Tesla bị kiện vì hệ thống tự lái gây ra cái chết của một kỹ sư Apple

    Nguyễn Hải,  

    Gia đình ông Huang cho rằng, Tesla đang xem các tài xế con người như vật thử nghiệm cho phần mềm tự lái của công ty mình.

    Sáng ngày 23 tháng Ba năm 2018, khi kỹ sư Apple, Walter Huang đang lái chiếc Tesla Model X 2017 của mình trên đường cao tốc Highway 101 ở Mountain View, California, chiếc xe đột ngột bẻ lái sang trái và đâm vào giải phân cách bằng bê tông. Hậu quả đã làm ông Huang tử nạn.

    Một năm sau vụ tai nạn, gia đình ông Huang đang khởi kiện Tesla, với cáo buộc cho rằng, hệ thống tự lái Autopilot của Tesla gặp trục trặc, gây ra vụ tai nạn chết người này.

    Gia đình đã nộp đơn khiếu nại lên tòa án Tối cao California, quận Santa Clara vào ngày 26 tháng Tư. Theo báo cáo của Bloomberg, đơn kiện cho rằng Tesla đã biết về lỗi này, hoặc nhẽ ra phải biết về nó, rằng "Tesla Model X có thể gây thương tích cho người trong xe khi chạy chệch làn và đâm vào các mục tiêu cố định khi sử dụng theo một cách có thể dự đoán trước." Vụ kiện đòi công ty phải đưa ra cảnh báo tới người dùng hoặc tiến hành thu hồi sản phẩm.

    Tesla bị kiện vì hệ thống tự lái gây ra cái chết của một kỹ sư Apple - Ảnh 1.

    Hơn nữa, khiếu nại của gia đình Huang còn cho rằng chiếc xe không được trang bị các tính năng an toàn đúng mức, bao gồm cả phanh khẩn cấp tự động. Đơn kiện cũng nêu tên Cơ quan Vận tải California (California DOT) với cáo buộc rằng, giải phân cách, nơi chiếc xe của Huang đâm vào, thiếu bộ phận giảm chấn đối với tai nạn.

    Tesla từ chối bình luận về đơn kiện trên, nhưng phát ngôn viên của Tesla đã trả lời với Gizmodo rằng mọi xe Tesla đều được trang bị hệ thống phanh tự động khẩn cấp.

    Báo cáo trong tháng 4 năm 2018 của điều tra của Ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng chiếc xe của Huang đã đi sau một chiếc xe khác với tốc độ 100 /h cho đến khi nó rẽ sang trái. Khi chiếc xe đâm vào giải phân cách, nó không dừng lại – thay vào đó, nó tăng tốc từ 100 km/h lên 113 km/h trong khoảng 3 giây, dẫn tới vụ va chạm.

    Trong bài đăng trên blog của mình một tuần sau vụ va chạm, Tesla cho rằng, chiếc xe đã phát đi một cảnh báo bằng âm thanh cho Huang và nhiều cảnh báo bằng hình ảnh khác trong suốt chuyến đi buổi sáng hôm đó, và chiếc xe phát hiện tay anh không còn trên bánh lái trong khoảng 6 giây trước vụ tai nạn.

    "Tài xế còn cách giải phân cách bằng bê tông khoảng 5 giây và 150m với tầm nhìn không bị cản trở, nhưng nhật ký xe cho thấy không có hành động nào được thực hiện." Bài đăng trên blog cho biết. "Chế độ tự lái Tesla Autopilot không ngăn chặn mọi vụ tai nạn – một tiêu chuẩn như vậy là điều bất khả thi – nhưng nó làm cho chúng ít khả năng xảy ra hơn. Rõ ràng nó làm cho thế giới an toàn hơn với những người ngồi trong xe, những người bộ hành và những người đi xe đạp."

    Trong tuyên bố gửi tới hàng loạt cơ quan truyền thông, luật sư đại diện cho gia đình Huang, B. Mark Fong, cho rằng vụ tai nạn với Huang xảy ra vì "Tesla đang kiểm tra beta với phần mềm Autopilot bằng các lái xe còn sống."

    Đáng chú ý, đơn kiện này được nộp lên một tuần sau khi CEO Tesla, ông Elon Musk thông báo kế hoạch triển khai một triệu taxi tự lái trên đường vào năm 2020.

    Tham khảo Gizmodo


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ