Thành phố thông minh ở Hà Nội sẽ có xe bus không người lái và rất nhiều hoa anh đào

    Lan Anh, Theo Trí Thức Trẻ 

    Chính phủ Nhật Bản và hơn 20 công ty khác sẽ cùng nhau xây dựng thành phố thông minh ở Việt Nam vào năm 2023. Thành phố sẽ có xe bus không người lái và 3.000 cây anh đào.

    Tập đoàn Sumitomo, công ty Mitsubishi Heavy Industries và nhà khai thác tàu điện ngầm Tokyo Metro nằm trong số các công ty tham gia xây dựng thành phố thông minh. Trị giá gần 4 ngàn tỷ yen (37,3 tỷ USD), đây là dự án lớn nhất của Nhật Bản ở nước ngoài tính đến nay, theo đại diện một công ty Nhật.

    Dự án này là sự nỗ lực của nhiều bên, trong đó có Bộ kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. Nguồn tài chính cho dự án đến từ quỹ mà các công ty tự huy động, quỹ hỗ trợ phát triển các dự án ở nước ngoài của Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam.

    Bộ Thương mại Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ hỗ trợ các công ty của Nhật bằng cách thực hiện các nghiên cứu và đàm phán với Việt Nam.

    Dự án này phù hợp với chính sách thúc đẩy "đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao" ở những nền kinh tế mới nổi của Thủ tướng Shinzo Abe. Nhật Bản muốn giành được các dự án nước ngoài bằng cách nâng cao chất lượng và đem đến các công nghệ Nhật Bản thay vì dùng chính sách giảm giá. Chính phủ Nhật nhận thấy thành phố thông minh có cả các công trình lớn như nhà máy năng lượng và cả những công nghệ sáng tạo gần gũi với người tiêu dùng.

    Thành phố thông minh tại Hà Nội là dự án liên danh của Tập đoàn Sumitomo và Tập đoàn BRG của Việt Nam. Công ty kiến trức Nikken Sekkei của Nhật thực hiện thiết kế thành phố trên 310 hecta tại huyện Đông Anh, cách trung tâm thành phố 15 phút chạy xe.

    Giai đoạn 1 của dự án có thể bắt đầu triển khai từ đầu tháng 10/2018. 7.000 căn hộ và cơ sở thương mại sẽ được hoàn thành vào cuối năm sau.

    Các căn hộ hướng tới đối tượng khách hàng thu nhập trung bình. Giá dao động trong khoảng 10.000 – 15.000 yen. Liên danh Sumimoto - BRG sẽ đầu tư trên 1 tỷ USD.

    Mitsubishi Heavy sẽ cung cấp xe bus không người lái và các trạm sạc điện cho phương tiện giao thông chạy bằng điện. Điều này giúp hạn chế xe máy và các loại ô tô xả thải ra môi trường.

    Các thiết bị thông minh của Panasonic và KDDI giúp thành phố tiết kiệm năng lượng. Trong khi đó, Tập đoàn Daikin dự định phát triển hệ thống điều hòa phù hợp với khí hậu ẩm ướt của Hà Nội. Tập đoàn Aeon và Summit dự định mở các siêu thị ở thành phố thông minh này. Các ngôi nhà sẽ được trang bị pin năng lượng mặt trời và thiết bị tái chế rác thải.

    Đường sắt trên cao tuyến số 2 xây dựng bằng vốn ODA dự kiến sẽ mở rộng đến sân bay Nội Bài để đưa khách du lịch nước ngoài đến với thành phố.

    Các tập đoàn của Nhật Bản nhận thấy cơ hội áp dụng trình độ chuyên môn trong ngành đường sắt tại Đông Nam Á. Khu vực này đang chứng kiến sự bùng nổ của ngành đường sắt và phát triển đô thị, do vậy mà nhu cầu đối với các thành phố thông minh rất cao.

    Chính phủ Singapore và các doanh nghiệp của họ cũng đang phát triển thành phố thông minh ở Malaysia.

    Các công ty của Nhật đã nắm trong tay một số dự án phát triển đô thị trong khu vực. Ví dụ, Tập đoàn Mitsubishi đã làm việc với một tập đoàn ở địa phương trong một dự án xây dựng trị giá 2,3 ngàn tỷ yen ở Indonesia. Dự án ở Việt Nam là dự án đầu tiên thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn của Nhật.

    Bên cạnh xây dựng các công trình và thiết bị công nghệ cao, các công ty còn dự kiến mang đến thành phố thông minh ở Hà Nội một biểu tượng của Nhật Bản. Đó là 3.000 cây anh đào có thể phát triển tốt trong điều kiện địa phương.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ