Bức ảnh chụp về một vật thể kỳ lạ có hình dạng trông giống như 'xương người' trên bề mặt Sao Hỏa đã được NASA giải mã
Vào 14/8/2014, xe tự hành Curiosity của NASA đã gửi về Trái Đất một số hình ảnh chụp cận cảnh bề mặt sao Hỏa, vốn được ghi lại bởi siêu máy ảnh MastCam tích hợp trên xe. Trong số các hình ảnh được NASA đăng tải, ảnh chụp một vật thể kỳ lạ có hình dạng giống như một khúc xương người nhô ra từ lớp cát trên bề mặt Sao Hỏa đã lập tức thu hút được sự chú ý.
Vào thời điểm đó, một số người tin vào thuyết âm mưu từng coi đây là bằng chứng rõ nét nhất về sự tồn tại của sự sống trên Hành tinh đỏ. Sau 6 năm, hình ảnh này lại một lần nữa xuất hiện trở lại và nhanh chóng được chia sẻ nhiều lần trên các MXH và một số diễn đàn mạng, theo ScienceAlert.
Tảng đá bị nghi là xương người trên bề mặt Sao Hỏa. (Ảnh: NASA)
Tuy nhiên, theo khẳng định của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA), vật thể kỳ lạ này thực tế chỉ là là một tảng đá đã biến dạng sau một thời gian bị gió hoặc nước trên Sao Hỏa bào mòn.
"Đây là bức ảnh được xe tự hành Curiosity chụp bằng camera MastCam. Tảng đá trên bề mặt Sao Hỏa này có thể trông hơi giống một khúc xương đùi. Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu của chúng tôi cho rằng hình dáng của tảng đá này có thể được tạo ra từ quá trình bào mòn của gió hoặc nước", NASA viết trên trang chủ của mình.
"Nếu sự sống từng tồn tại trên sao Hỏa, các nhà khoa học tin rằng nó tồn tại ở dạng vi sinh vật, do trên hành tinh này không có đủ lượng oxy để nuôi sống những sinh vật phức tạp hơn. Vì vậy, ít có khả năng tồn tại các hóa thạch có kích thước lớn ở đây", NASA giải thích.
Nhìn ngược lại lịch sử, các nhà khoa học đã chụp được nhiều thứ kỳ lạ trên sao Hỏa, từ một chiếc thìa, con sóc, những quả việt quất cho tới bóng người phụ nữ… nhưng không ai dám chắc chúng có thật hay không.
Bức ảnh do NASA công bố vào năm 1976 cho thấy một 'khuôn mặt' nổi hẳn lên trên bề mặt Sao Hỏa
Vào năm 1976, một bức ảnh do tàu vũ trụ Viking của Mỹ chụp bề mặt Sao Hỏa đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Tàu vũ trụ của NASA vào thời điểm đó đã chụp hình một gương mặt nhô lên trên bề mặt sao Hỏa, với hai mắt, mũi và mồm. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thậm chí đã sử dụng cụm từ "mặt người Sao Hỏa" khi nói về hình ảnh trên.
Tuy nhiên, những bức ảnh chụp có độ phân giải cao sau đó hàng chục năm cho thấy, ‘mặt người Sao Hỏa’ thực chất là một quả đồi có chiều dài lên tới gần 3,2 km với nhiều chỗ lồi lõm mà thôi.
Vào ngày 5/9/2007, xe Spirit của NASA cũng đã chụp 1 bức ảnh góc rộng trên Sao Hỏa và vô tình ghi lại được 1 cảnh tượng kỳ lạ: 1 vật thể có hình thù kì lạ, giống như người phụ nữ đang ngồi trầm ngâm vậy. Tuy nhiên, đây thực chất chỉ là 1 phiến đá có hình dạng gần giống người.
Một tảng đá có hình thù như một cô gái đang ngồi trầm ngâm trên Sao Hỏa
Theo lý giải của ScienceAlert, việc một số người ‘nhìn nhầm’ tảng đá trên Sao Hỏa thành những vật thể kỳ lạ là do ảnh hưởng bởi hội chứng Pareidoila. Đây là hội chứng ám ảnh tâm lí về những thứ gì đó quen thuộc với bản thân, vốn thường xảy ra khi một số phần của não xử lý thông tin thị giác và đưa ra kết luận trước khi phần còn lại của não bắt kịp.
Tham khảo Science Alert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"