Sự thay đổi về ngoại hình của những siêu anh hùng như Superman, Batman chính là tấm gương phản chiếu về cái gọi là chuẩn hình thể của nam giới trong từng giai đoạn phát triển của văn hoá đại chúng Mỹ.
Cứ mỗi dịp hè đến, người hâm mộ điện ảnh lại có dịp được gặp mặt với một loạt những nhân vật bước ra từ nguyên mẫu truyện tranh . Trào lưu phim chuyển thể từ truyện tranh siêu anh hùng đang lên đến mức đỉnh cao của biểu đồ chóp nhọn. Tại thời điểm này, các hãng phim đã khai thác đủ từ các nhân vật hạng A như Superman , Batman , Spider-Man , The Hulk cho đến hạng B như Iron Man (trong truyện tranh Iron Man không được độc giả mến mộ nhiều như bản điện ảnh), Thor , Daredevil và giờ là cả hạng C như Ant-Man , Deadpool , Guardians of the Galaxy ....
Một trong số những điều dễ nhận dạng nhất cho thể loại phim này là các diễn viên nào muốn vào vai người hùng thì đều phải trải qua quá trình tập luyện, dinh dưỡng chi tiết để có cơ thể phù hợp với bộ đồ bó. Với khán giả ngày nay thì việc này đã trở thành hiển nhiên nhưng trong quá trình phát triển của phim siêu anh hùng qua các thời kỳ thì không phải lúc nào cũng như vậy. Trong một biểu đồ mà tờ The Economist đã đưa ra, hai diễn viên vào vai Batman của thế kỷ trước là Adam West và Michael Keaton có cân nặng vào lúc đóng phim lần lượt là 90 và 67 kg. Cả hai đều chỉ là người tí hon nếu đứng bên cạnh Batman nặng 97kg của Ben Affleck .
Thực ra, sự thay đổi về ngoại hình của những siêu anh hùng như Superman, Batman chính là tấm gương phản chiếu chuẩn hình thể của nam giới trong từng giai đoạn phát triển của văn hoá đại chúng Mỹ.
Phim siêu anh hùng bắt đầu được công chúng ưa thích vào những năm của thập niên 50 và 60 thế kỷ trước. Cho dù những người hùng thời kỳ này đã biết nhảy qua nhà cao tầng, tay không chặn đứng cả đoàn tàu nhưng cơ thể của họ thì vẫn khác xa so với các người hùng thời nay. Kirk Alyn, người đầu tiên vào vai Superman năm 1948 trông giống một vận động viên điền kinh hơn là một nam thần Hy Lạp mà Henry Cavill đã cho chúng ta thấy hiện nay. George Reeves, diễn viên thủ vai Superman thành công nhất trong thập niên 50 thì có bờ vai rộng, ít cơ bắp, thân trên góc cạnh, cả chân và tay đều dài khúc khửu. Tuy nhiên, nhờ vào nét nam tính kiểu John Wayne (siêu sao của dòng phim cao bồi) , quai hàm bạnh và thần thái chín chắn, ngoại hình của George Reeves lại rất mốt vào thời điểm đấy.
Năm 1966, Adam West thủ vai Batman trong series truyền hình cùng tên. Hình thể của West vừa dìm bộ trang phục và ngược lại bộ trang phục cũng dìm cơ thể của ông. Phiên bản Batman này thì giống với James Bond nhiều hơn. Bản thân Adam West cũng được chọn làm Batman sau khi đóng một clip quảng cáo mang phong cách 007. Sau này, chính West cũng nói đùa khi lồng tiếng vai cameo trong Gia Đình Simpson rằng "thời của tôi không cần đến trang phục có đệm lót, tôi cứ là tôi thôi".
Không giống như những Batman sau này, West không tham gia một quá trình huấn luyện thể hình nào để đóng phim.
Lúc đó Hollywood vẫn chưa phát hiện ra loại vải bó đàn hồi nên các bộ đồ siêu anh hùng chủ yếu làm bằng vải len. Loại vải này ít khi phô ra được đường nét cơ thể của người mặc. Trong thập niên 60, nam giới trưởng thành Mỹ có chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) là 25, ở giữa mức cơ bắp và béo. Nam giới trưởng thành Mỹ hiện nay có BMI là 29, nhiều cơ bắp hơn nhiều so với thời xưa.
Tuy nhiên, bước sang thập niên 70 và 80, công nghệ dệt may phát triển bùng nổ. Spandex, polyester và Lycra được cải tiến lại và trở niên thông dụng khi kỷ nguyên nhạc disco bắt đầu. Đó cũng là khi các bộ đồ siêu anh hùng bắt đầu sử dụng loại vải bó, nhằm nhấn mạnh đường nét hình thể người mặc. Thời kỳ này được đánh dấu bởi sự xuất hiện của Christopher Reeve trong vai Superman.
Nhà sản xuất khá quan ngại về ngoại hình cao mảnh khảnh của Reeve nên đã yêu cầu ông mặc bộ đồ lót miếng cơ bắp giả. Tuy nhiên, Reeve từ chối và mời hẳn một chuyên gia thể hình về huấn luyện cho mình. Hình thể của Superman thời kỳ này đại diện cho phong trào chạy việt dã và những băng hướng dẫn aerobics của nữ minh tinh Jane Fonda đang rất thịnh hành hồi thập niên 80.
Trước khi khởi quay, Reeve tăng 13,5 kg, bờ vai khoẻ khoắn, đường nét cơ bắp rõ ràng.
Năm 1991, làn sóng alternative rock bắt đầu đổ bộ vào các con phố ở Seattle. Khuyên mũi, tóc màu neon và quần áo thụng xuất hiện khắp nơi trên các con phố. Hình mẫu nam tính điển hình của thời kỳ này là Kurt Cobain . "Anh ấy là phản đề của hình mẫu nam tính kiểu Mỹ, Kurt là tác nhân khiến cho kiểu người mảnh khảnh và mềm mại trở nên ngầu hơn, bất kể bạn là nam hay nữ", ký giả Alex Frank nói với tờ Vogue. Đó cũng là thời kỳ mà các nữ chính màn ảnh chuộng ngoại hình kiểu "người dây".
Đó cũng là khi khán giả được thấy Brandon Lee vào vai siêu anh hùng The Crow. Với phong cách u ám và thân hình khẳng khiu, The Crow giống như Batman phiên bản bị kéo dãn ra. Cho dù Brandon Lee đã không may qua đời trên phim trường nhưng thành công phòng vé vẫn khiến cho các nhà sản xuất tiếp tục thúc đẩy phần hai. Cùng thời điểm đó, nhân vật The Sandman của Neil Gaiman do hãng Vertigo phát hành cũng cực kỳ được mến mộ. Sandman, hay còn gọi là Dream có ngoại hình đối lập hoàn toàn với Superman với tóc dài rối bù, da trắng bệch, dáng đi cao gầy, mảnh khảnh. Tuy nhiên, do không thể có được một kịch bản ưng ý nên dự án chuyển thể của The Sandman đã bị huỷ vào năm 1998.
Brandon Lee là con trai duy nhất của huyền thoại Lý Tiểu Long
Nhắc đến ngoại hình của siêu anh hùng thập niên 90 cũng không thể bỏ qua Batman and Robin, bộ phim Batman sặc sỡ nhất mà Warner Bros từng sản xuất. Trang phục phô cơ bắp quá đà của bộ phim cho đến nay vẫn còn là đề tài chế giễu của cộng đồng fan. Thậm chí show hoạt hình Ren and Stimpy đã giới thiệu Powdered Toast Man, một siêu anh hùng giọng chua loét có câu nói thương hiệu là "hãy bám chặt lấy cái mông tôi", nhại lại cách nói của George Clooney trong Batman and Robin.
Bước sang thế kỷ mới, hình thể của siêu anh hùng trên phim cũng trở nên đa dạng hơn. Trong bộ phim Watchmen năm 2009, khán giả biết đến hai nhân vật là Tiến sĩ Manhattan - được ghép bằng đồ hoạ phần thân từ cổ trở xuống của chuyên gia thể hình Greg Plitt và siêu anh hùng tuổi tứ tuần Nite Owl – người mặc một bộ đồ có cơ bắp tạc sẵn. Cả hai nhân vật này đều không hề bị đem ra làm đề tài chế giễu mà còn ngược lại. Họ đều được nữ chính quyến rũ đem lòng yêu và được các fan thấu hiểu và tôn trọng. Điều này cho thấy người xem có thể chấp nhận một siêu anh hùng lãng mạn có bất kỳ ngoại hình nào, miễn sao là đạo diễn biết xử lý đúng cách.
Sang thập niên tiếp theo, Marvel Studio và MCU ( Vũ trụ Điện ảnh Marvel ) đưa dòng phim siêu anh hùng trở nên bùng nổ hơn bao giờ hết. Ngoại hình của những người hùng như Captain America ( Chris Evans ), Iron Man ( Robert Downey Jr ) và gần hết những thành viên còn lại trong nhóm Avengers đều theo một chuẩn giống nhau như đúc từ một khuôn ra. Kể cả những nhân vật hài hước và lầy lội như Deadpool ( Ryan Reynolds ) hay Peter Quill ( Chris Pratt ) cũng có đầy đủ sáu múi. Trong Deadpool 2 , nhân vật Firefist còn mỉa mai rằng "nghề này đòi hỏi chuẩn ngoại hình cao" khi nói về việc làm siêu anh hùng.
Làm siêu anh hùng giống như trúng gói phẫu thuật thẩm mỹ vậy đó
Tới đây, bộ phim Aquaman của đạo diễn James Wan sắp xửa ra rạp. Với bối cảnh phần lớn nằm ở dưới đáy đại dương và lựa chọn gương mặt thủ vai nhân vật chính là Jason Momoa , diễn viên được cho là có ngoại hình vạm vỡ và cường tráng nhất Hollywood hiện nay. Với chiều cao 1,93m, vóc dáng siêu chuẩn nhờ tập luyện các môn thể thao dưới nước, Jason Momoa hứa hẹn sẽ là một sự lựa chọn đúng đắn cho vai vua biển của DC.
Với tình hình như hiện nay, có lẽ chuẩn hình thể của nam chính dòng phim siêu anh hùng sẽ còn duy trì như ở tình hình hiện tại một cách lâu dài.
Aquaman sẽ ra mắt tại Việt Nam từ ngày 21/12/2018.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"