Smartphone tân trang: Đòn phủ đầu quá khủng khiếp của Apple và Samsung dành cho các ông lớn Trung Quốc
Xu thế gia tăng chi tiêu cho smartphone của người tiêu dùng sẽ buộc các hãng Trung Quốc trong top thế giới như Huawei, Xiaomi, OPPO và Vivo phải có ngày đấu trực diện với Apple. Cuộc đối đầu này đã diễn ra sớm hơn rất nhiều so với dự định, nhờ vào một mảng thị trường chẳng mấy ai để ý tới.
2 cái tên quen thuộc
Trong một tuần lễ tưởng chừng yên ắng của thế giới công nghệ, Counterpoint Research bỗng chốc công bố một thông tin khiến nhiều người bất ngờ: thị trường smartphone "tái chế" (refurbished) đã tăng trưởng tới 13% trong năm qua, cán mốc 140 triệu đơn vị. Đó là một con số quá khủng khiếp: 140 triệu smartphone tân trang bán ra tương đương với 10% tổng lượng smartphone xuất xưởng trên toàn cầu trong cả năm 2017 và cũng ngang ngửa với tổng lượng smartphone Apple và Samsung bán ra trong mùa mua sắm béo bở cuối năm.
Nhưng đáng ngạc nhiên hơn cả là thế thắng tuyệt đối của Apple: "Thị trường trung, thấp cấp đang bị gây ảnh hưởng nặng nề bởi những chiếc smartphone cao cấp tân trang, chủ yếu là Apple iPhone và tiếp đó, ở mức độ thấp hơn rất nhiều, là smartphone Samsung Galaxy", giám đốc Counterpoint, Tom Kang.
Minh chứng cho sức mạnh
Không phải vô cớ mà chỉ có duy nhất Apple và Samsung được kể tên trong báo cáo của Counterpoint về hàng tân trang. Bất chấp sự trỗi dậy của các ông lớn Trung Quốc như Huawei, Xiaomi và BKK (OPPO, Vivo), Apple và Samsung vẫn là những tên tuổi duy nhất dám công bố doanh số smartphone cao cấp. Trong một chiến trường mang đậm tính cạnh khóe, việc duy nhất 2 ông lớn dám công bố về doanh số smartphone trên 400 USD có một ý nghĩa quan trọng: Apple và Samsung vẫn là 2 kẻ duy nhất ăn nên làm ra ở phân khúc cao và cận cao cấp.
Vị thế đó lý giải vì sao Apple và Samsung thống trị thị trường refurbished: nếu như giá bán smartphone mới của các hãng Trung Quốc đã khá thấp, người tiêu dùng chẳng có lý do gì để mua hàng tái chế từ các hãng này cả. Chỉ có duy nhất hàng cao cấp tân trang là đáng để thèm muốn. Rõ ràng là hàng tân trang vẫn không thể hoàn hảo như hàng cao cấp, và để giảm thiểu cảm xúc tiêu cực, người tiêu dùng cần có sự an tâm từ các thương hiệu lớn, đặt mục tiêu trải nghiệm cao cấp và khác biệt hơn là tăng trưởng nóng doanh thu (như Huawei, Xiaomi hay OPPO/Vivo).
Một điểm vượt trội khác của Apple và Samsung nằm ở khả năng nâng cấp phần mềm: iPhone tân trang vẫn sẽ luôn được tận hưởng iOS mới nhất. Samsung dù không thể bắt kịp tốc độ cập nhật của Apple nhưng vẫn có mức độ cam kết nhất định dành cho các dòng S/Note (2 năm trở lên). Với các hãng Trung Quốc vốn luôn "đắp" ROM của mình lên Android, vừa đảm bảo cập nhật và vừa giữ giá thấp sẽ là điều không thể.
Miếng bánh béo bở
Thị trường tân trang thực chất tiềm ẩn rất nhiều giá trị. Đầu tiên, Apple và Samsung có thể thu hút những người dùng không thực sự dư dả kinh phí đến với smartphone "cao cấp" mà không lo làm hại đến doanh số sản phẩm chính thống (đối tượng thực sự của phân khúc giá cao sẽ không có nhu cầu mua hàng refurbished). Tiếp đến, "tân trang" cũng chưa chắc tiêu tốn nhiều chi phí cho các bậc thầy chuỗi cung ứng như Samsung và Apple: họ đã có sẵn dây chuyền sửa chữa/thay thế, đã có sẵn nhân lực và trong rất nhiều trường hợp chỉ cần thay pin, "đánh bóng" cho những chiếc smartphone vẫn còn tốt.
Thực tế là Apple và Samsung đang tìm đủ cách khai thác thị trường tân trang. 2 gã lớn đã mở bán hàng refurbished từ 2016. Trong 2 năm vừa qua, họ cũng đã liên tục ra mắt các chương trình "thuê" smartphone, trong đó người dùng chỉ cần trả phí nhỏ hàng tháng là sẽ được đảm bảo luôn được đổi mới smartphone khi có thế hệ mới ra mắt. Ví dụ, nếu bạn tham gia chương trình của Apple, ngay khi iPhone X II ra mắt bạn chỉ cần trả lại iPhone X để được chuyển sang dùng thế hệ mới. Dĩ nhiên, chiếc X cũ của bạn sẽ đi vào... xưởng tân trang.
Nhìn về tương lai
Màu mỡ đến vậy nhưng giá trị lớn nhất của smartphone refurbished không dừng ở tương lai. Thị trường trong những năm vừa qua đã liên tục chứng kiến một xu thế riêng: khi người dùng Trung Quốc nói riêng và người dùng smartphone toàn cầu nói chung đang chấp nhận chi tiêu ngày một nhiều hơn cho smartphone của họ, sớm hay muộn Xiaomi, Huawei và OPPO/Vivo/OnePlus cũng phải tìm ra cách cạnh tranh ngang ngửa với Apple và Samsung trên các mức giá cao cấp. Tất cả các bên đều đang tích cực chuẩn bị cho cuộc đối đầu tất yếu này.
Theo phỏng đoán của nhiều người sẽ nghĩ, cuộc đối đầu đó sẽ phải mất tới vài năm nữa mới diễn ra. Ví dụ, hiện nay OPPO, Samsung hay Vivo vẫn chủ yếu tập trung vào phân khúc giá khoảng 400 USD (Galaxy A8, OPPO R11s, Vivo V7 ), vốn là khung giá Apple chẳng mấy mặn mà. Chỉ số ASP (giá bán trung bình) tại Trung Quốc và trên toàn cầu sẽ phải tiếp tục tăng để các hãng có thể chính thức đối đầu với nhau trên phân khúc cận cao cấp.
Công bố của Counterpoint đã thay đổi tất cả: Apple và Samsung dùng smartphone tân trang để gây ảnh hưởng lớn đến smartphone trung/thấp – vốn là thị trường chủ đạo của các hãng Trung Quốc – cho thấy cuộc chạm trán đã diễn ra từ ngay bây giờ. Và đòn đánh của những kẻ thống trị hóa ra lại không phải là những dòng sản phẩm mới.
Với tương lai xa, một chiếc iPhone X tân trang có thể là chìa khóa tới iPhone X 2, X3 mới hoàn toàn khi chỉ số ASP tiếp tục gia tăng. Nhưng với ngay cả hiện tại và tương lai gần, sức công phá nặng nề của smartphone tân trang sẽ là vô cùng khủng khiếp: giá smartphone càng cao thì lợi nhuận càng lớn, giá smartphone càng thấp thì điều kiện sống sót càng ngặt nghèo. Bằng chiếc chìa khóa mới được khai phá, Apple và Samsung có thể kìm kẹp các đối thủ của mình ở các phân khúc dưới khi chưa cần phải ra mắt SE 2 hay S9 Mini.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập
Meta đang gặp sự cố ngừng hoạt động lớn trên tất cả các nền tảng của mình, bao gồm Facebook, Instagram, Threads, Messenger và WhatsApp.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời