Thử dùng AI để hoán đổi khuôn mặt của hai tỷ phú Jeff Bezos và Elon Musk, kết quả thật thảm họa

    tvd,  

    Hóa ra việc hoán đổi khuôn mặt trong video không đơn giản như những lời đồn.

    FakeApp là một ứng dụng khá hot trong thời gian gần đây. Ứng dụng này sử dụng công nghệ machine learning và trí tuệ nhân tạo TensorFlow của Google, để hoán đổi khuôn mặt của các nhân vật trong video một cách chân thực nhất.

    Đoạn video dưới đây là một ví dụ, trong bộ phim Indiana Jones với sự góp mặt của nam diễn viên Nicolas Cage. Tất nhiên là trong thực tế Nicolas chưa bao giờ đóng một tập phim Indiana Jones nào. Nhưng kết quả như chúng ta có thể thấy, nó khá giống thật.

    Nicolas Cage trong phim Indiana Jones.

    FakeApp sử dụng trí tuệ nhân tạo và machine learning để tái tạo lại hình ảnh khuôn mặt của một ai đó, với các chuyển động như thật lấy mẫu từ một đoạn video. Các dữ liệu ban đầu bao gồm hình ảnh của cả hai khuôn mặt, so sánh theo nhiều góc độ khác nhau. Sau đó, FakeApp sẽ xóa bỏ khuôn mặt ban đầu của nhân vật và thay thế bằng khuôn mặt mới.

    Điều thú vị là FakeApp có thể được sử dụng bởi bất kỳ ai, lại còn miễn phí và thao tác rất đơn giản. Vì vậy một số chuyên gia công nghệ lo ngại ứng dụng này có thể bị lợi dụng để tạo ra các video giả mạo, lợi dụng hình ảnh của những người nổi tiếng với mục đích xấu.

    Vì vậy mà biên tập viên công nghệ Adi Robertson của The Verge đã thử tạo ra một đoạn video hoán đổi khuôn mặt người nổi tiếng bằng FakeApp, theo một cách nghiệp dư để xem kết quả như thế nào. Và những gì Robertson tạo ra thực sự là một thảm họa.

    Dưới đây, chúng ta có thể thấy bóng dáng của nhà sáng lập Uber - Travis Kalanick trong vai diễn Gordon Gekko của bộ phim “Wall Street” năm 1987, đang nói một câu nói rất nổi tiếng “Greed is Good” (tham lam là tốt).

    Nếu như nó vẫn chưa đủ tệ, hay nhìn kết quả tiếp theo của việc hoán đổi khuôn mặt của tỷ phú Jeff Bezos với Elon Musk. Việc hoán đổi khuôn mặt của hai người trong một video là việc không đơn giản chút nào, và nó cũng còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau.

    Vậy vấn đề ở đây là gì? Theo biên tập viên Adi Robertson thì đó là do chất lượng của những hình ảnh dữ liệu đầu vào. Hình ảnh của hai khuôn mặt phải được chụp dưới nhiều góc độ khác nhau nhất có thể, bên cạnh đó là màu sắc và độ tương phản cũng phải đồng đều. Thậm chí các chi tiết nhỏ như mụn cũng cần được loại bỏ trước khi những hình ảnh này được sử dụng làm dữ liệu.

    Vấn đề thứ hai theo Robertson đó là thời gian mà ứng dụng FakeApp xử lý các khuôn mặt. Thời gian xử lý càng lâu thì khả năng hoán đổi khuôn mặt càng chân thực hơn. Như ở trên, đoạn video của Kalanick được xử lý qua một đêm, trong khi video của Elon Musk được xử lý trong vài tiếng đồng hồ.

    Tuy nhiên kết quả cho thấy vẫn là những video lỗi, chúng chưa thể hoàn thiện một cách 100%. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra những video này, còn dễ hơn nhận ra một bức ảnh photoshop. Thế nhưng Fake App cũng cho thấy những tiến bộ của công nghệ trí tuệ nhân tạo và có thể một ngày nào đó nó sẽ được hoàn thiện hơn, để bị lợi dụng vào những mục đích xấu.

    Tham khảo: Theverge

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày