Tại sao điện thoại năm 2018 vẫn dễ trầy xước như những điện thoại "đời cô Lựu" khác?
Trong nhiều năm qua, khả năng chống trầy xước của kính Gorilla Glass trên smartphone dường như vẫn dậm chân tại chỗ.
Mỗi năm, chiếc smartphone yêu thích của bạn lại được nâng cấp cấu hình, mang lại tốc độ xử lý cao hơn, khả năng bảo mật dữ liệu tốt hơn, và chất lượng hình ảnh xuất sắc hơn. Chỉ duy nhất một điều không thay đổi: khả năng chống trầy xước - bao năm qua vẫn vậy, không thụt lùi (hiển nhiên), và cũng chẳng cải tiến.
Hầu hết smartphone hiện nay được phủ Gorilla Glass, một loại kính sản xuất bởi hãng Corning. Kính Gorilla Glass được thiết kế đặc biệt để bảo vệ thiết bị khỏi các cú rơi rớt và các thiệt hại khác. Nhưng các thiết bị được trang bị Gorilla Glass vẫn dễ trầy xước nếu bạn đặt chúng vào túi cùng với chìa khóa và tiền xu. Ngay cả khi bạn không làm vậy, cũng chỉ là vấn đề thời gian trước khi chiếc điện thoại yêu dấu bắt đầu xuất hiện đủ loại vết trầy xước từ quá trình sử dụng hãng ngày. Tình hình này ngày càng tệ hơn, khi mà các điện thoại hiện đại ngày nay thậm chí có thể bị trầy xước chỉ vì những thao tác không cẩn thận hết sức nhỏ nhặt, mà những lời than phiền về chiếc iPhone X, Pixel 2, và các flagship khác từ năm ngoái là một dẫn chứng cụ thể.
Vậy có phải chúng ta đang tưởng tượng, hay quả thực những phiên bản mới của Gorilla Glass có vấn đề gì đó khiến khả năng trầy xước của chúng trở nên kém hơn bao giờ hết? Dù khá khó để khẳng định chắc chắn điều này, nhưng những số liệu của chính Corning cung cấp đã cho thấy khả năng chống trầy xước của kính cường lực của họ chẳng cải thiện là bao.
Lý do đằng sau sự trớ trêu này đến từ nhu cầu thị trường và chất lượng tự nhiên của kính. Bởi kính không thể cùng lúc chống rơi rớt cực tốt lẫn chống trầy cực xịn được, nên Corning và các hãng sản xuất kính cường lực khác bị buộc phải chọn giữa một trong hai để ưu tiên. Đối với Corning, họ chọn chống rơi rớt.
Quyết định của Corning khi tập trung vào sản xuất các loại kính cứng hơn, chống vỡ tốt hơn xuất phát từ nguồn gốc của Gorilla Glass. Steve Jobs từng đề nghị CEO của Corning phát triển một loại kính phủ có thể bảo vệ iPhone khỏi các vết trầy và vỡ. Trước thời iPhone, màn hình cảm ứng smartphone sử dụng một miếng nhựa mềm phủ trên màn hình, phù hợp với thao tác bằng bút stylus nhưng cực tệ cho thao tác bằng ngón tay. Corning chỉ được cho thời hạn 6 tháng để hoàn thiện sản phẩm, và đó là cách mà Gorilla Glass thế hệ đầu xuất hiện.
Giống như đề nghị đầu tiên của Steve Jobs, mục tiêu của Corning ngày nay phụ thuộc vào nhu cầu của các hãng sản xuất smartphone. Khi mà những Samsung, Apple, Huawei và Google yêu cầu một loại kính mỏng hơn và nhẹ hơn, Corning phải làm cho miếng kính mỏng đó trở nên cứng hơn để đảm bảo khả năng chống rơi rớt của nó. Phó chủ tịch Corning phụ trách Gorilla Glass, John Bayne, đã nói về mâu thuẫn này hồi tháng 12 năm ngoái rằng: "Điều khiến người tiêu dùng đau xót nhất vẫn là các thiết bị bị vỡ, do đó chúng tôi đã ưu tiên khả năng chống rơi trên các thế hệ gần đây của Gorilla Glass".
Thang biểu thị tần suất bị trầy của Gorilla Glass (càng về phía màu vàng là các thế hệ mới hơn, ít trầy xước hơn)
Các smartphone sử dụng Gorilla Glass 5 - thế hệ kính cường lực được giới thiệu vào năm 2016 và được trang bị cho các thiết bị Samsung Galaxy, LG G7 ThinQ, OnePlus 6... có khả năng chống rơi vỡ tốt hơn so với các đời trước. Và Corning khẳng định Gorilla Glass 6 mới nhất, tốt nhất, sẽ bắt đầu được trang bị cho các điện thoại từ mùa thu năm nay, có thể chịu được 15 cú rơi từ độ cao 1 mét.
Để đạt được độ bền này, Corning đã phải biến đổi mặt kính vốn có bản chất dễ vỡ. Bằng cách nhúng kính vào trong một bồn nước muối hóa chất, công ty đã tạo ra một thứ gọi là "ứng suất nén" bên trong lớp kính. Ứng suất nội tại này giúp chống lại bất kỳ cú rơi nào mà kính Gorilla Glass phải đối mặt trong tương lai một khi được tích hợp lên smartphone. Qua nhiều năm, các hãng sản xuất smartphone lại đòi hỏi kính cường lực mỏng hơn nữa để phù hợp với thiết kế điện thoại ngày một thanh mảnh, Corning phải tiếp tục tăng cường ứng suất nội tại để giữ vững độ bền của kính. Trên lý thuyết, điều này là hợp lý, và trên thực tế, đúng là khả năng chống rơi vỡ trên các thế hệ Gorilla Glass sau này được cải thiện khá nhiều, trừ một điều: ứng suất nội tại khiến mặt kính dễ bị trầy xước hơn.
Phương thức chính mà các hãng sản xuất kính dùng để gia cố kính cường lực là Tempering - quá trình ủ, có thể là ủ nhiệt cường độ cao, hoặc sử dụng hóa chất như ngâm vào bồn muối đã nói ở trên. Theo giải thích của giáo sư vật liệu khoa học của Caltech, William L. Johnson, ứng suất nội tại khiến kính dễ bị ảnh hưởng hơn bởi bất kỳ áp lực nào tác động lên bề mặt của nó. Nói một cách đơn giản, kính càng bị ủ nhiều, nó càng dễ trầy.
Johnson nói rằng, tất cả đều liên quan đến độ cứng của bề mặt kính. Tempering hi sinh độ cứng để đổi lấy sự mềm dẻo. Tempering càng nhiều "khiến toàn bộ màn hình chịu uốn cong tốt hơn, như khi đánh rơi điện thoại" - ông nói - "Nhưng nó lại không cải thiện độ cứng của kính và thực ra có thể khiến nó tệ hơn đôi chút. Độ cứng chính là thứ giúp kính chống chịu được các vết xước".
Theo các bài test của chính Corning, khả năng chống trầy xước của Gorilla Glass không hề được cải tiến kể từ năm 2014. Dù Corning nói rằng kính của họ chống trầy xước tốt hơn ở các thế hệ ban đầu, trước khi chững lại ở các thế hệ gần đây, nhưng hãng lại đột ngột thay đổi các bài test sử dụng trong bảng thông tin sản phẩm, khiến chúng ta rất khó trong việc so sánh các tiêu chí giữa Gorilla Glass 3, 4, 5 và 6.
Vào năm 2013, Corning sử dụng một bài test gọi là "Knoop Visual Scratch", nhưng trong năm tiếp theo, họ không hề nhắc đến khả năng chống trầy một lần nào nữa, do đó chúng ta không thể biết được giữa các thế hệ kính đầu tiên có gì khác biệt không. "Chúng tôi thay đổi phương thức test theo thời gian, với mỗi bài test lại có nhiều biến thể khác nhau đôi chút" - Phó chủ tịch phụ trách Gorilla Glass của Corning, Scott Forester nói - "Trầy xước là một lĩnh vực rất phức tạp. Bạn sẽ không thấy sự sụt giảm lớn trong khả năng chống trầy, nhưng bạn sẽ thấy sự cải thiện lớn trong khả năng chống rớt".
Nếu chiếu theo kết quả của bài test Taber, thì Gorilla Glass 3 cũ hơn nhưng lại chống trầy xước tốt hơn thế hệ 4
Bảng thông tin sản phẩm Gorilla Glass 5 có khá nhiều thông tin. Nó cho thấy 3 bài test: Taber, Garnet và Tumble, cùng kết quả của chúng. Bài test Taber đo độ hao mòn do cọ xát kéo dài, và Gorilla Glass 3 trông ít trầy xước hơn Gorilla Glass 4, và Gorilla Glass 5 thì nằm lưng chừng giữa 3 và 4. Bài test Garnet đo mức thiệt hại của mặt kính khi bị chà giấy nhám, và Gorilla Glass 5 bị trầy nhiều ở một số khu vực, một số khu vực khác lại trầy ít hơn, khiến chúng ta khó có thể đưa ra kết luận chắc chắn. Gorilla Glass 3 và 4 trông bị trầy đều hơn trên toàn mặt kính.
Nếu chiếu theo kết quả bài test Taber, thì Gorilla Glass 3 chống trầy tốt hơn 4, nhưng khi xét chung mọi kết quả có phần đối lập nhau, rất khó để rút ra kết luận.
Gorilla Glass 6 bị trầy nhiều hơn 5 trong bài test Tumble
Bằng cách đưa ra các hình ảnh trong bảng thông tin sản phẩm mà không đính kèm các kết quả đo đạc có thể phân tích được, Corning đã né tránh những câu trả lời cụ thể về khả năng chống trầy xước của các sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, công ty đã từng đưa ra các thống kê cứng trong quá khứ: theo bài test Tumble từ một vài năm trước, vốn kiểm tra mặt kính sau khi bị thả ngẫu nhiên vào túi xách lộn xộn trong 15 phút, bề mặt Gorilla Glass 3 bị thiệt hại 0,52%, trong khi Gorilla Glass 4 và 5 đều là 0,39%, cho thấy có sự cải tiến. Corning xác nhận rằng con số này vẫn đúng với Gorilla Glass 6, có nghĩa là 2 thế hệ gần đây nhất chẳng được cải tiến gì về khả năng chống trầy xước cả!
Trong các bài test cụ thể bởi Corning, thế hệ mới nhất của Gorilla Glass trông bị trầy còn nhiều hơn thế hệ cũ. Cụ thể, Gorilla Glass 6 trông tệ hơn 5 nếu bạn nhìn vào bảng thông tin sản phẩm của năm nay, phần bài test giả lập cho đồng xu chà lên màn hình.
Forester, Phó chủ tịch phụ trách Gorilla Glass, nói rằng chỉ một bài test không thể định lượng được hiệu năng chống trầy. "Đối với trầy xước, có nhiều cách để thử... và những bài test khác nhau lại cho ra những mức độ thiệt hại khác nhau", ông nói. Khi được hỏi tại sao Corning ngừng chia sẻ các con số cứng sau Gorilla Glass 5, Forester nói công ty chọn không làm điều đó vì sẽ giúp bảng thông tin sản phẩm trông sạch sẽ hơn.
Forester phủ định việc công ty đã từ bỏ khả năng chống xước qua từng năm, khẳng định rằng bạn không thể nhìn ra điểm khác biệt ở hai smartphone ở "mức độ vĩ mô", hay từ khoảng cách xa. Ông còn chỉ ra sự "đổi chác" giữa độ mỏng của mặt kính và độ bền và chắc chắn của nó. Forester khẳng định rằng khi Corning đưa sản phẩm cho các nhà sản xuất lớn với mặt kính bền hơn, phản hồi họ thu được luôn là mặt kính cần phải mỏng hơn nữa.
Các thế hệ Gorilla Glass mới có lẽ sẽ mỏng hơn, nhưng nếu chúng tiếp tục dễ bị trầy xước, người dùng khả năng sẽ mua các miếng dán màn hình, vô tình khiến độ dày kính tăng lên. Và dù các tấm bảo vệ màn hình không hề đắt, chúng lại gây khó chịu cho những gã đã bỏ ra hàng núi tiền để tậu một chiếc flagship hoàn toàn mới. Một màn hình bị trầy xước còn làm giảm đáng kể giá trị của máy khi bạn tìm cách bán lại nó.
Trong khi đó, Corning đã nghĩ ra một giải pháp nhưng cho biết nó sẽ chưa sẵn sàng để tung ra thị trường. Gorilla Glass SR và DX , vốn được trang bị cho chiếc Samsung Galaxy Watch, là những biến thể mới của kính được làm riêng cho smartwatch và các thiết bị đeo khác, tập trung vào khả năng chống trầy xước. Tuy nhiên, Forester nói rằng hai loại kính đó đang phải đối mặt với vấn đề phóng lớn kích cỡ, nên hiện Corning chỉ có thể sử dụng chúng trên thiết bị đeo mà thôi.
"Ban đầu chúng tôi tạo ra SR để theo đuổi khả năng chống trầy xước của sapphire. Nó là một loại hợp chất kính độc nhất. Chúng tôi thử trước tiên đối với thiết bị đeo vì đây dường như là ứng dụng khả thi nhất". Nếu SR và DX , hay có lẽ là một biến thể trong tương lai với một cái tên khác, có thể xuất hiện trên smartphone, thì chúng sẽ mang lại cho chúng ta những chiếc điện thoại chống trầy xước mà chúng ta luôn tìm kiếm.
Còn hiện tại, khi mua một chiếc điện thoại mới, chúng ta sẽ phải tìm mua một chiếc ốp để bảo vệ thân máy bằng kính mỏng manh, và dán thêm một miếng bảo vệ màn hình để chống trầy. YouTuber JerryRigEverything, nổi tiếng vì những bài test phá hủy điện thoại, từng nói: "Kính là kính, không cần biết là biến thể nào. Một biến thể có thể tốt hơn một chút so với biến thể khác, nhưng chũng vẫn là kính mà thôi".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 16 Pro Max bản khóa SIM tràn về Việt Nam, giá rẻ hơn 7 triệu đồng
Tuy nhiên, cũng như các thế hệ trước, iPhone 16 Pro Max Lock vẫn tồn tại hàng loạt những hạn chế.
Elon Musk dùng “đũa máy khổng lồ” gắp thành công tàu vũ trụ đang lơ lửng trên không