The North Face tìm cách lừa Wikipedia để đưa sản phẩm lên top kết quả tìm kiếm Google mà không mất tiền

    Tấn Minh,  

    Hãng quần áo này đã đánh tráo các bức ảnh Wikipedia bằng các bức ảnh chụp sản phẩm của chính mình.

    The North Face, trong một chiến dịch quảng cáo hợp tác cùng Leo Burnett Tailor Made, đã tận dụng một mánh khóe chẳng ai ngờ tới để được lên top danh sách kết quả tìm kiếm của Google Images: thay thế các bức ảnh trên Wikipedia bằng các bức ảnh có mặt sản phẩm của hãng.

    Trong đoạn video quảng cáo, công ty quần áo này diễn giải cho người xem thấy mọi chuyến du lịch đều khởi đầu với một hành động tìm kiếm trên Google ra sao, và thông thường, hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong danh sách kết quả tìm kiếm là hình ảnh đến từ một bài viết về điểm đến trên Wikipedia. Nắm được điều này, The North Face đã quyết định đi đến những địa điểm du lịch phổ biến như Guarita State Park ở Brazil và Huayna Picchu ở Peru để chụp những bức ảnh với người mẫu đang mặc những sản phẩm của hãng. Sau đó, công ty này tiếp tục tráo đổi những bức ảnh gốc của Wikipedia bằng ảnh của chính mình, hoặc trong một số trường hợp, họ...sử dụng Photoshop để chèn một sản phẩm The North Face vào một bức ảnh hiện có.

    The North Face lợi dụng Wikipedia để leo top kết quả tìm kiếm Google

    Đoạn video còn khoe khoang The North Face đã hack các kết quả một cách đầy thông minh ra sao để đưa sản phẩm của mình lọt top Google Search, "hoàn toàn không trả gì cả, chỉ cần hợp tác cùng Wikipedia". Chỉ có điều hành động của The North Face chẳng thể gọi là hợp tác được; đó là hành động vi phạm đều khoản sử dụng dịch vụ của Wikipedia nhằm phục vụ mục đích kiếm tiền. Khi chiến dịch quảng cáo này bị websit Ad Age bóc mẽ, các biên tập viên của Wikipedia mới phát hiện ra và xóa bỏ ngay lập tức hầu hết mọi bức ảnh quảng cáo cho sản phẩm của The North Face, đồng thời báo cáo tài khoản người dùng vi phạm quy chế.

    The North Face tìm cách lừa Wikipedia để đưa sản phẩm lên top kết quả tìm kiếm Google mà không mất tiền - Ảnh 2.
    The North Face tìm cách lừa Wikipedia để đưa sản phẩm lên top kết quả tìm kiếm Google mà không mất tiền - Ảnh 3.
    The North Face tìm cách lừa Wikipedia để đưa sản phẩm lên top kết quả tìm kiếm Google mà không mất tiền - Ảnh 4.

    Ad Age nhận định rằng, dựa trên tuyên bố ban đầu đến từ Leo Burnett Tailor Made, công ty có thể đã lường trước được phản ứng tiêu cực từ công chúng đối với chiến dịch quảng cáo này. Có lẽ chính bài viết trên Ad Age cũng vô tình rơi vào cái bẫy của The North Face nhằm đưa tên tuổi của mình càng nổi càng tốt. Nhưng có một sự thật là việc lạm dụng một nền tảng chuyên phục vụ giáo dục để quảng cáo miễn phí chỉ khiến hình ảnh thương hiệu của chính bạn trở nên tham lam và thiếu tôn trọng mọi người mà thôi.

    Tham khảo: TheVerge

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ