Có một phần bên trong bộ não vẫn thức khi bạn ngủ.
Thời sinh viên bạn đã từng ngủ trên giảng đường hay chưa? Trong giờ triết học chẳng hạn:
"Triết học là một hiện tượng luận về hiện tượng mà đôi khi chúng ta luận về hiện tượng đó thì đúng là hiện tượng luận, cho nên người ta mới gọi hiện tượng luận là luận về hiện tượng đó nhưng hiện tượng đó đôi khi không là hiện tượng luận nên luận về hiện tượng đó là hiện tượng luận".
Một giáo sư có thể cầm micro cả tiết học và thao thao bất tuyệt những câu như vậy trên loa, loa thì dội thẳng vào đầu bạn. Nhưng kỳ lạ thay, bạn vẫn ngủ được. Chỉ có hai trường hợp có khả năng đánh thức bạn trong lớp: Hoặc là tiếng chuông hết giờ, hoặc bạn bị gọi tên lên bảng.
Vậy có gì khác nhau giữa triết học, tiếng chuông và tên của bạn?
Tại sao bạn có thể vừa ngủ vừa nghe giảng nhưng hễ chuông báo hết giờ là tỉnh dậy?
Câu trả lời có thể đến từ một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Human Behavior. Trong đó, các nhà khoa học đã thử nghiệm phát các âm thanh khác nhau vào tai những tình nguyện viên đang ngủ. Điều này nhằm kiểm tra một giả thuyết, cho rằng não bộ của bạn vẫn hoạt động ngay cả khi bạn không thức.
Nó trái với những giả thuyết và quan niệm trước đây cho rằng, giấc ngủ là một trạng thái cô lập. Trong đó, não bộ của bạn sẽ ngừng mọi hoạt động và không tiếp nhận bất kỳ một thông tin nào từ thế giới bên ngoài.
"Rõ ràng, mô tả này không phải lúc nào cũng đúng với những gì chúng ta quan sát thấy", Thomas Andrillon, nhà nghiên cứu tại Đại học Monash, Australia cho biết. Nếu não bộ đơn giản là tắt ngấm, bạn sẽ không thể tỉnh giấc khi đồng hồ báo thức kêu, hoặc phát hiện được trộm vào nhà trong khi đang ngủ.
Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy, con người có thể thức dậy khi một sự kiện nào đó quan trọng xảy ra xung quanh môi trường của họ. Mọi người nhiều khả năng sẽ tỉnh giấc khi nghe được những âm thanh có liên quan đến mình, Andrillon nói.
Một bà mẹ có thể tỉnh giấc trong đêm khi nghe thấy tiếng khóc của con. Bạn có thể tỉnh dậy khi nghe thấy ai đó gọi tên mình. Và ngay cả khi các âm thanh liên quan này có âm lượng thấp hơn, bạn cũng sẽ dễ tỉnh dậy hơn là những âm thanh lớn nhưng với bạn là vô nghĩa.
"Vì vậy, có vẻ như bộ não của người đang ngủ vẫn còn thức một chút", Andrillon giải thích.
Có vẻ như bộ não của người đang ngủ vẫn còn thức một chút
Để kiểm tra giả thuyết này, Andrillon và các đồng nghiệp đã thực hiện một thí nghiệm. Anh tuyển chọn những tình nguyện viên đến phòng thí nghiệm và yêu cầu họ ngủ. Trong quá trình này, Andrillon sẽ phát 2 đoạn âm thanh: Một chứa những đoạn hội thoại có ý nghĩa thu thập từ Wikipedia hoặc phim ảnh. Còn đoạn băng còn lại chứa Jabberwocky, một bài thơ vô nghĩa được viết bởi nhà văn người Anh Lewis Carroll.
Các tình nguyện viên được đo điện não đồ trong quá trình ngủ. Andrillon sẽ thu thập các tín hiệu này để tái tạo lại các kích thích não trong khi họ ngủ.
Kết quả đúng như dự đoán, các đỉnh của kích thích não bật lên khi tình nguyện viên nghe được các âm thanh có nghĩa. Hoạt động não không có mấy thay đổi trong khi họ ngủ và nghe Jabberwocky.
Dường như não bộ đang tự tăng âm lượng của các âm thanh có ý nghĩa và giảm âm lượng của những âm thanh không liên quan xuống, Andrillon nói. Đây là một cơ chế chọn lọc quan trọng của não bộ. Nó cho thấy với 2 sự lựa chọn âm thanh, bộ não sẽ ưu tiên xử lý những gì có ý nghĩa với bản thân bạn hơn.
Điều này cực kỳ có ý nghĩa, bởi thính giác không giống như thị giác. Bạn có thể dùng thị giác để phân biệt các vật thể được đặt cách nhau một khoảng. Nhưng với sóng âm, các thông tin thính giác hầu như chồng chéo và trộn lẫn khi chúng đập vào tai chúng ta. Công việc của bộ não là giải quyết các luồng chồng chéo này, để xử lý chúng một cách độc lập.
Đây là lý do giải thích tại sao bạn có thể nói chuyện được với người bên cạnh mình, dù cả hai đang ở trong một quán bar hoặc cà phê ồn ã. Não bộ đã chọn lọc để tăng âm lượng cuộc trò chuyện của bạn, và giảm âm lượng cuộc trò chuyện của những người khác xuống.
Tỉnh dậy nào!
Trở lại trường hợp khi một sinh viên ngủ trong giờ triết học. Điều gì sẽ có ý nghĩa với cậu ấy hơn, tiếng chuông hết giờ hay bài giảng của giáo sư? Có thể bạn cũng đã đoán ra được.
Nhưng trong trường hợp bị bắt quả tang khi đang ngủ trong tiết học, bạn có thể viện lý do rằng: "Vì não bộ em vẫn làm việc trong khi em ngủ, nên thực ra em vẫn đang nghe thầy giảng" hay không?
Đừng dại dột, có vẻ như não bộ của bạn không có chế độ vừa ngủ vừa học. Một giáo sư cũng có thể kiểm tra điều bạn nói, đơn giản bằng cách hỏi lại những gì ông ấy vừa giảng.
Trong nghiên cứu của mình Andrillon đã xác nhận rằng những tình nguyện viên không thể nhớ được những cuộc hội thoại mà anh đã phát trong khi họ ngủ. Dĩ nhiên, họ cũng không thể đọc lại Jabberwocky, một bài thơ hết sức vô nghĩa.
Tham khảo Tonic
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming