Tesla ra mắt chip mới dành riêng cho xe tự lái, hiệu năng cao gấp 21 lần chip Nvidia, do Samsung gia công
Không những vậy, Tesla cho biết, con chip này có chi phí chỉ bằng 80% so với chip mà họ mua từ Nvidia trước đây.
Cuối năm 2017, nhiều thông tin cho thấy Tesla đang nỗ lực tự xây dựng con chip máy tính đầu tiên của mình dành cho xe tự lái và đến tháng 10 năm 2018, ông Elon Musk cho biết con chip silicon chỉ còn cách ngày ra mắt 6 tháng nữa. Đến hôm nay – trong một số lần hiếm hoi ông Musk dự đoán chính xác ngày ra mắt sản phẩm của mình – Tesla đã giới thiệu con chip đó đúng theo lịch trình của mình.
Trên thực tế, ông Musk cho biết, con chip có tên Full Self Driving Chip này đã được xuất xưởng bên trong chiếc Tesla Model S và Model X từ hơn một tháng nay, và nó cũng mới được đặt trong chiếc Model 3 từ 10 ngày nay.
Nhưng Tesla đã chờ đến ngày Autonomy Investor Day của mình tổ chức tại Palo Alto, California để lần đầu tiên trình làng chính thức con chip dành cho xe tự lái này – được ông Musk gọi là "con chip tốt nhất trên thế giới" – một tấm silicon có diện tích 260 mm2, với 6 tỷ bóng bán dẫn. Tesla tuyên bố con chip này có hiệu năng gấp 21 lần các chip của Nvidia mà họ sử dụng trước đây.
Bên cạnh nhiều thông số kỹ thuật, con chip do Tesla thiết kế và Samsung gia công này còn chứa một thông điệp mà Tesla đang muốn đưa ra: đó là bộ phận phần cứng này được tạo nên với mục đích xử lý toàn bộ dữ liệu từ các cảm biến của ô tô gửi về nhanh hơn và hiệu quả hơn các chip AI mà họ đang mua hiện nay.
Con chip do Tesla thiết kế và được Samsung sản xuất trên quy trình FinFET CMOS 14nm. Diện tích 260 mm2, 250 triệu cổng, 6 tỷ bóng bán dẫn.
12 lõi ARM Cortex-A72 64 bit, tốc độ 2,2 GHz.
Số lượng khung hình xử lý mỗi giây cao gấp 21 lần trước đây.
Có rất nhiều bộ xử lý lớn hơn, mạnh mẽ hơn trên thế giới, cũng như nhiều bộ xử lý nhỏ hơn khác, nhưng Tesla cho rằng các CPU và GPU đa dụng đó không mang lại tác dụng đặc biệt gì ở đây. Về cơ bản, Tesla cho rằng nó quá thừa thãi các tính năng vô ích.
Đáng chú ý, Tesla cho biết, các mảng mạng lưới thần kinh nhân tạo ghép đôi của con chip này có khả năng xử lý 36 nghìn tỷ phép tính mỗi giây (mỗi mảng) và chỉ có chi phí bằng 80% so với những gì công ty đã trả cho đối tác trước đây. Dù con chip của họ tiêu thụ điện năng cao hơn một chút (72W so với 57W trước đây), nhưng đổi lại họ có hiệu năng xử lý tăng gấp 21 lần. Mức điện năng tiêu thụ này sẽ không ảnh hưởng đến chi phí cũng như phạm vi hoạt động của chiếc xe.
Mỗi bản mạch có đến 2 con chip mới và thậm chí có cả nguồn điện dự phòng cho mỗi con chip.
Mỗi bản mạch máy tính dành cho xe tự lái của Tesla (có tên Full Self Driving Computer) sẽ được trang bị đến hai con chip mới này – một sự dư thừa thường thấy của Tesla khi họ muốn người dùng tin tưởng trao mạng sống của mình vào tay một chiếc máy tính. Bạn có thể thấy trên bản mạch còn có cả nguồn điện dự phòng cho mỗi con chip và thậm chí cả các phép tính dự phòng khi hệ thống so sánh kết quả từ cả hai bộ xử lý trước khi nó điều khiển tay lái xe.
Ông Musk cho biết: "Khi bất kỳ phần nào của hệ thống này bị hỏng, và chiếc ô tô vẫn tiếp tục lái được. Về cơ bản, khả năng chiếc máy tính này bị hỏng còn thấp hơn cả việc ai đó bị mất nhận thức – ít nhất là trên quy mô lớn."
Theo ông Musk, hiện mỗi chiếc ô tô do Tesla sản xuất ra đều sẽ có các phần cứng cần thiết dành cho khả năng tự lái hoàn toàn. "Tất cả những gì bạn cần chỉ là nâng cấp phần mềm". Tuy nhiên, vẫn chưa chắc chắn ông Musk muốn ám chỉ điều gì khi đề cập đến cụm từ "tự lái hoàn toàn".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"