Bạn có thể đi lại xung quanh, gọi điện thoại, nói chuyện với đồng nghiệp, thậm chí là họp trong khi đi bộ.
Càng tìm hiểu về những ảnh hưởng sức khỏe của việc ngồi nhiều, chúng ta càng có nhiều lý do để tự ép mình đứng dậy và đi dạo sau mỗi giờ làm việc.
Lối sống ít vận động không chỉ gây ra những hậu quả tồi tệ đối với vòng eo và trái tim bạn. Ngồi quá lâu có vẻ cũng là nguyên nhân gây ra suy yếu ở những vùng não liên quan đến trí nhớ, tăng nguy cơ ung thư và tiểu đường.
Tất cả đều góp phần làm tăng nguy cơ tử vong sớm.
Đây là tác hại của việc ngồi quá nhiều và cách giúp bạn khắc phục chúng
Không có bất kể một cách nào quét sạch những ảnh hưởng của việc ngồi liên tục từ 8 đến 12 tiếng mỗi ngày. Một số nghiên cứu cho thấy, ngay cả những người tập thể dục cường độ cao vẫn không bù lại được ảnh hưởng tiêu cực đến từ việc ngồi quá nhiều.
Nhưng điều đó không có nghĩa là những nhân viên văn phòng không thể làm bất cứ điều gì để cải thiện tuổi thọ của họ. Sẽ luôn có các giải pháp và một số rất dễ thực hiện. Tập thể dục là một trong số đó. Nhưng có lẽ, quan trọng nhất vẫn là việc thường xuyên đứng dậy và đi lại trong giờ làm việc.
Dưới đây là những gì chúng ta biết về việc ngồi nhiều sẽ ảnh hưởng đến cơ thể ra sao, và làm thế nào để bù đắp cho sự tổn hại mà lối sống ít vận động có thể gây ra:
Các nhà khoa học đã bắt đầu hiểu tại sao ngồi lại gây hại cho chúng ta đến vậy. Dường như, nó có thể gây ra những "chấn thương cận lâm sàng" tích tụ theo giời gian ở tim.
Gần đây, các nhà khoa học đã khám phá ra rằng những người ngồi hơn 10 tiếng/ngày (không quá khó với một ai đó có công việc văn phòng, đòi hỏi họ ngồi 7 đến 9 giờ ở bàn làm việc) có mức troponin cao hơn bình thường. Troponin là protein mà tế bào ơ tim giải phóng ra khi chúng bị hư hại.
Điều này giải thích tại sao những người ngồi nhiều và ít vận động có khả năng tử vong vì bệnh tim cao hơn những người thường xuyên vận động. Troponin cũng có thể là câu trả lời cho tỷ lệ mắc ung thư và tiểu đường cao hơn ở những người lười vận động.
Ngồi quá lâu thậm chí có thể gây tổn thương não bộ.
Một nghiên cứu gần đây chỉ ra những người trung niên tưởng chừng khỏe mạnh ở độ tuổi 45-75, nhưng nếu họ có thói quen ngồi quá nhiều, vùng não ở những khu vực liên quan đến trí nhớ của họ bị mỏng đi. Đây có thể là dấu hiệu sớm của suy giảm nhận thức.
Không rõ liệu vấn đề này có liên quan đến các dấu hiệu của tổn thương tiềm tàng trong tim, vấn đề gốc rễ dường như có khả năng dẫn đến nhiều tác hại khác của lối sống ít vận động. Nhưng có lý do chính đáng để chúng ta cố gắng chống lại những tác hại đó.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tập thể dục cũng không thể bù đắp lại tác hại của việc ngồi nhiều.
Trong nghiên cứu chỉ ra những thay đổi trong não của những người ngồi nhiều, tập thể dục dường như không ảnh hưởng đến độ dày của vùng não liên quan đến trí nhớ.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Y tế thể thao Mỹ đã nói rằng bản thân hành vi ít vận động là có hại, và điều quan trọng là phải đáp ứng các hướng dẫn hoạt động thể chất thường xuyên. Ngồi quá lâu trong một khoảng thời gian dài gây ra các tác hại không thể bù đắp được bằng việc tập thể dục.
Nhưng cũng có nghiên cứu nói rằng những người ngồi nhiều phải tập thể dục gấp đôi người bình thường để đủ bù đắp cho các tác hại từ lối sống.
Một bài nghiên cứu đánh giá tổng quan công bố vào năm 2016 trên tạp chí The Lancet cho thấy những người ngồi từ 8 tiếng đồng hồ, nếu tập thể dục tối thiểu 60 đến 75 phút mỗi ngày sẽ giảm được nguy cơ tử vong sớm về mức những người chỉ ngồi 4 tiếng.
Nói cách khác, tập thể dục có thể giúp ích đôi chút, nhưng sẽ khiến bạn mất khá nhiều thời gian. Hướng dẫn tiêu chuẩn chỉ yêu cầu mỗi người có 30 phút tập luyện cường độ vừa phải mỗi ngày.
Những người tập thể dục nhiều có thể ngồi nhiều hơn khi không tập thể dục, điều này có thể còn gây hại hơn nữa.
Nếu chỉ cần khi kết thúc giờ làm việc, bạn ra ngoài chạy 8-10 km, sẽ rất dễ dàng để rơi vào một tình trạng gọi là “bẫy phần thưởng”. Bạn cho rằng mình đã tập luyện và thế là đủ để thưởng cho mình một buổi tối nghỉ ngơi, bạn lại ngồi xem ti vi.
Thực tế, tiếp tục ngồi là bạn tiếp tục tăng các nguy cơ sức khỏe của mình. Vì lý do đó, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng điều quan trọng cần nhớ là thời gian ngồi là một vấn đề, ngay cả khi bạn đã tập thể dục.
Bàn đứng cũng không phải là một cách giải quyết hoàn hảo.
Nhiều nhân viên văn phòng khi biết được tác hại của việc ngồi nhiều sẽ lựa chọn sử dụng bàn đứng. Mặc dù vậy, họ sẽ sớm nhận ra vấn đề. Nhiều người sử dụng bàn đứng bị sưng chân tay, mệt mỏi cơ bắp, khó chịu và giảm năng suất.
Nếu việc đứng cả ngày có thể loại bỏ các tác hại của việc ngồi nhiều, nó lại gây ra các vấn đề của riêng nó. Chưa hết, một nghiên cứu trên hơn 7.000 người phát hiện ra rằng những người thường xuyên đứng cả ngày cũng có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch.
Giải pháp tốt nhất là đứng dậy và đi lại thường xuyên.
Điều tốt nhất bạn có thể làm để chống lại các tác hại của việc ngồi chỉ đơn giản là đứng dậy và đi lại sau mỗi khoảng thời gian ngồi liên tục 30 phút hoặc hơn, theo một nghiên cứu trên Annals of Internal Medicine.
Tất nhiên, bạn vẫn nên giữ thói quen tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày.
Năm 2015, một nhóm các nhà nghiên cứu đã cùng đồng thuận công bố một nghiên cứu trên Tạp chí Y học Thể thao Anh, nói rằng mọi người nên dành 2 tiếng rời khỏi chỗ ngồi của họ trong ngày làm việc.
Đi bộ xung quanh, gọi điện thoại, nói chuyện với đồng nghiệp, thậm chí là họp trong khi đi bộ... Có rất nhiều hoạt động sáng tạo mà bạn có thể rời khỏi ghế của mình mà vẫn làm việc. Hãy thử lắp một vài bàn đứng trong văn phòng để nhân viên có thể chuyển đổi khi họ muốn.
Và hãy nhớ rằng những khoảng thời gian giải lao và ra khỏi ghế không làm giảm hiệu suất làm việc. Thậm chí còn ngược lại, 5 phút đi bộ mỗi nửa tiếng sẽ giúp bạn giữ gìn sức khỏe và tăng hiệu quả công việc trong dài hạn.
Tham khảo Businessinsider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương