Thứ nhỏ bé được cả thế giới săn đón: Mỹ đầu tư hơn 52 tỷ USD, EU quyết không ngoài cuộc

    An An, Theo Trí Thức Trẻ 

    Tổng thống Joe Biden chuẩn bị ký thành luật một dự luật đã được lưỡng đảng đồng thuận, trị giá hàng chục tỷ USD về sản xuất chất bán dẫn.

    Châu Âu gia nhập cuộc đua sản xuất chất bán dẫn

    Hãng tin Reuters (Anh) mới đây đưa tin, hãng sản xuất chip Intel của Mỹ gần đạt được thỏa thuận với Ý để xây dựng một nhà máy tiên tiến tại nước này để sản xuất chất bán dẫn. Khoản đầu tư này là một phần của kế hoạch lớn hơn nhằm tăng sản lượng chip ở EU, nhằm giảm sự phụ thuộc vào châu Á.

    Thỏa thuận đối với nhà máy đóng gói và lắp ráp chất bán dẫn ban đầu sẽ trị giá 5 tỷ USD. Reuters cho biết thêm, thỏa thuận dự kiến sẽ đạt được vào cuối tháng 8.

    Khoản đầu tư vào Ý là một phần trong kế hoạch mở rộng của Intel, nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, với 88 tỷ USD vào việc xây dựng năng lực trên khắp châu Âu, nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu chip từ châu Á, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng hiện nay ở eo biển Đài Loan.

    Nhà máy chế chất bán dẫn lớn nhất thế giới là Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), sản xuất hơn 90% chất bán dẫn tiên tiến nhất được sử dụng trong ngành công nghiệp toàn cầu.

    Cuộc khủng hoảng nguồn cung chip toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra đã hạn chế sản lượng của ngành công nghiệp ô tô chiến lược của châu Âu. Chất bán dẫn cũng được sử dụng trong máy tính, thiết bị gia dụng và nhiều mặt hàng khác.

    Trước đó, Reuters đưa tin rằng, Rome đã sẵn sàng tài trợ tới 40% tổng vốn đầu tư của Intel vào Ý, dự kiến sẽ tăng theo thời gian so với 5 tỷ USD ban đầu.

    Liên minh châu Âu (EU) muốn phát triển các cơ sở bán dẫn tiên tiến trên lãnh thổ của mình. Ủy ban Châu Âu đã thực hiện các khoản đầu tư theo định hướng chính sách với tổng trị giá hơn 43 tỷ euro theo Đạo luật Chip đến năm 2030.

    Thứ nhỏ bé được cả thế giới săn đón: Mỹ đầu tư hơn 52 tỷ USD, EU quyết không ngoài cuộc - Ảnh 1.

    Lĩnh vực sản xuất chip đang trở nên sôi động. Ảnh: Reuters

    TT Biden ký dự luật về chip để thúc đẩy cạnh tranh

    CNBC News (Mỹ) đưa tin, Tổng thống Joe Biden chuẩn bị ký thành luật một dự luật đã được lưỡng đảng đồng thuận, trị giá hàng chục tỷ USD về sản xuất chất bán dẫn, với mục đích tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc và các đối thủ nước ngoài khác.

    Báo Mỹ cho rằng, đạo luật này đánh dấu một chiến thắng cho Tổng thống Biden, khi đã cố gắng thúc đẩy Quốc hội thông qua đạo luật như một vấn đề cần thiết cho nền kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ.

    Dự luật, được gọi là Đạo luật Khoa học và Chip, trị giá hơn 52 tỷ USD, hỗ trợ cho các công ty Mỹ sản xuất chip máy tính, cũng như hàng tỷ USD tín dụng thuế để khuyến khích đầu tư vào sản xuất chip. Nó cũng cung cấp hàng chục tỷ USD để tài trợ cho nghiên cứu và phát triển khoa học, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới và phát triển các công nghệ khác của Mỹ.

    Hạ viện và Thượng viện đã thông qua dự luật vào tuần trước với sự ủng hộ gần như nhất trí của đảng Dân chủ, trong khi đó, một phần ba các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ủng hộ dự luật.

    Những người ủng hộ nói rằng, điều quan trọng là Mỹ phải đẩy mạnh sản xuất chất bán dẫn, vốn là thành phần ngày càng quan trọng trong một loạt các sản phẩm bao gồm điện tử tiêu dùng, ô tô, thiết bị chăm sóc sức khỏe và hệ thống vũ khí.

    Tổng thống Biden từng chỉ ra, sự thiếu hụt chip là nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao ngất ngưởng hiện nay ở Mỹ. Việc thiếu chip để sản xuất ô tô mới có liên quan đến việc giá ô tô đã qua sử dụng tăng vọt, điều này đang đẩy lạm phát lên cao hơn.

    Chip đang bị thiếu hụt do đại dịch Covid-19. Việc các nhà máy ngừng hoạt động đã làm cản trở hoạt động sản xuất chip ở châu Á trong khi nhu cầu của người tiêu dùng đối với ô tô và thiết bị điện tử gia dụng tăng cao trong thời gian đó. Thị phần sản xuất chip toàn cầu của Mỹ cũng giảm mạnh trong những thập kỷ gần đây, trong khi Trung Quốc và các quốc gia khác đầu tư mạnh vào ngành này.

    Mỹ sản xuất rất ít loại chất bán dẫn tiên tiến nhất, phần lớn chúng được sản xuất ở Đài Loan.

    Đài Loan: Thống trị sản xuất chất bán dẫn trên thế giới

    Theo tờ The Conversation (Australia), vị trí của đảo Đài Loan trên thế giới về sản xuất chất bán dẫn gần giống vị thế của Ả Rập Xê Út trong OPEC.

    TSMC, nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới có trụ sở ở đảo Đài Loan, chiếm 53% thị phần trên thị trường sản xuất chất bán dẫn toàn cầu. Các nhà sản xuất khác có trụ sở tại đảo Đài Loan chiếm thêm 10% thị trường.

    Đáng chú ý, theo Báo cáo đánh giá chuỗi cung ứng 100 ngày của chính quyền Tổng thống Biden, "Mỹ phụ thuộc nhiều vào một công ty duy nhất - TSMC - để sản xuất chip tiên tiến hàng đầu của mình".

    Mỹ đã và đang cố gắng thu hút TSMC vào Mỹ để tăng năng lực sản xuất chip nội địa. Năm 2021, TSMC đã mua một địa điểm ở Arizona để xây dựng một xưởng sản xuất ở Mỹ. Dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ