Nó sẽ giúp bạn phản xạ nhanh hơn 80 mili giây.
Bạn còn nhớ trò chơi "Đừng để tiền rơi" này chứ? Yêu cầu một người bạn mở tay họ như thể đang cầm một cốc nước. Sau đó để tờ tiền vào vị trí chiếc cốc lẽ ra phải ở đó. Bây giờ, hãy làm một giao kèo:
Bạn thả tờ tiền ra, và nếu người bạn bắt được, tờ tiền đó sẽ là của họ. Nếu không, họ sẽ mất lại cho bạn một tờ tiền khác có mệnh giá chỉ bằng một phần tư, thậm chí một phần mười.
Nghe có vẻ rủi ro đúng không? Nhưng đừng lo, các nhà khoa học đã tính toán rất kỹ, đó là một trò chơi mà bạn sẽ luôn luôn thắng.
Đừng lo, đây là một trờ chơi mà người bắt tiền sẽ luôn thua cuộc
Một người bình thường có thể phản xạ với một kích thích thị giác ở độ trễ một phần tư giây. Khi mắt người bạn nhìn thấy tờ tiền bắt đầu rơi xuống, phải mất 250 mili giây để tay của họ cặp lại.
Khoảng thời gian này bao gồm 200 mili giây cho não bộ xử lý những gì mà mắt họ nhìn thấy, sau đó quyết định gập ngón tay lại, cuối cùng là truyền tín hiệu đó xuống bàn tay.
50 mili giây cuối cùng là thời gian cần thiết để một cơ bắp của con người co duỗi khi nó nhận được mệnh lệnh phải làm điều đó. Kết hợp cả hai quá trình này lại, bạn sẽ có thời gian phản xạ trung bình của một con người.
Thật đáng tiếc, cùng trong khoảng thời gian đó, gia tốc trọng trường 9.8 m/s2 đã khiến tờ tiền trôi ra khỏi tay bạn. Trừ khi tờ tiền dài 25 cm, hoặc trừ khi bạn dùng trò cá cược này để thách đố Peter Parker, bạn sẽ luôn là người chiến thắng.
Thiết bị đeo này sẽ giúp bạn sở hữu siêu phản xạ như người nhện
Từ lâu, các nhà khoa học hậu đậu - những người vẫn thường xuyên đánh rơi bánh mì xuống sàn nhà - đã tự hỏi: Liệu có cách nào rút ngắn độ trễ trong phản xạ của con người lại hay không?
Hóa ra, để một con nhện phóng xạ cắn vào cổ không phải là cách duy nhất để có được khả năng siêu phàm. Bằng cách kết hợp các cảm biến và các kích thích cơ bằng điện cực, một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Chicago và phòng thí nghiệm CSL của Sony ở Tokyo đã chứng minh siêu phản xạ không phải chỉ có trên phim ảnh.
Hệ thống đeo tay của họ bao gồm các cảm biến máy ảnh cho phép bắt các chuyển động ở tốc độ cao, kết nối với một điện cực dán lên tay để kích thích các nhóm cơ co duỗi đúng thời điểm.
Để đo được đâu là thời điểm chính xác mà luồng điện nên phóng ra, các nhà nghiên cứu đã cho tình nguyện viên thực hiện một loạt các bài kiểm tra độ trễ phản xạ, sau đó lấy kết quả trung bình để bù trừ hợp lý.
Hệ thống có tên viết tắt là EMS làm việc khá hiệu quả. Nó đã giúp tình nguyện viên chiến thắng trò chơi bắt tiền, trong thử nghiệm này là một chiếc bút rơi qua lòng bàn tay. Người đeo EMS còn có thể chụp ảnh một quả bóng chày bắn ra từ máy bắn bóng tốc độ cao, thậm chí dùng súng bắn trúng quả bóng chày đang bay trong không trung:
Hệ thống EMS giúp bạn ra phản xạ tức thì
Tuy nhiên, mục tiêu của nghiên cứu chưa dừng lại. Bởi thực ra hệ thống điện cực kích thích đã chiếm quyền kiểm soát não bộ trong các tình huống này, mục tiêu là phải làm thế nào để đối tượng không cảm thấy được điều đó.
Liệu bạn có cảm thấy mình thực sự là một siêu anh hùng, khi chân tay bạn thực ra đang bị một cỗ máy khác điều khiển từ xa hay không? Tất nhiên là không rồi.
Qua nhiều lần thử và sai, các nhà nghiên cứu nhận thấy nếu họ tăng thời gian phản xạ vượt quá 80 mili giây, các tình nguyện viên sẽ không còn cảm giác họ điều khiển cơ thể mình nữa.
Vì vậy, bằng cách giới hạn thời gian phản xạ giảm xuống tối đa 80 mili giây, các nhà khoa học vẫn có thể giữ được hoàn toàn cảm giác kiểm soát cơ thể của người sử dụng EMS.
Trên thực tế, phản xạ của họ vẫn bị kiểm soát và kích thích bởi cảm biến và các điện cực. Nhưng vì não bộ của tình nguyện viên cũng tập trung vào cùng một nhiệm vụ, thời gian chênh lệch giữa các phản ứng tự nhiên và các kích thích điện bên ngoài có thể kéo dài đến mức 80 mili giây mà vẫn đánh lừa được não bộ của người tham gia, khiến họ nghĩ chính mình đã làm được điều đó.
Hệ thống EMS đã giúp tình nguyện viên chiến thắng trò chơi bắt tiền, trong thử nghiệm này là một chiếc bút rơi qua lòng bàn tay.
Bây giờ, với tất cả những gì mà các nhà khoa học đã làm được, bạn có thể bắt đầu tưởng tượng đến những bộ đồ siêu nhân mà khi mặc nó, bạn có thể tăng cường được phản xạ của mình.
Nhưng các nhà khoa học chắc chắn vẫn cần nhiều nghiên cứu nữa mới có thể hiện thực hóa bộ đồ ấy đến những siêu giác quan của người nhện. Trước hết, họ sẽ cần rất nhiều cảm biến, để bắt được rất nhiều chuyển động cùng lúc.
Bên cạnh đó, câu hỏi đặt ra lúc này là nếu một người mặc bộ đồ và thay đổi suy nghĩ của họ vào phút chót: không bắt tờ tiền nữa, nhưng bàn tay của họ thực ra vẫn khép lại thì sao?
Có thể đó sẽ là một bài toán khó cần giải quyết. Nhưng trước khi công nghệ kích thích cơ điện và cảm biến đạt được tới mức biến mọi người bình thường thành siêu nhân, chúng ta có thể áp dụng nó để cải thiện cuộc sống cho những người khuyết tật trước.
Các công nghệ như EMS trong tương lai gần có thể được dùng để giúp những người bị liệt đi lại, hoặc hỗ trợ người già cải thiện khả năng vận động, giúp họ di chuyển an toàn hơn, giảm nguy cơ vấp ngã.
Tham khảo Gizmodo
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming