Thảm cảnh của cha đẻ iPod tại Google nói lên rất nhiều về chuyện startup bán mình cho các tập đoàn lớn
Các nhà sáng lập (founder) tại các startup đều là những người đã nghĩ ra ít nhất 1 ý tưởng thay đổi thế giới. Nhưng trong kịch bản đẹp nhất có thể xảy đến với startup - được một ông lớn mua lại với giá khủng, các founder này vẫn có thể mất đi chỗ đứng của mình bất cứ lúc nào.
Thảm họa Nest: Thảm họa về lòng người
2 năm sau khi về tay Google, Nest không ra mắt được bất cứ một sản phẩm mới nào để tiếp tục cuộc cách mạng smarthome mà công ty này đã từng khởi xướng với chiếc máy đo nhiệt độ Learning Thermostat. Doanh thu Nest chưa bao giờ đạt mức cam kết do nhà sáng lập Tony Fadell cam kết với Google; tình trạng nghỉ việc tràn lan cùng cuộc khẩu chiến mất mặt giữa Fadell với Greg Duffy (cựu CEO của Dropcam, một công ty được Nest mua lại sau khi về tay Google) khiến Nest trở thành "thương vụ tồi tệ nhất của Google" theo cách gọi của báo giới.
Kết quả là đến ngày 5/6, Tony Fadell buộc phải từ bỏ ghế nóng tại Nest. 2 năm sau khi bán lại công ty của mình cho Google, vị "cha đẻ của iPod" chẳng tạo ra được đột phá hay thay đổi nào ngoại trừ... một vài tiếng xấu cho Google.
Sự trì trệ của Nest đến từ một nguyên nhân sâu xa: cái tôi của Fadell quá lớn.Nhà sáng lập của Nest quá kiêu ngạo, quá quan liêu để có thể dẫn đầu nỗ lực smarthome của một tập đoàn khổng lồ như Google. CEO Greg Duffy của Dropcam kể lại câu chuyện rằng anh này đã từng yêu cầu được làm việc trực tiếp với Fadell chỉ để nhận được một gáo nước lạnh: "Anh không đủ cấp bậc để làm việc với tôi".
Tổng số nhân viên từ bỏ Nest (tính cả Dropcam) lên tới 500 người, tạo ra không khí làm việc vô cùng căng thẳng. Ấy vậy mà Fadell vẫn lớn tiếng: "Rất nhiều người trong số này không tốt như mong đợi ban đầu của chúng tôi… không may mắn đó là một đội ngũ không mấy kinh nghiệm".
Duffy phản pháo: "Tôi không thể công bố doanh thu của Dropcam, nhưng nếu bạn biết tỷ lệ phần trăm mà đội ngũ nhỏ bé chỉ 100 người của Dropcam mang lại cho 'Other Bets' (các mảng kinh doanh phụ của Alphabet, nằm ngoài Google) thì Nest chắc chắn sẽ chẳng hay ho gì. Do đó, nếu Fadell muốn chứng minh lập luận của mình, tôi thách anh ta công bố các con số tài chính đầy đủ".
Quả thật, dù đã từng lên tiếng thanh minh nhưng Fadell vẫn chưa công bố được bất cứ con số nào về tình hình Nest. Và trong một bầu không khí ngột ngạt, rõ ràng là Fadell, Duffy hay bất cứ một nhân viên nào của Nest và Dropcam cũng khó có thể chế tạo ra chiếc iPod, Learning Thermostat hay Dropcam tiếp theo.
Khi khẩu chiến giữa Fadell và Duffy nổ ra vào tháng 2 vừa qua, ai cũng hiểu rằng cái ghế của Fadell tại Nest và Google đang lung lay hơn bao giờ hết. Khi những dự đoán u ám trở thành hiện thực, Fadell thanh minh rằng sự thay đổi này đã được ấp ủ "trong một năm" và ông ra đi để tìm kiếm cuộc cách mạng tiếp theo. Sự thật ai cũng biết là tình cảnh rối loạn của Nest khiến nhà sáng lập này trở thành cái gai trong mắt của các nhà đầu tư Alphabet, vốn ngày càng nghiêm khắc với các Other Bets của Google.
Quá nhiều Other Bet đang gặp phải các vấn đề lãnh đạo trầm trọng. Song, nếu nhìn vào quá khứ, bạn sẽ thấy ngay cả các vị lãnh đạo từ YouTube và Android cũng không có chỗ đứng khi về Google. Trong số 3 nhà sáng lập của YouTube, duy nhất CEO Chad Hurley ở lại với mảng web của Google (nhà sáng lập khác, Steve Chen chuyển sang hoạt động cho quỹ đầu tư Google Ventures) cho đến khi khăn gói ra đi vào năm 2010. Từ khi về tay Google, YouTube chưa bao giờ được công bố lợi nhuận. Nói cách khác, tính trên phương diện sinh lời YouTube chưa bao giờ là con cưng của Google cả.
Cha đẻ Android, Andy Rubin.
Hay như Andy Rubin, cha đẻ của Android cũng vậy. Năm 2013, ông bị hạ bệ khỏi vai trò lãnh đạo hệ điều hành do chính mình sáng tạo ra để nhường chỗ cho Sundar Pichai, người hiện đang là CEO của Google. Tồn tại "vật vờ" 1 năm ở phòng nghiên cứu các dự án cao cấp của Google, Rubin sau đó cũng đã từ bỏ gã khổng lồ tìm kiếm.
Lối thoát nào cho startup và các founder?
Tại sao Rubin lại mất ghế tại Google? Theo nhiều nguồn tin, Rubin không phải là một người biết nhân nhượng các đối tác phần cứng của Google trong khi Pichai lại là người biết lấy lòng người khác. Về bản chất, Android không trực tiếp sinh lời mà là phương tiện để Google đưa các dịch vụ của mình lên smartphone toàn cầu. Rubin chắc hẳn rất cưng chiều và luôn muốn bảo vệ Android một cách quyết liệt, nhưng vị thế của Android năm 2014 không cho phép Google giữ lại Rubin ở ghế nóng.
Tất cả những thành công, thất bại và những cuộc chia ly này nói lên điều gì? Trong bối cảnh Phố Wall nghi ngại các đợt IPO và bản thân các startup không thể sinh lời, "bán mình" cho các ông lớn là lựa chọn êm đẹp nhất. Nhưng mọi thứ không kết thúc ở đây. Các startup thất bại về doanh thu như Nest có thể sẽ bị ghi tên vào danh sách những thương vụ sáp nhập "thảm họa" nhất, bắt đầu bằng sự ra đi của các nhà sáng lập. Đáng ngại hơn, ngay cả khi ý tưởng startup được các công ty mẹ phát triển thành những thành công tầm vóc tỷ đô, các founder cũng có thể không còn chỗ đứng tại công ty mẹ. Họ không biết cách thu phục lòng người khi mở rộng tổ chức - như Tony Fadell, hoặc họ không biết cách hòa nhập vào lối chơi ở tầm vóc khổng lồ - như Andy Rubin.
Đó là còn chưa kể tới những trường hợp xấu hơn. Trong 5 năm hấp hối dưới triều đại Mayer, Yahoo đã mua lại hàng chục công ty lớn nhỏ. Gần như tất cả các ý tưởng startup đều xuống... mồ khi về với Yahoo. Đây cũng không hẳn là một kết quả không mong muốn, bởi Yahoo mua lại startup là để thâu tóm nhân tài. Nhưng, khi chính công ty mẹ Yahoo cũng chẳng có lấy một sản phẩm nào ra hồn, tất cả những nhân tài startup đều trở thành... vô nghĩa tại Yahoo.
Hoặc, trong tuổi đời chỉ hơn 10 năm, Facebook đã thực hiện nhiều thương vụ thâu tóm trị giá tỷ đô như Instagram, WhatsApp và Oculus Rift. Đáng buồn là trong khi các thương vụ Rift hoặc MSQRD sẽ giúp cải thiện trải nghiệm gốc của Facebook, Mark Zuckerberg chỉ mua lại Instagram và WhatsApp nhằm đảm bảo vị thế số 1 của Facebook trên mảng xã hội/liên lạc sẽ không bị đe dọa. Kết quả là ngày nay nhắc tới Facebook người ta cũng chỉ có thể kể tên Mark Zuckerberg hay Sheryl Sandberg (COO) chứ chẳng mấy ai biết tới Kevin Systrom (Instagram) hay Jan Koum (WhatsApp), dù họ đều là tác giả của những ý tưởng đã thay đổi thế giới.
Kịch bản ở đây sẽ không làm đẹp lòng những người máu sáng lập startup. Nghĩ ra ý tưởng tỷ đô là không hề dễ dàng, "sống" đến khi IPO hoặc được các ông lớn mua lại càng khó hơn nữa. Đến khi là một phần của các đế chế toàn cầu, các startup - nói chính xác hơn là các founder và bộ sậu của họ - sẽ phải tìm cách thích ứng với một môi trường, một sân chơi hoàn toàn mới. Có những người đơn giản sẽ chẳng bao giờ thích ứng nổi với môi trường đó. Năm 2008, Tony Fadell mất vị trí lãnh đạo đội ngũ iPod và iPhone cũng chỉ vì bất đồng quan điểm trong thiết kế.
Sáp nhập các gã khổng lồ vốn đã khó, sáp nhập startup vào những gã khổng lồ (như Nest với Google) hay startup vào startup (như Dropcam vào Nest) còn khó hơn. Những thương vụ như Nokia-Microsoft hay Motorola-Lenovo đổ bể là bởi văn hóa doanh nghiệp quá khắc biệt và/hoặc các mảng kinh doanh cốt lõi không tương thích với nhau, tạo ra vấn đề trên khía cạnh đoàn kết. Không khó để nhận ra rằng Google không phải là công ty phần cứng, và Tony Fadell không ưa người của Dropcam.
Dù sao, Apple, Microsoft, Google, Facebook và Amazon cũng đã từng là startup. Tất cả những gã khổng lồ trên thị trường đều xuất phát là những gã tí hon có duy nhất một ý tưởng hay ho có thể thay đổi thế giới. Nest, Android, YouTube, GoPro giống Apple, Microsoft, Google và Amazon ở chỗ đều đã thay đổi được thế giới ở một mức độ nào đó.
Có điều, khi những chú bé tí hon vươn mình thành những gã khổng lồ công nghệ, ngành công nghiệp hi-tech sẽ luôn sẵn sàng đào thải văn hóa startup đã từng nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo cũng như chính các vị founder đã từng đóng góp các ý tưởng đó. Đó cũng không hẳn là một điều vô lý, bởi khi thế giới có tới 200 unicorn thì những người như Tony Fadell, Andy Rubin hay Chad Hurley sẽ không phải là "của hiếm" tại Silicon.
Không phải cứ đạt doanh thu tỷ đô là thành Jeff Bezos tiếp theo.
Nhưng hàng trăm con người tầm cỡ Tony Fadell này sẽ phải đối mặt với một thử thách khắc nghiệt hơn rất nhiều: làm thế nào để trở thành Larry Page, Jeff Bezos hay Mark Zuckerberg tiếp theo? Với nhiều người trong số họ, đó sẽ là một câu hỏi không có lời giải.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming