Tận dụng lúc con người vắng mặt, hàng chục vạn con hồng hạc đã "phủ hồng" mặt nước Mumbai
Số lượng kỷ lục hồng hạc đổ về trung tâm tài chính lớn nhất Ấn Độ này đã làm mặt nước ở đây sáng rực lên ánh hồng vào buổi tối.
Khi con người đang phải cách ly để tránh lây lan virus corona, động vật mới có thời gian quay trở lại với thế giới của mình. Vào lúc hàng triệu người Ấn Độ đang phải ở trong nhà, hàng trăm ngàn con hồng hạc đã tràn đến và nhuộm hồng thành phố Mumbai của nước này.
Trên thực tế, từ những năm 1980, loài chim hồng hạc này đã di cư đến Mumbai trong thời gian từ tháng 10 đến tháng Ba để kiếm ăn và quay lại đây vào mùa sinh sản từ tháng Năm cho đến tháng Mười hàng năm.
Nhưng trong năm nay, các cư dân ở đây đang chứng kiến số lượng kỷ lục chim hồng hạc đổ bộ vào thành phố này. Sự vắng bóng con người đã cho phép những chú chim khổng lồ này thoải mái đi dạo lang thang trên bãi bồi hai bên bờ Thane Creek. Các hình ảnh được người dùng chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy hàng trăm ngàn con chim này nổi bồng bềnh trên mặt nước và làm mặt hồ sáng rực lên ánh hồng vào ban đêm.
Báo cáo từ Hiệp hội Lịch sử Tự nhiên Bombay BNHS (Bombay Natural History Society) ước tính, số lượng chim hồng hạc di cư tới thành phố này năm nay tăng 25% so với năm ngoái. Theo cơ quan này, đã có khoảng 150.000 chim hồng hạc thực hiện chuyến đi lịch sử tới Mumbai để kiếm ăn trong khi con người đang phải ở trong nhà.
"Nguyên nhân chính cho số lượng lớn đến như vậy là những đàn chim mới lớn tìm đến đây, sau mùa sinh sản thành công từ hai năm trước." Deepak Apte, giám đốc BNHS, cho biết với Hindustan Times. "Bên cạnh đó, việc phong tỏa đang cho các loài chim này không gian để nghỉ ngơi, không bị làm phiền trong khi tìm kiếm thức ăn và sự cải thiện chung về môi trường sống."
Những đàn chim hồng hạc này đang thắp sáng cả mặt hồ ở Mumbai
Theo Rahul Khot, trợ lý giám đốc BNHS, số chim hồng hạc này có thể sẽ ở lại đây lâu hơn bình thường do có mưa lớn và có lẽ là cả lượng nước thải trong nhà tăng lên, điều sẽ làm thức ăn trở nên dễ chịu hơn một chút cho những con chim khổng lồ này.
"Trong khi chất thải công nghiệp sụt giảm trong thời kỳ phong tỏa, dòng nước thải sinh hoạt đang giúp hình thành nên các sinh vật phù du, tảo và các sinh vật tầng đáy, tạo thành thức ăn cho chim hồng hạc và các loài chim ngập nước khác." Ông Khot cho biết thêm.
Trong khi loài chim này đang được vẫy vùng thỏa thích ở thế giới bên ngoài thì con người lại không thể ra ngoài ngắm chúng, vì vậy cư dân tại đây đành phải tạm hài lòng với việc tận hưởng khung cảnh có một không hai này từ ban công nhà mình và chụp lại chúng bằng máy ảnh.
"Việc phong tỏa ít nhất cũng nhắc nhở mọi người chú ý vào những gì xung quanh họ, những điều thường được họ cho là hiển nhiên đến mức bỏ qua, và hy vọng rằng khu vực này sẽ sớm được tuyên bố như một khu bảo tồn chim." Suni Agarwal, một cư dân tại Mumbai nói với Hindustan Times.
Tham khảo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Để sống đến năm 200 tuổi, tỷ phú Bryan Johnson lại thử nghiệm phương pháp trường sinh mới
Johnson gọi mục tiêu sống đến năm 200 tuổi của mình là “cuộc cách mạng quan trọng nhất trong lịch sử của Homo sapiens”.
Tại sao Nhật Bản cần lưu trữ 50.000 tấn nước siêu sạch ở độ sâu 1.000 mét? Nó có thể được sử dụng để làm gì?