Bất kể bạn có ăn bao nhiêu suất gà rán trong KFC, trên hành tinh luôn còn hơn 23 tỷ con gà vẫn đang sống.
Chúng ta đang sống trên hành tinh của những con gà. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Royal Society Open Science, số lượng gà nuôi lấy thịt trên toàn thế giới đã nhiều gấp 3 lần tất cả các loài chim hoang dã cộng lại.
Gà cũng là loài động vật có xương sống nhiều nhất trên thế giới. Bất kể bao nhiêu suất gà rán được tiêu thụ trong 25.500 cửa hàng trên thế giới ngày hôm nay, tháng này thậm chí cả năm trời, trên Trái Đất lúc nào cũng còn hơn 23 tỷ con gà vẫn đang sống.
Với số lượng cá thể gấp hơn 3 lần con người, gà mới là loài động vật biểu tượng cho Anthropocene – kỷ nguyên địa chất mới trên hành tinh tính từ thời điểm con người tạo ra những thay đổi mạnh mẽ vào lớp vỏ Trái Đất.
Anthropocene còn được gọi là thế Nhân sinh hay kỷ nguyên của loài người. Vậy mà chớ trêu thay, "bạn có thể nói chúng ta đang sống trên hành tinh của những con gà", tiến sĩ Carys Bennett, nhà địa chất học tại Đại học Leicester, người dẫn đầu nghiên cứu cho biết.
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của những con gà
Gà và những con số
Theo thống kê trong nghiên cứu, mặc dù được nuôi và giết mổ liên tục, trên hành tinh lúc nào cũng tồn tại 23 tỷ con gà. Đó là chưa kể đến khoảng 65,8 tỷ con gà bị giết mổ mỗi năm. Trong so sánh, số lượng lợn và bò bị giết mổ lần lượt chỉ dừng lại ở 1,5 tỷ con và 300 triệu con.
Số lượng cửa hàng bán gà rán trên toàn thế giới là 25.500, con số này mới chỉ tính đến những cửa hàng có thương hiệu nổi tiếng và phổ biến.
Khoảng 70% gà trên khắp hành tinh là loại nuôi để lấy thịt và được vỗ béo nhanh chóng. Vòng đời của một con gà nuôi lấy thịt rất ngắn ngủi, chỉ khoảng từ 5-7 tuần. So với năm 1950, chúng ta đã nuôi gà nhanh gấp 5 lần, đồng nghĩa với cuộc sống của chúng cũng bị rút ngắn đi 5 lần.
Trong thế kỷ 19, có khoảng 3-5 tỷ con bồ câu đưa thư tồn tại trên hành tinh, biến nó trở thành loài chim hoang dã đông nhất trên Trái Đất. Nhưng bây giờ, toàn bộ lượng chim bồ câu này đã tuyệt chủng. Và danh hiệu thống trị thế giới bây giờ được chuyển sang cho những con gà.
Mật độ "thống trị" của loài gà trên khắp thế giới - Robinson et al 2014
Sự "tiến hóa" của loài gà
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Royal Society Open Science, các nhà khoa học đã sử dụng hồ sơ khảo cổ để đánh giá sự thay đổi của loài gà trong những năm gần đây. Thông thường, sự thay đổi từ quá trình tiến hóa của một sinh vật phải mất hàng triệu năm mới có thể quan sát rõ rệt. Nhưng những con gà thì khác, chúng đã thay đổi quá nhanh.
Những con gà thịt hiện đại có bộ xương siêu lớn. Phân tích thành phần hóa học của xương chỉ ra sự đồng nhất trong chế độ ăn của chúng. Điều này cũng có nghĩa là đa dạng di truyền của những con gà đã bị suy giảm đáng kể. Bạn có thể vào một trang trại nuôi gà và thấy con nào cũng giống con nào.
Gà thịt hiện đại có kích thước to gấp đôi những con gà thời trung cổ. Bởi chúng được nhân giống cho một mục đích duy nhất: tăng cân nhanh. Tốc độ tăng trưởng của gà đã tăng vọt từ nửa sau thế kỷ 20. Những con gà hiện tại được vỗ béo nhanh gấp 5 lần so với năm 1950.
Chúng ta đã thay đổi gen của chúng để làm biến đổi quá trình trao đổi nhất. Điều này khiến những con gà luôn luôn đói, ăn nhiều và phát triển nhanh hơn.
Hơn nữa, toàn bộ vòng đời của những con gà đều bị đưa vào những cỗ máy tua nhanh của con người. Ví dụ, trứng gà bây giờ được ấp trong các lồng ấp có nhiệt độ và độ ẩm được điều chỉnh tối ưu. Ngay khi những con gà con nở ra, chúng được cho sống trong chuồng chiếu sáng liên tục để tối đa hóa thời gian ăn.
Kết quả là chỉ từ 5-7 tuần tuổi, những con gà đã sẵn sàng để giết mổ. Những lò mổ với nhiều công nghệ hỗ trợ ngày nay cho phép chúng ta thịt hàng ngàn con gà mỗi giờ.
Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng về sự tăng trưởng phi thường của loài gà trong xương của chúng, những bộ xương to nhưng bị loãng và thường biến dạng.
Tăng trưởng quá nhanh ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và khả năng sinh tồn của gà nuôi thịt. Nếu sau 7 tuần mà bạn không giết mổ chúng, rất nhiều con gà cũng không thể sống sót quá 1 tháng, bởi cơ thể to lớn sẽ khiến chúng dễ chết vì suy tim và suy hô hấp.
Tương quan kích thước và cân nặng của những con gà nuôi thịt từ thập niên 50 đến đầu thế kỷ 21
Gà: một biểu tượng của thế Nhân sinh
Gà nhà hoặc gà nuôi thịt bây giờ đều có nguồn gốc từ những con gà rừng đỏ sống ở Đông Nam Á. Hơn 8.000 năm về trước, gà rừng được thuần hóa và bắt đầu xâm chiếm thế giới. Chúng được con người nuôi để lấy thịt và trứng.
Thế nhưng, phải tới năm 1950, lượng gà trên Trái Đất mới tăng mạnh cùng với sự gia tăng của dân số con người. Lượng tiêu thụ thịt gà ngày càng tăng lên, khi chúng trở nên rẻ, dễ ăn và nhiều người có xu hướng chuyển từ thịt đỏ sang thịt trắng với mong muốn bảo vệ sức khỏe và cả môi trường.
Vậy là, mỗi khi một con gà bị giết mổ, xương của chúng sẽ nằm lại trong các trang trại hoặc bãi chôn lấp trên toàn thế giới. Chúng sẽ có cơ hội trở thành hóa thạch trong nay mai, như là một biểu tượng của hành tinh và sinh quyển Trái Đất.
Cùng lúc đó, con người đang bước vào kỷ nguyên Anthropocene, hay còn gọi là thế Nhân sinh, thời kỳ mà hoạt động của con người bắt đầu gây ra những sự thay đổi mạnh mẽ vào vỏ Trái Đất, khí hậu và môi trường.
"Các hoạt động của con người đã làm thay đổi cảnh quan của Trái Đất, đại dương, khí quyển và phần vỏ hành tinh", tiến sĩ Bennett nói. "Là loài động vật có xương sống trên cạn đông nhất, và với cấu trúc sinh học bị con người định hình, những con gà hiện đại đang là một biểu tượng của sinh quyển đã bị chúng ta thay đổi".
Tương quan kích thước xương của gà nuôi thịt hiện đại (bên trái) và gà rừng Đông Nam Á ở 8.000 năm trước (bên phải)
Có thể tưởng tượng, khi thế hệ tương lai khảo tra lại những hóa thạch trong thời đại chúng ta, họ sẽ tìm thấy "những lon nước ngọt, chai thủy tinh, những mẩu vật liệu nhựa và trong số đó có cả xương gà", tiến sĩ Bennett cho biết thêm.
Sự "thống trị" của loài gà trên hành tinh chúng ta sẽ vĩnh viễn được in lại trong đá. Và giả sử một ngày chúng ta có tuyệt chủng, một nền văn minh ngoài hệ Mặt Trời tìm đến Trái Đất và lục lọi lại những hóa thạch này.
Biết đâu, họ sẽ hiểu lầm rằng đây từng là một hành tinh của những con gà.
Tham khảo BBC, Vox, Theconversation
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming