Supreme: Bán hàng "số lượng có hạn", khiến fan đi lùng đồ cũ với giá trên trời, trở thành một "tín ngưỡng" và có giá tỷ đô

    Lê Thanh Sang, Theo Nhịp Sống Kinh Tế 

    Năm 2017 đánh dấu 24 năm kể từ ngày thành lập của Supreme – thương hiệu thời trang bí ẩn và có sức ảnh hưởng nhất thế kỷ 21. Supreme cũng vừa bán thành công 50% cổ phiếu cho quỹ Carlyle Group với giá 500 triệu USD để gia nhập tầng lớp thương hiệu thời trang “tỷ đô”.

    Nhưng điều gì khiến Supreme trở nên đặc biệt đến thế? Supreme là một thương hiệu thời trang cho dân chơi trượt ván nhưng được thành lập bởi một người không hề biết trượt. Supreme là một tên tuổi ngầm (underground) nhưng ai ai cũng biết đến. Giá bán của sản phẩm Supreme rất phải chăng so với các thương hiệu thời trang xa xỉ nhưng số lượng có hạn đã đẩy giá bán lại của các sản phẩm Supreme lên gấp hàng chục lần giá gốc. Và cuối cùng, Supreme là công ty có mô hình kinh doanh độc nhất vô nhị trên thế giới.

    Supreme - Bán hàng nhưng lúc nào cũng thiếu

    Khởi đầu bằng việc bán các sản phẩm cho dân trượt ván, ngày nay Supreme đã trở thành một thương hiệu “lừng lẫy” khi bán mọi sản phẩm từ nón, áo, cho đến quả bóng chuyền và thậm chí là bật lửa.

    Năm này qua năm khác, Supreme luôn được bầu chọn là thương hiệu đường phố tốt nhất bởi các trang tin GQ và Complex. Thương hiệu bí ẩn này luôn hợp tác với nhiều nhãn hiệu nổi tiếng khác như Nike, The North Face, và Playboy để tung ra các sản phẩm giới hạn.

    Trong giới showbiz và trên thảm đỏ, Supreme đã trở thành một thương hiệu “kinh điển” của các ngôi sao nhạc pop và rapper. Kanye West đã từng xuất hiện trước ống kính với một chiếc áo khoác Supreme tại tuần lễ thời trang Paris.

    Và Supreme cũng đã tạo nên một tầng lớp “tín đồ” không thua gì Apple. Như hàng người dài dằng dặc xếp hàng chờ mua iPhone, các tín đồ Supreme thường xếp hàng và thậm chí ngủ lại để giành chỗ nhiều lần trong năm để có cơ hội sở hữu những sản phẩm đặc biệt này.

    Điều gì đã khiến hàng ngàn người xếp hàng và giành giật với nhau từng bước chỉ để sở hữu một chiếc áo thun hoặc một cái nón đơn giản? Ngoài giá trị thương hiệu đặc biệt ra, Supreme còn tạo nên nhu cầu lớn khủng khiếp từ thị trường với mô hình “bán thiếu” có một không hai của mình.

    Mô hình kinh doanh của Supreme dựa trên bài toán kinh tế vi mô đầu tiên mà rất nhiều người được học. Một khi nhu cầu cao hơn nguồn cung, công ty sẽ không gặp phải trường hợp bán không được hàng cũng như tránh phải giảm giá để giải phóng hàng tồn kho. Và đối với Supreme, nguồn cung ứng chưa bao giờ đủ so với nhu cầu của khách hàng.

    Trong khi các hãng hiệu thời trang khác thường sản xuất thêm những mẫu sản phẩm được bán chạy. Supreme đưa ra nguyên tắc của riêng mình là không bao giờ sản xuất lại bất kỳ một dòng sản phẩm nào, tất cả sản phẩm Supreme đều là phiên bản giới hạn.

    Với nhu cầu vượt xa nguồn cung giới hạn của Supreme, một thị trường bán lại đã được tạo ra. Rất nhiều khách hàng cũng như “con buôn” luôn sẵn sàng bán lại sản phẩm mới mua với mức giá cao hơn hàng chục lần, và hàng ngàn người khác sẵn sàng mua lại để được một lần sở hữu thương hiệu độc quyền này.

    Và tất nhiên là Supreme nhận ra được điều đó, thương hiệu này lựa chọn hướng đi chiến lược là vẫn giữ nguyên số lượng bán giới hạn của mình. Một khi hàng hóa Supreme vẫn còn thiếu, lợi nhuận không chỉ được đảm bảo cho Supreme mà còn cho hàng ngàn tín đồ chuyên mua đi bán lại. Những tín đồ này sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy nhu cầu, khiến mỗi món hàng Supreme đều vượt xa giá trị thật của nó. Và khi Supreme tiếp tục tung ra các dòng sản phẩm mới, người tiêu dùng luôn khao khát và sản phẩm đó nhanh chóng “cháy hàng”, tạo nên một vòng xoáy mua sắm bất diệt.

    Không dừng lại ở đó, Supreme đã và đang không ngần ngại “thử thách” lòng trung thành của các tín đồ bằng cách cho ra lò những sản phẩm cực kì lạ đời: Từ bình chữa cháy cho đến tô nhựa ăn cơm và thậm chí là một cục gạch có logo Supreme với giá 30 USD. Và tất nhiên là các sản phẩm này được bán “chạy như tôm tươi” và còn được bán lại với giá cao hơn hàng chục lần.

    Vào năm 2016, Supreme đem về hơn 100 triệu USD doanh thu với 11 cửa hàng toàn cầu và tiến tới hợp tác với Louis Vuitton để tiếp tục nâng cao giá trị thương hiệu của mình.

    Thành công là thế, Supreme không phải là một “tấm gương” để học hỏi

    Supreme được thành lập vào năm 1994 và từ đó đến nay, sản phẩm này không ngừng tích lũy nhu cầu cũng như xây dựng một “tín ngưỡng” cho riêng mình. Điều đó đồng nghĩa với việc hơn 24 năm trời, Supreme liên tục tung ra sản phẩm mới và hoàn toàn “làm ngơ” doanh thu có thể kiếm được từ các mẫu mã đã bán chạy, điều này hoàn toàn ngược lại với nguyên tắc kinh doanh truyền thống.

    Thêm vào đó, Supreme là một nhãn hiệu “đường phố”. Các sản phẩm của Supreme không hướng tới thị trường rộng rãi mà thay vào đó tập trung vào “ngách” của riêng mình. Supreme không chi tiền quảng cáo để thu hút người tiêu dùng cũng như không đầu tư vào công nghệ để nghiên cứu các chất liệu hiện đại hơn.

    Nhìn đơn giản là thế, nhưng không phải ai cũng có thể học hỏi và bắt chước được thương hiệu độc nhất vô nhị này.Lê Thanh Sang Theo Nhịp Sống Kinh Tế

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ