Tại sao hít thở sâu giúp bạn bình tĩnh và thư giãn hơn? Các nhà khoa học đã tìm thấy manh mối
"Hơi thở là một công cụ rất quyền năng đối với rèn luyện và thực hành tâm lý”.
Khi cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng, mọi người thường khuyên bạn hãy hít một hơi thật sâu. Và nó thực sự hiệu quả. Không riêng gì những huấn luyện viên dạy thiền hay yoga mới tin vào điều này. Ngay cả các nhà khoa học bây giờ cũng tìm được bằng chứng giải thích hiệu ứng đó.
Họ tình cờ quan sát được một số lượng nhỏ các nơ-ron, chỉ khoảng 350 trong số hàng triệu tế bào thần kinh ở chuột, đóng vai trò cầu nối giữa hơi thở và hành vi cư xử của chúng. Điều này gợi ý, có một cơ chế vật lý phía sau hiệu ứng hít thở sâu giúp não bộ bạn thư giãn.
Trong nhiều phương pháp trị liệu tâm lý ngày nay, hướng dẫn hít thở vẫn được sử dụng để đối phó với căng thẳng, các cảm xúc tiêu cực như hồi hộp, lo âu hay điều trị trầm cảm… Nhưng các nhà khoa học còn hi vọng nhiều hơn thế. Họ muốn tìm ra được một loại thuốc, giúp bạn không cần tốn công học thở hay thiền cũng đạt được mục đích tương tự.
Hít thở sâu và chậm giúp bạn cảm thấy bình tĩnh và thư giãn hơn
“Có một mối liên kết chặt chẽ giữa hơi thở và các thay đổi trong trạng thái cảm xúc, khơi gợi ra những điều mà chúng ta chưa từng thấy trước đây”, tiến sĩ Jack Feldman, đến từ đại học California nói. “Nó có tiềm năng rất lớn để được ứng dụng vào trị liệu”.
Trong nghiên cứu của mình, ông cùng đồng nghiệp đã xác định và theo dõi một nhóm tế bào thần kinh, trong khu phức hợp được gọi là preBötC. Các tế bào nép mình trong một phần của cầu não chuột, và họ tin rằng đây là khu vực giúp điều khiển nhịp thở cho chúng.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã làm biến đổi gen một vài con chuột để giết chết khoảng 350 nơ-ron trong khu vực này của chúng. Tiến sĩ Yackle, tác giả chính của nghiên cứu tại Đại học California, cho biết điều này dẫn đến một phát hiện khá tình cờ.
Bởi mục đích ban đầu của nghiên cứu chỉ là xác định xem cụm nơ-tron nào trong não bộ đóng vai trò tạo ra nhịp thở, khi mà các nhà nghiên cứu để ý nhóm tế bào thần kinh này, họ chỉ mong đợi nó có ý nghĩa gì đó, với chỉ hơi thở mà thôi.
Nhưng khi các tế bào thần kinh này không còn nữa, điều mà các nhà khoa học quan sát được là: Nhịp thở những con chuột không thay đổi, nhưng chúng đột ngột trở nên bình tĩnh và cư xử nhẹ nhàng hơn bình thường.
“Ban đầu, tôi đã rất thất vọng khi thấy rằng chúng không liên quan gì đến việc tạo ra nhịp thở cả“, tiến sĩ Yackle cho biết. “Nhưng rất ngạc nhiên sau đó, chúng tôi lại thấy các nơ-ron giữ vai trò quan trọng trong việc kiểm soát trạng thái kích thích ở động vật”.
Có một mạch thần kinh quyết định việc thở gấp gắn liền với cảm giác hồi hộp và thở chậm thì bình tĩnh hơn
Nói một cách đơn giản, một mạch thần kinh quyết định việc thở gấp gắn liền với cảm giác hồi hộp và thở chậm thì bình tĩnh lại đã được phát hiện. Sự liên kết giữa các nơ-tron này và cảm xúc gợi ý đến nhiều ứng dụng thực tiễn.
Chẳng hạn như nhiều người tập yoga đang sử dụng những kỹ thuật thở thiền để đạt được trạng thái cảm xúc tĩnh tại. Đôi khi nóng giận, chúng ta cũng có thể làm chậm hơi thở để bình tĩnh hơn. Hoặc mọi người có thể hít thở chậm lại để cảm thấy thư giãn.
Hiện nay, những kỹ thuật làm chậm hơi thở cũng đã được sử dụng trong điều trị bệnh tâm lý, chẳng hạn như chứng rối loạn lo âu.
“Bằng cách thay đổi hơi thở, chúng ta cũng có thể thay đổi trạng thái cảm xúc, cách chúng ta suy nghĩ và tương tác với mọi thứ”, phó giáo sư Patricia Gerbarg từ Trường Y New York cho biết. “Đó là một công cụ rất quyền năng đối với rèn luyện và thực hành tâm lý”.
Gerbarg trước đây đã từng thực hiện một nghiên cứu về tập thở thiền vào năm 2009. Bà cùng nhóm nghiên cứu của mình đã tới Berlin, hướng dẫn cho những người tị nạn cách sử dụng thiền và thở để giảm căng thẳng, lo lắng và trầm cảm.
Nhưng theo Yackle, những con đường thần kinh mới được phát hiện có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu cho một số loại thuốc. Rõ ràng là việc tập thiền định và thở là mất thời gian, và thậm chí một số người không thể luyện tập nổi.
Nếu có một loại thuốc mà khi uống vào, cơ thể tự động rơi vào trạng thái thở thiền, nó sẽ giúp ích nhiều cho những bệnh nhân mắc chứng rối loạn lo âu, hoảng loạn hoặc hội chứng thở gấp (tăng thông khí).
Bằng cách thay đổi hơi thở, chúng ta cũng có thể thay đổi trạng thái cảm xúc
Tuy nhiên, Gerbarg cho biết các nhà nghiên cứu tại Đại học California sẽ còn phải làm nhiều việc hơn nữa, cho đến khi họ đạt được mục đích là ứng dụng phát hiện của mình trên con người.
Về mặt đạo đức, nghe có vẻ khó chấp nhận được khi bạn hay ai đó quyết định dập tắt một chuỗi phản ứng thần kinh trong não bộ. Sẽ không có vấn đề gì, nếu một bệnh nhân tăng thông khí làm vậy để không phải đối mặt với cảm giác lo lắng khi hơi thở của họ trở nên gấp gáp.
Nhưng hãy tưởng tượng, một người nào đó cố tình ép bạn uống một viên thuốc, và rồi nó sẽ lấy đi mọi cảm giác hồi hộp thú vị trong cuộc sống của bạn: khi xem một trận bóng đá, khi trong buổi hẹn hò, hay lúc chờ đợi kết quả xổ số…
Bởi vậy, với đa số mọi người chúng ta ở thời điểm này, nghiên cứu mới chỉ có ý nghĩa xác nhận lại những gì chúng ta đã nghe rằng: Bạn có thể sử dụng hơi thở để điều khiển tâm trí. Hít thở sâu và chậm lại, cả huấn luyện viên yoga và nhà khoa học, lúc này đều đồng ý rằng điều đó sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn và thư giãn.
Tham khảo Livescience, Theverger
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android