Thị trường smartphone 2012: Những bại binh phục hận

    PV,  

    Trung Quốc chiếm 2 trong số 5 nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới.

    Việc hai công ty Trung Quốc tăng hạng trong quý IV/2012 đã cho thấy một năm lận đận của các hãng smartphone tên tuổi, nhưng Sony, Nokia, RIM... cũng đang hứa hẹn hồi sinh mạnh mẽ. 


    Theo thống kê mới nhất của IDC, ZTE và Huawei đều có mặt trong danh sách 5 công ty sản xuất smartphone nói riêng và điện thoại nói chung lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả tạm thời của ba tháng cuối năm và trật tự có thể sẽ lại thay đổi nếu BlackBerry 10 của RIM hay Xperia Z của Sony thực sự chinh phục người dùng.


    Thị trường smartphone 2012: Những bại binh phục hận 1
    Sony Xperia Z là một trong những smartphone đáng chú ý nhất 2013.

    Hãy bắt đầu với Sony. Họ không có mặt trong Top 5 nhà sản xuất điện thoại, dù vẫn đứng thứ 4 về smartphone (có ý kiến cho rằng việc Sony vẫn giữ được vị trí này chẳng qua là do các đối thủ của họ tự xuống dốc quá nhanh). Nhưng có thể nói, trên thế giới không nhiều công ty lại hay gặp vận rủi như hãng điện tử Nhật. Họ phải hứng chịu thảm họa sóng thần, bão lũ ở Nhật và Thái Lan khiến công việc kinh doanh và sản xuất đình trệ, nhà kho và hàng hóa bị đốt cháy trong cuộc bạo động ở London (Anh), đồng Yên cao thách thức việc xuất khẩu hàng hóa với giá cạnh tranh hay cuộc tấn công kéo dài và để lại các hậu quả nghiêm trọng của hacker vào mạng PlayStation...


    Tuy nhiên, gốc rễ của sự đi xuống ở Sony không chỉ là do sự đen đủi và tác động của ngoại cảnh mà còn nằm ở chính bản thân hãng này. Họ có quá nhiều dòng sản phẩm chồng chéo, dù hầu hết đều đẹp và sang trọng nhưng khiến người tiêu dùng không quá am hiểu về công nghệ khó phân biệt được sự khác nhau giữa "ma trận" laptop Vaio, điện thoại Xperia hay TV Bravia. Sự phong phú đôi khi lại làm giảm sức mạnh của thương hiệu. Một số khách hàng Sony đã than thở rằng đôi khi nhìn vào một chiếc Xperia, họ lúng túng không biết đó là S hay P hay T... Có thể, sẽ có ý kiến phản bác rằng Samsung cũng "ôm đồm" nhiều dòng sản phẩm như vậy mà họ không hề thất bại, nhưng rõ ràng công ty đến từ Hàn Quốc lại đang hơn Sony một bậc về việc không tiếc tiền dành cho marketing và các chiến dịch quảng cáo.


    Nói về sự kém thành công của Sony thời gian qua thì còn phải kể nhiều nguyên nhân khác từ sự độc quyền công nghệ và định dạng, sai lầm trong chiến lược hợp tác, kinh doanh cho đến văn hóa thủ cựu và bộ máy quản lý cồng kềnh... Tuy nhiên, hãng này cũng đang cho thấy những tín hiệu họ bắt đầu đi đúng hướng trở lại. Tại triển lãm CES ở Mỹ đầu tháng này, họ đã tập trung hơn khi chỉ tung ra mẫu điện thoại đình đám Xperia Z. Sản phẩm nhận được rất nhiều đánh giá tích cực từ các chuyên gia bình luận, nói rằng đây mới đúng là smartphone "đúng chất Sony" kể từ khi không còn hợp tác với Ericsson.


    Thiết bị hội tụ những ưu điểm của Sony như phong cách thiết kế lịch lãm, cấu hình cao, chống thấm nước, màn hình Full HD rực rỡ, cảm biến ảnh chất lượng cao. "Một điện thoại như Xperia Z sẽ đóng vai trò sống còn trong việc xây dựng lại thương hiệu Sony", chuyên gia phân tích Ben Wood của CCS Insight tin tưởng. Sony không chỉ có smartphone, nhưng một sản phẩm như Xperia Z nếu thành công sẽ tạo hiệu ứng và vực dậy hình ảnh của hãng này.


    Thị trường smartphone 2012: Những bại binh phục hận 2
    RIM sẽ có sự kiện đặc biệt quan trọng ngày mai.

    Trong khi đó, người hâm mộ BlackBerry đang mong chờ lễ công bố BlackBerry 10, được tổ chức cùng thời điểm tại New York, Paris, London, Toronto, Dubai, Delhi, Johannesburg, Jakarta ngày 30/1. Sự kiện này được đánh giá là đặc biệt quan trọng vì nó đánh dấu sự khởi đầu mới của RIM, cũng như giúp người hâm mộ quyết định sẽ tiếp tục trung thành với BlackBerry hay chuyển sang một nền tảng khác hứa hẹn hơn như Android, iOS...


    Chính vì thế, RIM cũng chi tới vài triệu USD để chạy quảng cáo trong trận tranh cúp bóng bầu dục Mỹ Super Bowl lần thứ 47 ngày 3/2 "nhằm chứng tỏ BlackBerry đã đổi mới và được thiết kế lại như thế nào tới hàng chục triệu người tiêu dùng" theo lời Frank Boulben, Giám đốc marketing của RIM. Hãng này từng thừa nhận nền tảng BlackBerry 10 là cơ hội cuối cùng và tốt nhất để họ thực hiện cuộc lội ngược dòng thời gian tới.


    "BlackBerry 10 quyết định sự thành bại (make or break) của RIM. Họ tổ chức một lễ công bố hoành tráng. Họ phải đảm bảo không có lỗi nghiêm trọng khi sản phẩm được xuất xưởng. Họ phải truyền tải được thông điệp tới các nhà phân phối và người tiêu dùng", Ted Schadler, chuyên gia phân tích của Forrester Research, nhận định. Còn Ramon Llamas của IDC lại tin "đây là bước đi lớn của RIM để đưa BlackBerry trở lại ngang hàng với iOS, Android và Windows Phone trong cuộc chiến khốc liệt năm 2013".


    Thị trường smartphone 2012: Những bại binh phục hận 3
    Một ý tưởng điện thoại Nokia dùng vỏ nhôm thay cho vỏ nhựa.

    Còn Nokia, ông hoàng điện thoại di động một thời, đã và đang trải qua cuộc đại phẫu tuy đau đớn nhưng hiệu quả từ năm 2012. Họ mạnh tay rũ bỏ những thứ cồng kềnh, không mang lại hiệu quả như đóng cửa một loạt nhà máy trên thế giới, bán cả trụ sở chính, bán bộ phận điện thoại hạng sang Vertu, cắt giảm đội ngũ nhân viên và mới nhất là khai tử nền tảng Symbian từng là hệ điều hành lớn nhất thế giới. Họ bắt đầu biết đến sức mạnh của việc nói "không" giống Apple. Dưới thời Steve Jobs, Apple có một triết lý rằng bất kể họ đã tiêu tốn tiền của như thế nào, bao nhiêu tài nguyên đã được đổ vào để phát triển sản phẩm, nhưng nếu nó không đủ tốt, họ sẽ nói "không". Steve Jobs từng chia sẻ: "Tôi tự hào về những việc chúng tôi không làm chẳng kém gì những việc chúng tôi làm". Vì thế, họ đã ném đi rất nhiều thứ "có vẻ tốt" để theo đuổi những điều tuyệt vời hơn thế.


    Nhờ sự dứt khoát đó, trong quý IV/2012, Nokia lần đầu có lãi sau rất nhiều quý chỉ biết đến thua lỗ. Họ đạt lợi nhuận 269 triệu USD, một phần là do bán được 4,4 triệu điện thoại Lumia (tính cả năm, Nokia vẫn lỗ gần 3 tỷ USD). CEO Stephen Elop của Nokia cho biết mọi nhân viên đã rất nỗ lực thực hiện theo chiến lược kinh doanh mới và họ sẽ vẫn tiếp tục cải thiện sản phẩm, nâng cao năng suất và quản lý chi phí hiệu quả.


    Smartphone chủ lực của Nokia là Lumia đã trải dài trên mọi phân khúc từ giá rẻ, tầm trung cho tới cao cấp. Sau nhiều lần tiếp cận khó khăn, dòng sản phẩm này đã dần trở nên quen thuộc với người dùng và tìm được chỗ đứng nhất định trên thị trường. Theo nguồn tin mới nhất, năm 2013, hãng Phần Lan sẽ tung ra phiên bản Lumia cao cấp với thiết kế mỏng hơn, sử dụng vỏ nhôm nguyên khối thay cho chất liệu nhựa hiện nay. Tuy chưa có sự đột phá, các bước đi của Nokia được đánh giá là chậm nhưng chắc và cuối cùng sẽ thành công.


    Thị trường smartphone 2012: Những bại binh phục hận 4
    LG Optimus G màn hình Full HD.

    Trong khi đó, LG cũng đã bất ngờ công bố điện thoại màn hình 5 inch Full HD mang tên Optimus G Pro với chip lõi tứ 1,7 GHz tại Nhật tuần trước. HTC tỏ ra im ắng tại CES 2013 nhưng chuẩn bị tung ra quân bài bí mật mang tên M7 ở triển lãm Mobile World Congress cuối tháng 2. 2012 được coi là năm "thảm họa kinh doanh" của HTC nhưng giới phân tích tin hãng này sẽ biết cách tạo nên cuộc lột xác trong năm nay.


    Theo Châu An
    VnExpress

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày