Thị trường nhỏ bé như Việt Nam có thể là tín hiệu báo trước những gì Huawei sắp phải đối mặt trên toàn cầu
Hết năm 2019, Huawei vẫn khoe tăng trưởng. Tại Việt Nam, thị phần của hãng này đã "bốc hơi" gần như hoàn toàn.
Dựa theo số liệu được GfK công bố gần đây nhất, thị phần của Huawei đã sụt xuống mức chỉ còn 0,4% tại thị trường Việt Nam. So với mức thị phần của Huawei đạt được vào tháng 4/2019, tức là ngay trước khi bị Google ngừng hợp tác, gã khổng lồ Trung Quốc đã đánh mất tới 90% doanh số vào tay các đối thủ khác. Không sớm thì muộn, toàn bộ những gì Huawei gây dựng được tại Việt Nam sẽ tan vào mây khói.
Bất ngờ lao dốc
Huawei dần "bốc hơi" khỏi Việt Nam.
So với những gì diễn ra cách đây 1 năm, đây quả thật là một cú quay đầu có màu sắc… bi kịch. Là một trong những hãng smartphone đình đám đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc và đến giờ vẫn là ông vua tại Đại Lục, Huawei đã từng gặp không ít vất vả, trải qua không ít biến cố trước khi leo lên vị trí số 4 vào năm 2018. Năm đó cũng là năm bước ngoặt khi "Doanh số smartphone Huawei tại Việt Nam năm 2018 tăng trưởng gấp đôi so với năm 2017", ông Arron Liu - Giám đốc Tiếp thị Nhóm kinh doanh tiêu dùng Huawei Việt Nam khẳng định. Tổng doanh thu của Huawei trên mảnh đất hình chữ S: trong năm 2018 là 2650 tỷ đồng.
Khi đó, Huawei cũng không hề che giấu tham vọng bành trướng:
"Việt Nam là một trong hai thị trường lớn nhất của Huawei tại khu vực châu Á Thái Bình Dương", ông Arron tiết lộ. "Huawei xác định Đông Nam Á là thị trường trọng điểm, do đó hãng tập trung nguồn lực, từ con người đến tài chính vào thị trường này, trong đó Việt Nam là thị trường rất quan trọng".
Đòn đánh của nước Mỹ
Con đường tăng trưởng vũ bão của Huawei tại Việt Nam phản ánh những gì diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Cả 2 năm 2017 và 2018 đều là những năm bước ngoặt của Huawei khi doanh số và thị phần của hãng này đã có thời điểm vượt mặt Apple, đưa Samsung vào tầm ngắm. Huawei cũng áp dụng một chiến lược chung giữa Việt Nam và thế giới: đánh phủ chứ không chỉ tập trung đánh giá rẻ như các hãng Trung Quốc khác (Xiaomi hay OPPO). Smartphone cao cấp của Huawei được bán ở tất cả các kênh phân phối lớn tại Việt Nam, vừa góp phần xây dựng hình ảnh cho công ty, vừa đem lại lợi nhuận bổ sung.
Huawei đã từng có triển vọng khá tươi sáng tại Việt Nam.
Chỉ đến khi tổng thống Trump liệt Huawei vào danh sách đen thương mại của Mỹ - cũng là khi Huawei mất quyền sử dụng Android-của-Google, câu chuyện về Hoa Vỹ tại Việt Nam và trên toàn cầu mới bắt đầu đi theo 2 hướng trái ngược. Tại Việt Nam, thị phần Huawei bay hơi. Trên phạm vi toàn cầu, thị phần của Huawei tăng mạnh, cả quý 2 và quý 3 đều đạt mức 2 chữ số. Những ngày cuối năm, Huawei tự hào công bố doanh doanh thu tăng 18%, doanh thu tăng 17%.
2 xu thế tưởng chừng trái ngược này thực ra lại có thể một cách rất đơn giản bằng sự khác biệt trong cách sử dụng smartphone của người Việt Nam và người Trung Quốc. Cũng như phần lớn các hãng smartphone Trung Quốc khác, thị trường quan trọng nhất của Huawei là thị trường quê nhà, nơi các dịch vụ của Google (hay Microsoft, Facebook…) đều bị cấm. Khi đến lượt Huawei rơi vào danh sách đen của nước Mỹ, khối người dùng tối quan trọng này gần như không bị ảnh hưởng – họ vẫn tiếp tục dùng Baidu, Weibo, WeChat như trước.
Thậm chí, lệnh cấm còn gián tiếp giúp đỡ Huawei khi kích động lòng yêu nước của người Trung Quốc, khiến họ giảm mua smartphone Vivo, OPPO, Xiaomi và Apple và chuyển sang mua Huawei. Trong lúc thị trường Đại Lục đứng yên, Huawei tăng trưởng đến 66%, các hãng khác giảm ở mức 10 đến 30%. Con số 44 triệu máy bán ra tại Trung Quốc trong quý 3 là yếu tố quan trọng nhất giúp Huawei đạt đến mức tăng trưởng …% trong quý này ở phạm vi toàn cầu.
Huawei tăng trưởng toàn cầu là do được người dân trong nước quay ra ủng hộ trong thời chiến tranh thương mại.
Người dùng Việt Nam: Người dùng quốc tế
Người dùng Việt Nam hiển nhiên là khác biệt hoàn toàn. Tại Việt Nam, YouTube thống trị đến nỗi các công ty truyền thông lớn có thể bị đánh gục khi mất thỏa thuận hợp tác lưu trữ nội dung với dịch vụ này. Bất kỳ người dùng nào cũng có tài khoản Gmail. Nhắc đến bản đồ trực tuyến phần đông người dùng Việt sẽ nghĩ đến Google Maps trước tiên, nhắc đến trình duyệt thì chắc chắn Chrome cũng là cái tên đầu tiên được người Việt lựa chọn.
Hiển nhiên, người Việt chỉ chấp nhận dùng Android của Google. Đó là lý do ai cũng có thể nhìn ra khi doanh số Huawei tại Việt Nam cắm đầu lao dốc. Song, điều không mấy ai nghĩ đến là, một thị trường nhỏ như Việt Nam đã lại báo trước chính xác những điều tồi tệ sẽ xảy đến Huawei ngay sau đó: công ty Trung Quốc bắt đầu gặp khó tại Việt Nam ngay trong tháng 5 và đến quý 4 thì gặp khó khăn trên toàn cầu.
Không phải ai cũng nhìn thấy cái khó của Huawei. Dù cố gắng đưa ra những tín hiệu đẹp bằng cách tính doanh số cả năm, Huawei đã không thể che giấu sự thật rằng doanh số của hãng này đã lần đầu suy giảm, thậm chí là giảm mạnh, trong quý 4. Có vẻ, sức mua tại Trung Quốc đã dần đến thời điểm hạ nhiệt. Người mua Trung Quốc có thể quay ra ủng hộ Huawei ồ ạt trong quý 2 và quý 3 nhưng lại không làm vậy trong quý 4, đúng vào mùa mua sắm quan trọng nhất (Lễ Độc Thân 11/11). Cú tăng trưởng sốc của Huawei trong quý 2 và quý 3 như vậy chỉ là một hiện tượng nhất thời.
Không còn Google, dần dần Huawei sẽ bị mất chỗ đứng trên toàn cầu - theo cách hãng này đã bị người Việt Nam ghẻ lạnh.
Khi mọi thứ bình ổn, người ta sẽ nhanh chóng nhận ra rằng, thị trường Trung Quốc đã bão hòa tới 3 năm nay rồi. Các thị trường quốc tế như Ấn Độ, Indonesia hay Việt Nam là miền đất hứa mà Huawei buộc phải nhắm tới. Song, các thị trường này lại đòi hỏi một thứ mà Huawei không có: Android của Google. Cũng tương tự như Việt Nam, tại Ấn Độ Huawei vốn đang trên đà tăng trưởng ổn định vào cuối 2018/đầu 2019 thì đến quý 3 đã giảm chỉ còn 1%. Tại Đông Nam Á, Xiaomi đã chiếm vị trí thứ 4 của Huawei ngay từ quý 2.
Người dùng Việt Nam yêu Google. Người dùng các thị trường mới nổi cũng vậy. Nếu không kịp thỏa thuận với Google để đưa Play, Gmail, YouTube và Maps trở lại với những chiếc Mate, Honor hay P, Huawei sẽ nhanh chóng chứng kiến câu chuyện buồn tại Việt Nam lan ra khắp thế giới.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming