Tiếp tục một lần nữa nhân loại được chứng kiến những thành tựu kỳ diệu giao thoa giữa y học và khoa học hiện đại.
Trong một nỗ lực đột phá mới nhất của ngành y học, các bác sỹ và chuyên gia nghiên cứu đã giúp cho một bệnh nhân bị chẩn đoán tổn thương dây cột sống, phải nằm liệt giường có thể đi lại bình thường nhờ vào quá trình tập luyện với công nghệ khung hỗ trợ tích hợp kết nối với não bộ của họ.
Cụ thể, các nhà khoa học đã dành ra nhiều thời gian đầu tư, phát triển dự án "Walk Again", khởi nguồn từ Sao Paolo, Brazil, nhằm mục đích điều trị các bệnh nhân liệt với thiết kế khung hỗ trợ điều khiển bằng ý nghĩ.
Thật bất ngờ, sau một thời gian thử nghiệm và tập luyện, cả 8 bệnh nhân đều đã dần lấy lại được cảm giác di chuyển mà trước đây chưa từng có cơ hội được cảm nhận.
Được biết, dây thần kinh kết nối đến cột sống của 7 người trong đó đều đã bị tổn thương nặng nề trong quá khứ. Nhưng những chuyên gia lại nhận thấy một vài tế bào thần kinh trong số đó đã "hồi sinh" lại sau quá trình tập luyện, nối lại liên kết tín hiệu với bộ não.
Trích lời phát biểu của đội ngũ nghiên cứu trên Scientific Report: "Mặc dù một bệnh nhân ban đầu còn không thể đứng được khi có sự trợ giúp bởi thanh đỡ và đặt vào tư thế đứng thẳng lý tưởng nhất, nhưng sau 10 tháng liên tục luyện tập, người ấy đã dần tự bước được những bước đi đầu tiên trở lại, dù vẫn phải dùng vài thiết bị hỗ trợ và một phương pháp điều trị đặc biệt nữa."
"Trong giai đoạn này, bệnh nhân sẽ được định hướng bản thân tự kiểm soát chuyển động của đôi chân theo động tác đi bộ thông thường, trong khi được nâng lên lơ lửng trong không trung."
"Một trường hợp khác, bệnh nhân thứ 7 lại có thể tự đi với hai thanh nạng và công cụ hỗ trợ chân, không cần đến bất kỳ nhà trị liệu nào cả."
Giáo sư Miguel Nicolelis, giám đốc Trung tâm Công nghệ Thần kinh của Đại học Duke (Mỹ), đã cho biết rằng 7 bệnh nhân trước đó đã được chẩn đoán là bị liệt hoàn toàn, nhưng nay chỉ bị coi là liệt một phần cơ thể mà thôi.
"Thậm chí những tác động phục hồi vẫn còn chưa được thể hiện ra hết," ông chia sẻ thêm.
Ông cũng đề cập đến việc đội ngũ nghiên cứu chưa từng nghĩ rằng họ có thể thành công trong lĩnh vực này, đồng thời bộc lộ rõ vẻ hào hứng, phấn khởi của mình khi chứng kiến một bước tiến ghi dấu vào lịch sử y học.
Quá trình luyện tập bao gồm việc những bệnh nhân trên áp dụng công nghệ thực tế ảo để điều khiển một hình mẫu số hóa trên máy tính tích hợp cùng một giao diện mô phỏng não bộ. Do đó, khi họ nghĩ đến việc di chuyển về phía trước, hình mẫu đó cũng chuyển động tương tự như thể đó chính là cơ thể của họ vậy.
Sau đó, nền tảng công nghệ tương tự đã được áp dụng để kiểm soát robot, rồi cuối cùng là khung hỗ trợ được thiết kế cho các bệnh nhân gắn lên người.
Trong lễ khai mạc FIFA World Cup 2014 tại Brazil, một người đàn ông trẻ bị bại liệt gần như toàn thân (từ ngực trở xuống) đã trở thành một biểu tượng mạnh mẽ, đầy ý nghĩa khi biểu diễn mở đầu sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này nhờ vào một hệ thống khung hỗ trợ tương tự.
"Giải thích cho những kết quả tích cực trên, điểm mấu chốt nằm ở những nỗ lực luyện tập lâu dài với nền tảng số đa dạng bao gồm cả giao diện thực tế ảo, điều khiển robot và khung hỗ trợ, từ đó kích thích phục hồi một phần tế bào thần kinh, tác động bởi cả những chức năng tương tự trong nội tạng, cảm giác, xúc giác và cơ thần kinh vận động," trích lời Giáo sư Nicolelis.
"Mặc dù mọi bằng chứng y khoa trước đó đều cho thấy tiền sử hơn một thập kỷ trước hứng chịu nỗi đau liệt toàn thân, nhưng có vẻ như không phải mọi kết cấu dây thần kinh đều bị mất tác dụng. Một vài trong số đó vẫn còn có khả năng được hồi phục và do đó đã 'ngủ yên' hàng năm qua."
"Với cơ chế khai thác tín hiệu não bộ để điều khiển trực tiếp thiết bị, đồng thời cũng cung cấp những phản hồi giác quan nhanh chóng nhất liên quan đến tiến triển của bệnh nhân, chúng tôi có lẽ đã thật sự tác động, tái cơ cấu lại được một phần vỏ não của bệnh nhân."
"Như thể chúng tôi đã 'tái khởi động' lại những tế bào dây thần kinh của cột sống vậy, đi kèm với hàng loạt những tín hiệu phản ứng từ vỏ não, qua đó cho thấy họ thực sự đang tự đi bộ được trở lại."
Những chức năng khung xương chậu và tim mạch của bệnh nhân cũng được cải thiện đáng kể, góp phần giảm thiểu chứng tăng huyết áp. Tiềm năng của phương pháp này cũng chưa được đánh giá chính xác vì những dữ liệu thu thập vẫn đang tiếp tục biến chuyển.
"Cho tới hiện nay, một khi được chẩn đoán tình trạng bại liệt, những bệnh nhân đó thường sẽ phải gắn bó với chiếc xe lăn suốt phần đời còn lại," Giáo sư Nicolelis diễn giải. "Do vậy, chúng tôi tin rằng khám phá của mình về lâu dài sẽ không chỉ đóng vai trò như một công cụ phục hồi hiệu quả, mà còn là phương pháp đột phá tạo tiền đề cho những phát kiến hứa hẹn khác liên quan đến dây cột sống."
"Đây quả thực là chặng đường đầy xứng đáng, trải qua một quá trình dài 15 năm làm việc và thí nghiệm lần đầu tiên trên loài vật, để rồi cũng tìm ra chìa khóa then chốt trong cơ chế vận hành của não bộ."
"Dự án 'Walk Again' cùng những chuyên gia xuất chúng đã và đang tạo nên tầm ảnh hưởng quan trọng trong công cuộc hỗ trợ người khuyết tật khắc phục nhược điểm cơ thể của mình. Được ngắm nhìn khuôn mặt hạnh phúc của họ khi có lại cảm giác bước đi trên đôi chân của chính mình là niềm động lực lớn nhất của chúng tôi."
Tham khảo: Independent.co.uk
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI