Thị phần smartphone bay hơi gần hết, Sony mới nhận ra vì sao hãng này thua cuộc: giá mà họ làm như Samsung
Cùng là 2 tập đoàn tham gia nhiều mảng kinh doanh, hướng tiếp cận của Samsung khôn ngoan và sáng suốt hơn hẳn Sony.
Vị thế của Sony trên làng smartphone bao năm qua là cả một nghịch lý: cảm biến của hãng này có mặt trên gần như tất cả các thương hiệu smartphone lớn. Ai cũng biết Apple dùng cảm biến của Sony trên iPhone, Google dùng cảm biến Sony trên Pixel. Các hãng Trung Quốc như OPPO hay Xiaomi cũng mang cảm biến Sony ra khoe, thậm chí đến Samsung – đối thủ lớn nhất của Sony trên thị trường cảm biến cũng mua Sony IMX về sử dụng trên Galaxy S9.
Ấy thế mà nói đến chiếc smartphone có ảnh chụp tuyệt vời nhất, không bao giờ cái tên Xperia xuất hiện dù chỉ một lần. Nghịch lý này xảy ra KHÔNG phải vì Sony không thể tạo ra những chiếc smartphone chụp ảnh tốt.
Không phải câu chuyện mới
Xperia 1 là chiếc smartphone đầu tiên vượt qua được trở ngại do... bộ phận máy ảnh Alpha đặt ra.
Trong một bài phỏng vấn với Trusted Review, một vị lãnh đạo của Sony đã đưa ra một thú nhận không mấy hay ho: "Vẫn có những 'bí kíp' mà mảng máy ảnh không muốn cung cấp cho mảng smartphone, vì nếu như smartphone có thể chụp hình đẹp bằng máy ảnh, thì tại sao người dùng lại phải bỏ số tiền lớn ra để mua máy ảnh nữa?".
May mắn là Xperia 1 đã chấm dứt tình trạng này. Một loạt các công nghệ từ Alpha được đưa lên di động, từ chip BIONZ X cho đến công nghệ Eye AF (lấy nét theo mắt), từ công nghệ xử lý ảnh RAW cho đến ứng dụng Cinema Pro... Chưa bao giờ một chiếc Xperia lại tiến gần đến máy ảnh Alpha và camera CineAlta đến vậy. Một điều chưa từng xảy ra với các mẫu Xperia Z, X hay XZ, nay đã trở thành hiện thực trên Xperia 1.
Không mấy bất ngờ, thay đổi chỉ xảy ra sau khi Sony tái cơ cấu vào năm 2018, khi chủ tịch mảng máy ảnh là Kimio Maki được chuyển sang mảng di động. Tất cả đội ngũ phát triển công nghệ hình ảnh được lồng ghép vào làm một. Thay vì kìm kẹp nhau, giờ đây, Xperia, Alpha và Cybershot được phát triển đồng đều, được coi là người một nhà.
Bài học từ Samsung
Là đối tác cung ứng hàng đầu cho Apple và nhiều hãng smartphone khác, bạn đã bao giờ thấy Samsung tự kìm hãm smartphone của chính mình?
Xperia là một tin mừng đến từ sau quá nhiều những năm tháng đáng quên. Nhưng câu hỏi lớn hơn là, tại sao tình trạng "chia cắt nội bộ" lại có thể tồn tại ở Sony cho đến tận năm 2018? 20 năm sau ngày bắt đầu cú trượt dài để mất vị thế số 1 thế giới, tại sao Sony vẫn không thể học được một bài học quan trọng từ kẻ đã đánh đổ mình - Samsung.
Bài học ấy đơn giản chỉ là: không dùng mảng kinh doanh này để kìm hãm mảng kinh doanh khác. Những chiếc Galaxy là minh chứng rõ rệt nhất. Dù có gia công Snapdragon cho Qualcomm, Samsung vẫn tự phát triển dòng chip riêng (Exynos) theo tầm nhìn của riêng mình.. Dù có khoảng 1/5 doanh thu tấm màn đến từ Apple, Samsung vẫn không ngại mang những tấm màn tốt bậc nhất lên Galaxy S/Note.
Trớ trêu nhất, Samsung vẫn sẵn sàng mua cảm biến Sony để sử dụng cho smartphone Galaxy, cho dù mảng cung ứng cảm biến của hãng này vẫn luôn ôm mộng lật đổ Sony trên thị trường di động. Smartphone Galaxy cũng sử dụng cả pin từ Samsung SDI lẫn các nhà cung ứng khác. Không có một công ty con nào của Samsung đi kìm hãm các mảng kinh doanh khác: nếu Samsung thống trị từng lĩnh vực, Samsung thống trị cả thế giới.
Nhận ra có quá muộn?
Nếu một sản phẩm "đúng nghĩa Sony" như Xperia 1 xuất hiện sớm hơn, vị thế của Sony trên làng smartphone giờ này đã khác.
Xperia 1 là tín hiệu mừng đầu tiên cho thấy, một khi đã vượt qua được tình trạng "tự chia cắt", Sony vẫn có thể tạo ra những chiếc smartphone thực sự ấn tượng. Thế nhưng, tính đến quý 3/2018, doanh số cả quý của Sony đã hạ xuống dưới mốc 2 triệu máy. Cùng lúc, Samsung vẫn giữ vững vị thế số 1 thế giới về thị phần di động.
Liệu giờ đã là quá muộn để hồi sinh Xperia? Điều đó còn tùy thuộc vào doanh số của Xperia 1. Nhưng có một điều là chắc chắn: nếu Sony học được từ bài học đã được Samsung dạy trong suốt... hàng chục năm qua, nếu Xperia 1 ra mắt sớm hơn, giờ đây có lẽ Sony đã có một chân trong top 5 toàn cầu chứ không thảm hại đến vậy.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập