Thử đo lượng chất béo cơ thể bằng chỉ số WHtR, đơn giản và chính xác hơn BMI

    zknight,  

    Một người cao 1m70 (170 cm) không nên có vòng bụng quá 85 cm.

    Chỉ số khối cơ thể (BMI - Body Mass Index), một công cụ “vàng” cho các nhà khoa học nghiên cứu về béo phì, cho các bác sĩ thực hiện chẩn đoán sơ bộ trên bệnh nhân, và cho chúng ta ước lượng độ gầy-béo của chính mình, đang bị nghi ngờ không còn đủ chính xác.

    Ra đời cách đây gần 200 năm, BMI vẫn luôn nhận được sự tin tưởng từ các cơ quan y tế quốc gia, tới các bệnh viện, phòng khám, bác sĩ và mọi người từng tính toán nó. Nhưng bây giờ, nhiều nhà khoa học đã chỉ ra BMI có một lỗ hổng lớn.

    Chúng ta không thể tiếp tục sử dụng BMI để ước lượng chất béo cơ thể, từ đó đưa ra chẩn đoán y tế sơ bộ. Thay vào đó, BMI nên được thay thế bởi những chỉ số tốt hơn, thứ có thể vá được lỗ hổng của nó và giúp chúng ta đoán trước nguy cơ bệnh tật.

     BMI nên được thay thế bởi những chỉ số tốt hơn

    BMI nên được thay thế bởi những chỉ số tốt hơn

    WHtR chỉ số sẽ thay thế BMI?

    BMI được tính đơn giản, bằng cách chia trọng lượng cơ thể (tính bằng kg) cho bình phương chiều cao (tính bằng mét). Sự đơn giản là yếu tố quyết định đến sự phổ biến của công thức này. Nhưng BMI đang bị chỉ trích vì đã tạo niềm tin sai lầm cho hàng triệu người.

    Nick Trefethen, một giáo sư số học từ Đại học Oxford từng gọi BMI là một “phép đo kỳ quặc”. Nó được phát minh ra trước cả cỗ máy giúp con người cộng trừ nhân chia. “Kết quả của một công thức thiếu khoa học, hàng triệu người thấp đang nghĩ rằng họ gầy và hàng triệu người cao đang nghĩ rằng họ béo”, Trefethen viết.

    Những nhà khoa học phê bình chỉ số BMI ngày nay chỉ ra phép đo có một điểm yếu. Đó là nó không tính được đến một yếu tố quan trọng: Chất béo vùng bụng, thứ còn gọi là mỡ nội tạng. Khi chúng ta tăng cân, chất béo tập trung xung quanh các cơ quan của cơ thể như tim, gan, phổi…nguy hiểm hơn rất nhiều so với chất béo thường phân bố dưới da.

    Nghiên cứu cho thấy chất béo vùng bụng có liên quan đến nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, tiểu đường type 2 và ung thư vú ở phụ nữ. Cũng có những bằng chứng cho việc chất béo nội tạng liên quan đến chứng mất trí ở người già. Tổng thể, đó là những nguy cơ tử vong sớm và một tuổi thọ ngắn hơn.

    Bởi vậy, trong một nghiên cứu mới trên tạp chí PLOS ONE, các nhà sinh lý học đến từ Đại học Leeds Beckett, Vương Quốc Anh đã để xuất một chỉ số nhằm thay thế BMI. Họ xác nhận tỷ số vòng bụng chia cho chiều cao (waist-height ratio-WHtR), là chỉ số phản ánh đúng nhất khối lượng chất béo bụng và chất béo cơ thể. Từ đó, nó có thể thay BMI làm một công cụ chẩn đoán y tế sơ bộ.

    Để đưa ra kết luận, các nhà khoa học đã sử dụng một máy quét toàn thân có độ chính xác cao để xác định lượng chất béo trong 81 người tình nguyện. Sau đó, kết quả này được đem so sánh với một bộ các chỉ số tính thủ công bao gồm: số đo vòng eo, BMI, WHtR và tỷ số vòng eo-hông.

    Một thực tế máy đo đã xác định, đó là khoảng một nửa tình nguyện viên đang ở trong tình trạng béo phì, với lượng chất béo cơ thể quá lớn. Thế nhưng, chỉ số BMI chỉ xác định được 1 phần 7 trong số họ. WhtR cho con số chính xác hơn, trùng với kết quả của máy đo. Còn tỷ số vòng eo-hông ít chính xác nhất.

     Tỷ số vòng bụng chia cho chiều cao là ước tính chính xác nhất cho lượng chất béo cơ thể và chất béo nội tạng

    Tỷ số vòng bụng chia cho chiều cao là ước tính chính xác nhất cho lượng chất béo cơ thể và chất béo nội tạng

    Đây cũng không phải lần đầu WHtR được đề xuất như một sự thay thế tốt hơn cho BMI. Trong một phân tích 44 nghiên cứ trên người trưởng thành và 13 nghiên cứu trên trẻ em, Margaret Ashwell, nghiên cứu viên cao cấp tại Đại học Thành phố London cũng cho biết WHtR có thể xác định được chính xác hơn nguy cơ tiểu đường và bệnh tim mạch.

    Cô cũng xác nhận chỉ số này sẽ đánh bại BMI và chỉ số vòng eo mà các bác sĩ vẫn hay sử dụng. WHtR có nhiều điểm mạnh: nó dễ tính hơn BMI, đúng với mọi chủng tộc, độ tuổi và giới tính.

    Bạn thậm chí không cần đến thước đo hay máy tính để ước lượng WHtR. Chỉ cần một cái dây, đo từ chân đến đỉnh đầu, gập đôi đoạn đó lại rồi xem nó có quá ngắn với vòng bụng của bạn hay không.

    Làm sao để tính WHtR và nó có ý nghĩa gì với bạn?

    Như bạn có thể hình dung từ gợi ý phía trên, WHtR được tính đơn giản bằng cách: chia vòng bụng cho chiều cao. Ví dụ, bạn có chiều cao 1m70 (175 cm) và vòng bụng 85 cm. WHtR = 85:170 = 0,5. Nếu bạn cần một công cụ online để tính WHtR, bấm vào trang web này sẽ giúp bạn.

    Theo nghiên cứu của Đại học Leeds Beckett, nếu con số bạn nhận được lớn hơn 0,53 ở nam và 0,54 ở nữ, bạn đã nằm trong nhóm có lượng chất béo cơ thể nguy hiểm. Nếu kết quả lớn hơn 0,59 ở cả hai giới, bạn đang sở hữu chất béo nội tạng nguy hiểm.

    Trong khi đó, nghiên cứu của Margaret Ashwell khẳng định một giới hạn an toàn thấp hơn, nói rằng nếu WHtR cao hơn 0,5 bạn đã để nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường của mình gia tăng.

    Ashwell nói rằng các cơ quan y tế nên khuyến cáo công chúng giữ gìn vòng bụng của mình, làm sao để nó không vượt quá một nửa chiều cao. Điều đó có nghĩa là một người cao 1m70 (170 cm) không nên có vòng bụng quá 85 cm.

     Hình ảnh thể hiện những mức WHtR khác nhau

    Hình ảnh thể hiện những mức WHtR khác nhau

    AI LÀ NGƯỜI PHÁT MINH RA CHỈ SỐ BMI?

    Lịch sử của BMI bắt đầu từ năm 1831, ghi dấu ấn của Adolphe Quetelet, một nhà toán học, thiên văn và xã hội học người Bỉ. Khoảng thời gian này, Quetelet đang nghiên cứu sự thay đổi cân nặng của con người, từ khi sinh ra cho đến tuổi trưởng thành.

    Phải nói rằng công trình của Quetelet khi đó chẳng liên quan gì đến người béo phì. Ông chỉ quan tâm đến quá trình phát triển bình thường của đa số người bình thường. Một thực tế mà Quetelet chỉ ra, đó là khi chúng ta lớn lên, cân nặng vào chiều cao không tăng theo cùng một tốc độ.

    Nếu con người phát triển đều đều theo tất cả các chiều hướng, ở bất cứ độ tuổi nào cũng có thể tính cân nặng của họ từ lập phương chiều cao. Nhưng đó không phải là những gì chúng ta thấy trong thực tế”, Quetelet từng nói.

    Thay vào đó, ông phát hiện ra một tỷ lệ rất sát thực. Rằng ngoại trừ hai giai đoạn tăng trưởng vượt bậc hồi sơ sinh và tuổi dậy thì, cân nặng con người sẽ tăng tỷ lệ với bình phương chiều cao.

    Phát hiện này chỉ dừng lại ở đó, trong một nghiên cứu của Quetelet đăng trên Kỷ yếu Viện Hàn lâm khoa học Hoa Kỳ năm 1932, và một số cuốn sách của ông những năm sau này. Dĩ nhiên là nó còn nằm giữa hàng tá các kết luận quan trọng khác, trong vô vàn nghiên cứu khác cũng về cơ thể người của Quetelet. Ông qua đời năm 1874.

    Adolphe Quetelet, cha đẻ của cách tính chỉ số BMI
    Adolphe Quetelet, cha đẻ của cách tính chỉ số BMI

    Những năm sau thế chiến thứ II, béo phì từ một nguy cơ còn nhen nhóm hồi cuối thế kỷ 18 đã trở thành một “con quỷ” thực sự. Một vài thập kỷ đầu thế kỷ 20 đã giúp các nhà khoa học hiểu, kích thước cơ thể quá lớn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho con người, ví dụ như tiểu đường, bệnh tim mạch, làm tăng tỷ lệ tử vong sớm.

    Nhu cầu đặt ra lúc này là con người phải có một thước đo “độ béo”. Nghiên cứu khoa học bắt đầu tập trung vào việc xác lập mối quan hệ giữa chiều cao và cân nặng, hai chỉ số cơ bản của kích thước cơ thể con người.

    Thế nhưng dù cho là năm 1960 và sau đó, tất cả các nghiên cứu mới được thực hiện cuối cùng cũng chỉ quay về một kết luận cũ của năm 1832. Phát hiện của Quetelet được khẳng định trở lại: Rằng trọng lượng cơ thể bình thường, tính theo kg, tỷ lệ thuận với bình phương chiều cao, tính bằng mét.

    Khi tính ra chỉ số này, các nhà khoa học gọi đó là chỉ số Quetelet. Với sự đơn giản và một độ chính xác quá tốt ở thời điểm đó, chỉ số Quetelet nhanh chóng trở nên phổ biến trong các nghiên cứu khoa học về béo phì.

    Đến năm 1972, trong một nghiên cứu mang tên “Những chỉ số trọng lượng tương đối và béo phì”, tác giả Ancel Keys đã khẳng định tính chính xác của chỉ số Quetelet. Ông đặt cho nó một cái tên chung mới, Body Mass Index (BMI), hay chỉ số khối cơ thể.

    Kể từ đó, ngày càng có thêm nhiều bằng chứng kết hợp thước đo BMI trong các nghiên cứu béo phì và tác hại của béo phì. Niềm tin của các nhà khoa học vào chỉ số BMI được củng cố. Các bác sĩ thì coi đó là một phép tính đơn giản để đưa ra chẩn đoán sơ bộ trên bệnh nhân.

    Năm 1985, Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ chính thức phổ biến cách tính chỉ số BMI tới người dân, và khuyến cáo chúng ta sử dụng nó như một thước đo tình trạng béo phì.

    Tham khảo Qz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ