh tế.
Cái doanh nghiệp cần là một luật chơi đảm bảo các tiêu chí, quy định quan trọng của một nền kinh tế, ví dụ như việc đăng ký kinh doanh, đóng thuế,... Sau đấy mới đến những cơ chế đặc thù hay những yêu cầu đặc biệt đối với loại hình kinh doanh mới nhằm đảo bảo sự công bằng giữa các loại hình kinh doanh. Đấy là vai trò của những nhà điều phối mà để làm được điều đó, họ phải nghiên cứu rất kỳ lưỡng mới làm được.
Nghĩa là chúng ta cần một khung pháp lý mở, cho thử nghiệm rồi mới tính đến chuyện xây dựng đặc thù sau?
Đúng như vậy. Phải quan tâm đến, thử nghiệm nghiên cứu rồi mới định hướng được môi trường hoạt động. Nếu không bám sát ngay từ đầu thì luật đưa ra hoặc rất chậm hoặc không sát với thực tiễn. Điều này là nguyên nhân khiến cho hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo bị “chết từ trong trứng nước”, đấy là điều chúng ta không mong muốn.
Vấn đề đi sau không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ngay cả các quốc gia phát triển. Thực tế cho thấy luật của những nước này cũng chậm so với sự phát triển công nghệ. Ví dụ như đồng bitcoin, hiện các ngân hàng trung ương đang tỏ ra lúng túng với đồng tiền này. Họ đang nghiên cứu, tìm hiểu xem nó vận hành, ảnh hưởng đến xã hội như thế nào, từ đấy ngăn chặn những tác động xấu, tạo sân chơi lành mạnh.
Theo ông, kịch bản nào cho Việt Nam khi tham gia vào nền kinh tế số?
Chúng ta không có một kịch bản nào khác là phải tiếp cận và đi cùng thế giới. Kinh tế số cho phép chúng ta hiện đại hoá doanh nghiệp, các phương pháp quản lý, làm việc... Chúng ta không có lý do gì để từ chối sự thuận lợi này, ngược lại phải biến nó thành điểm mạnh của Việt Nam.
Có một thực tại là hơn 80% sinh viên, cử nhân tham gia vào hoạt động của Uber, Grab. Họ được xem là đang hình thành thế hệ “công nhân mới”. Theo ông, điều này có tạo ra hệ luỵ mới cho xã hội?
Việc sinh viên đại học ra trường chọn những ngành nghề trong nền kinh tế số, như là tham gia lái xe cho Uber, Grab không phải là điều gì xấu. Ngược lại, ở họ là tính thích nghi, khả năng tiếp cận thị trường, ứng phó rất nhanh.
Thế giới đang biến chuyển từng ngày, các loại hình nghề nghiệp cũng thay đổi nhanh chóng. Một người hôm nay có thể là tài xế công nghệ Uber nhưng ngày hôm sau khi Uber không còn nữa, họ sẽ lại thích ứng với môi trường, công việc mới. Đấy chính là sự linh hoạt trong thị trường lao động.
Cái cần quan tâm là việc giáo dục, đào tạo để hướng cho người học có được những kỹ năng thích ứng với sự đổi thay, khả năng sáng tạo và hình dung ra được loại hình công việc gì đang chờ đợi mình.
Nghĩa là chúng ta không nên sợ hãi?
Đúng vậy. Thế giới cũng đang hướng đến việc đào tạo ra những người lao động như thế với tinh thần trách nhiệm, có khả năng ứng biến.
Tôi sử dụng Uber, Grab tại Việt Nam nhiều lần và thấy rõ mức độ chuyên nghiệp, khả năng tài xế nói chuyện được với người dùng dịch vụ với hàm lượng kiến thức rất cao. Đấy là những điểm tốt mà chúng ta cần phát huy hơn nữa. Yêu cầu của thế giới đã dẫn đến việc người lao động Việt Nam sẽ phải có những thay đổi hơn nữa trong cách nhận định công việc.
Cá nhân tôi nghĩ là không có nghề nào hay và hấp dẫn hơn nghề khác, quan trọng là người làm việc đó có trách nhiệm, hăng say với nghề. Mặt khác, quá trình làm việc tích cực cũng có thể mở ra cơ hội nghề nghiệp khác cho những người này. Mọi thứ là không bó hẹp nếu như người ta làm việc hăng hái và có trách nhiệm.
Xin cảm ơn ông!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín