Thấy gì về Android cao cấp qua những vấn đề rõ ràng của LG, HTC, Google?
Ngoại trừ màn hình 2:1 do LG và Samsung khai phá, các OEM Android trong năm nay gần như không ra mắt một thay đổi nào xứng tầm "đột phá" cả. Những thay đổi táo bạo nhất thuộc về 2 tên tuổi đã khai sinh ra Android, song đáng tiếc tham vọng lớn đã chưa thể mang lại kết quả mong muốn.
Chỉ trong vòng vài ngày, các tín đồ của Android cao cấp đã liên tiếp phải đón nhận những tin tức không vui. Pixel 2 XL, chiếc smartphone cao cấp được LG sản xuất không chỉ mắc lỗi blue shift (loang lổ màu xám/xanh) mà còn gặp phải hiện tượng burn-in (bóng mờ hình ảnh cũ bị lưu lại). Trong tuyên bố chính thức, Google đã phải lên tiếng xác nhận sẽ “chủ động” điều tra các lỗi xảy ra trên chiếc phablet có giá khởi điểm 850 USD này.
Đến đầu tuần, Essential Phone của “cha đẻ Android” Andy Rubin bị giảm giá 200 USD. Trong khi đây không phải là tin buồn đối với những người thực sự muốn mua Essential Phone, hiện tượng giảm giá mạnh tay như vậy nói lên một sự thật duy nhất: không mấy ai muốn mua Essential Phone cả.
Trong một năm các OEM chủ yếu tập trung vào màn hình 2:1 và các tính năng cũ (như bút stylus), những tham vọng táo bạo nhất dành cho Android cao cấp đang đến từ Andy Rubin và Google.
Cùng lúc, tin tức về chiếc HTC U11 xuất hiện một cách mờ nhạt. Trong suốt nhiều năm vừa qua, “mẹ đẻ của Android” đã liên tục chìm trong suy thoái với những sản phẩm chất lượng nhưng... thất bại. Đến sát thềm ra mắt Pixel 2 (do chính HTC sản xuất), công ty Đài Loan tuyên bố bán lại mảng phát triển Pixel cho Google. Toàn bộ nhân lực cao cấp của mảng này giờ sẽ thuộc về Google.
Mọi thứ có thể đã đi theo một chiều hướng khác nếu như Google mua lại toàn bộ HTC, khi đã bán đi mảng kinh doanh chiếm đến quá nửa tổng trị giá tài sản, HTC chắc chắn sẽ không tạo ra được phép màu nào với U11 cả. Hành trình của công ty từng tạo ra 4/8 mẫu Android bán ra thị trường trong năm đầu tiên “khai sinh” rất có thể sẽ kết thúc trong 2018.
Như thế, nửa sau của năm 2017 có thể coi là ngập tràn những tín hiệu đáng buồn với cả 3 thế lực đã từng góp phần tạo ra hệ điều hành số 1 thế giới. Có thể nói rằng, từng sự kiện trong số này lại đang thể hiện những khía cạnh đáng buồn khác nhau của mảng Android cao cấp.
Từ HTC: Cái chết của phần cứng và nhu cầu dành cho AI
Có lẽ, cái chết rất từ tốn của HTC đã là một nguồn cảm hứng quan trọng để Google tạo ra tầm nhìn Pixel. HTC tạo ra sản phẩm tốt, nhưng một lần nữa, “đủ tốt” vẫn là không đủ: HTC không thể tạo ra sự khác biệt so với Samsung, Sony, Huawei hay các công ty Trung Quốc vốn đang đẩy thị trường vào vòng tròn luẩn quẩn của “cấu hình cao giá rẻ”.
Sự thật là nếu để cho các đối tác phần cứng tiếp tục đóng vai trò tâm điểm của Android, thị trường Android sẽ ngày một đi vào lối mòn. Camera kép, màn tràn cạnh là những “đột phá” được ca ngợi nhiều trong những năm gần đây, song nếu nhìn một cách nghiêm khắc thì những tính năng dù hữu ích vẫn không thể coi là đột phá thực sự. Thay vì bỏ thời gian ra bàn tán về tỷ lệ 2:1 vốn chẳng có nội dung nào hỗ trợ hay những thứ nhỏ nhặt như jack tai nghe, người dùng nên được tận hưởng những “chiều trải nghiệm” mới, những "chiều trải nghiệm" họ chưa từng được tận hưởng.
Essential của Andy Rubin và Pixel của Google là những lời hứa dành cho những trải nghiệm mới mẻ đang quá thiếu hụt trên thị trường.
Essential Phone: Thất bại của hệ sinh thái
Với Essential Phone, Andy Rubin muốn phát triển đến cực điểm một tầm nhìn đã được Samsung, LG và các hãng khác theo đuổi từ lâu: smartphone chỉ là một phần nhỏ trong hệ sinh thái. Andy Rubin muốn tạo ra chiếc điện thoại chỉ “vừa đủ” cho những nhu cầu “essential” nhất – “thiết yếu nhất” để phục vụ cho một căn nhà thông minh với nhiều thiết bị cùng chạy Essential OS.
Nhưng cuối cùng thì người tiêu dùng của năm 2017 vẫn dành phần lớn sự chú ý cho điện thoại. Một chiếc điện thoại dù có cao cấp đến mấy nhưng chỉ “vừa đủ” thôi sẽ không thể bán được. Và Andy Rubin vẫn phải bắt đầu hệ sinh thái của mình từ một chiếc điện thoại. Ngay tại thời điểm hiện tại, người tiêu dùng từ chối mua chiếc vé bước chân vào hệ sinh thái ấy. Nói cách khác, thị trường từ chối “nuôi” Essential đến khi hệ sinh thái có thể ra mắt.
Google: Phần cứng nào cho phần mềm cao cấp?
Pixel mang đến một tuyên ngôn đáng sợ từ Google: Chỉ có Google mới có thể tạo ra Android "chuẩn". Và đây là Android của riêng Google.
Một trong những sai lầm lớn nhất của Essential là vẽ ra một tầm nhìn quá lớn nhưng thực lực lại quá nhỏ. Essential muốn dùng AI trong Essential OS để kết nối hệ sinh thái của mình, nhưng danh sách các thế lực AI thực thụ lại chỉ bao gồm 4 tên tuổi duy nhất Apple, Amazon, Microsoft và Google. Bixby của Samsung hay "AI đích thực" của Huawei chưa đủ tầm để sánh vai với 4 ông lớn này.
Và thế là Google phải tự hiện thực hóa tầm nhìn AI của mình, để tạo ra một trải nghiệm Android không một “đối tác” sản xuất nào có được. Đáng tiếc rằng nếu muốn tạo ra trải nghiệm ấy, Google sẽ không thể nhờ tới những tên tuổi vẫn đang nuôi tham vọng tầm cao như Huawei, Sony hay Samsung. Google buộc phải nhờ tới một công ty đang đứng bên bờ vực tuyệt vọng và một công ty đã liên tục dính “phốt”, liên tục chịu lỗ vì di động trong nhiều năm.
Quả thật, bất cứ ai đã từng chịu đựng vì Nexus 4 và Nexus 5, G4 và G5, V10 và V20 đều sẽ không thấy bất ngờ khi nghe về sự cố của Pixel 2 XL. Nếu không có sự cố màn hình, chiếc smartphone này xứng đáng là sản phẩm Android nổi bật nhất của năm 2017: nếu như Samsung vẫn chỉ cạnh tranh bằng bút cảm ứng, Huawei thì “to mồm” nhưng chẳng làm được mấy, LG và Sony vẫn mờ nhạt thì Pixel 2 XL là chiếc Android cao cấp có thể thực sự phô diễn năng lực AI của loài người. Nói “loài người” là bởi trên lĩnh vực AI, Google đang tiến xa nhất.
Đây là vấn đề Google sẽ phải giải quyết trong năm sau. Thật may mắn, gã khổng lồ này đã thâu tóm lại toàn bộ tinh hoa của HTC. Cả 2 phiên bản Pixel 3 của năm 2018 có lẽ sẽ hưởng lợi từ quá khứ lẫy lừng của "mẹ đẻ Android" HTC, mở ra một chương thực sự tươi mới cả về phần mềm lẫn phần cứng cùng chất lượng.
Nhưng cho đến lúc đó, hãy tạm chấp nhận một năm khá buồn bã của những kẻ đang đi tìm đường đi mới cho Android.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"